1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ lật cầu thảm khốc: Bà con xúc động đón cầu tạm

(Dân trí) - Sau 3 ngày thi công, đến 17h chiều ngày 28/2, cây cầu bằng thép nối giữa hai bờ suối thay thế cho cầu Chu Va 6 (Tam Đường - Lai Châu) bị lật trước đó đã được hoàn thành.

Cuối giờ chiều 28/2, khi những tấm thép mặt cầu cuối cùng được hàn gắn lại cũng là lúc cầu nối giữa hai bản Chu Va 6 và Chu Va 8 được khai thông. Hàng trăm bà con đồng bào Mông ở hai bản vừa chịu cảnh đau thương vui mừng, xúc động.

Ông Trang A Hạ, một người có mặt chứng kiến thời khắc cây cầu hoàn thành, chia sẻ, vì cây cầu nối liền con đường độc đạo vào bản nên bà con ai cũng háo hức mong chờ. “Không khí tang tóc còn chưa vơi nhưng sự tận tâm, giúp đỡ của các các chiến sĩ tình nguyện và cán bộ địa phương làm chúng tôi cảm thấy phấn khởi. Họ làm việc miệt mài, không ngừng nghỉ, khiến chúng tôi được an ủi, động viên rất nhiều” - ông Hạ xúc động nói.

Vụ lật cầu thảm khốc: Bà con xúc động đón cầu tạm
Công tác hoàn thiện cây cầu tạm dưới lòng suối được gấp rút thực hiện xong trước 2 ngày so với dự kiến

Cây cầu cho phép cả các phương tiện 2 bánh lưu thông
Cây cầu cho phép cả các phương tiện 2 bánh lưu thông

Theo ông Hạ, kể từ hôm xảy ra vụ tai nạn lật cầu, bên cạnh nỗi đau thương mất mát, cuộc sống của bà con cũng bị đảo lộn hoàn toàn vì con đường độc đạo bị cắt đứt, cả bản bị cô lập. Bà con chỉ biết quanh quẩn trong làng, muốn đi xa cũng không thể mang xe máy ra khỏi làng được.

Ông Bùi Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường - cho biết, chỉ tính riêng trong ngày 28/2, ít nhất có khoảng hơn 150 người được huy động tham gia thi công cầu tạm gồm lực lượng quân nhân Trung đoàn 880 (40 người), lực lượng công an viên và dân quân tự vệ hai xã. Không khí làm việc khẩn trương nên cây cầu đã “về đích” sớm hơn dự kiến 2 ngày.

Khoảng 40 học sinh đi “lánh nạn” được về nhà

Là một trong những người đầu tiên đi qua cầu treo lúc cầu bị lật, anh Hàng A Tòng vẫn còn nhớ như in giây phút cả đoàn mấy chục người rơi xuống suối. Anh Tòng may mắn rơi trúng một vũng nước nên chỉ bị một vết thương trên trán, phải khâu 7 mũi. Từ viện trở về, anh rất bất ngờ khi thấy bản đã có cầu mới.

Những học sinh, em nhỏ vùng cao vui mừng với sự nối thông hai bên bờ suối sau nhiều ngày bị cô lập
Những học sinh, em nhỏ vùng cao vui mừng với sự nối thông hai bên bờ suối sau nhiều ngày bị cô lập

Ông Phong Vĩnh Cường - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bình - cho hay, bà con sống trong hai bản chủ yếu là người Mông, thôn Chu Va 6 có 106 hộ, Chu Va 8 có 100 hộ dân, số lượng nhân khẩu cũng gần bằng nhau, khoảng hơn 500 người. “Bà con nơi đây chủ yếu sống bằng nông nghiệp và thảo quả. Vừa rồi băng tuyết xảy ra liên tục khiến nhiều diện tích thảo quả bị hỏng, mất mùa. Hơn nữa lại xảy ra sự cố sập cầu khiến cho bà con càng thêm túng quẫn. Đến ngày hôm nay, có cầu mới vững chắc và an toàn cho bà con là chúng tôi yên tâm rồi” - ông Cường cho biết.

Cây cầu hoàn thành, các học sinh phải đi “lánh nạn” mấy ngày qua đã được trở về nhà.

Những học sinh, em nhỏ vùng cao vui mừng với sự nối thông hai bên bờ suối sau nhiều ngày bị cô lập

Thầy Vương Ngọc Thương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Bình - cho biết: “Số học sinh ở bản Chu Va 6 đang theo học tại Trường tiểu học xã Sơn Bình khoảng 40 học sinh, vì trong bản đã có điểm trường nhưng chỉ có từ lớp 1 đến lớp 3, còn lớp 4, 5 thì theo học tại trường Tiểu học Sơn Bình. Trung bình mỗi khối có khoảng 20 học sinh của Chu Va 6 đang theo học”.

Theo quy định của nhà nước, học sinh phải cách xa trường hơn 4km mới được ở nội trú, do vậy số học sinh nội trú của Chu Va 6 rất ít. Nhưng từ khi vụ lật cầu xảy ra, nhà trường đã tạo điều kiện để cho toàn bộ hơn 40 học sinh ở lại nội trú.

Lãnh đạo xã Sơn Bình cho hay, đây là cây cầu được xây dựng để phục vụ tạm thời cho bà con địa phương. Vì địa hình miền núi phức tạp nên cây cầu tạm này không đáp ứng được đầy đủ trong điều kiện thời tiết bất thường như lũ ống, lũ quét. Về lâu dài vẫn cần có một cây cầu bắc trên cao phục vụ nhân dân.

Quốc Cường - Xuân Thái