1. Dòng sự kiện:
  2. Đường mới xây bị sụt lún như động đất ở Tây Ninh
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Vụ lăng mộ vua Lê Túc Tông bị xâm hại: Phát hiện hố sâu 1,6m

Thanh Tùng

(Dân trí) - Qua kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa phát hiện mộ vua Lê Túc Tông bị đào một hố sâu 1,6m cùng nhiều mảnh bia đá.

Ngày 15/5, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về vụ việc lăng mộ vua Lê Túc Tông, thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, bị một nhóm người Trung Quốc đào bới, xâm hại.

Theo đó, kết quả kiểm tra bước đầu từ Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Thanh Hóa, lăng mộ vua Lê Túc Tông đã bị nhóm đối tượng người Trung Quốc đào bới.

Vụ lăng mộ vua Lê Túc Tông bị xâm hại: Phát hiện hố sâu 1,6m - 1

Hố đào có chiều sâu 1,6m tại khu vực lăng mộ vua Lê Túc Tông (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Tại hiện trường, phát hiện một hố đào có kích thước 90cm x 52cm, sâu 1,6m. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ 14 mảnh bia mộ bằng đá, trên đó có khắc chữ Hán và họa tiết rồng thời Lê.

Bước đầu, cơ quan chức năng nhận định bia đá có hàng chữ Hán dọc, cỡ chữ lớn, khắc theo kiểu chữ Khải, với nội dung ghi miếu hiệu của vua Lê Túc Tông.

Ngoài ra, còn phát hiện thêm 15 mảnh gạch màu xám đen. Các hiện vật này đã được Công an tỉnh Thanh Hóa đóng thùng sắt, niêm phong và lưu giữ tại kho hiện vật của Khu di tích lịch sử Lam Kinh để phục vụ công tác điều tra.

Vụ lăng mộ vua Lê Túc Tông bị xâm hại: Phát hiện hố sâu 1,6m - 2

Lăng mộ vua Lê Túc Tông (Ảnh: Hoàng Dương).

Cũng theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra tổng thể hiện trạng các di tích khác trong khu vực Di tích lịch sử Lam Kinh. Qua kiểm tra, không phát hiện dấu hiệu xâm hại tại các di tích khác.

Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 18 lăng mộ vua chúa, hoàng hậu và các vị quan đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt hoặc cấp quốc gia, 37 lăng mộ các vị quan được xếp hạng cấp tỉnh, 24 lăng mộ khác chưa được xếp hạng.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có công văn gửi các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương trong tỉnh yêu cầu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, đảm bảo an toàn và an ninh cho các di tích; ngăn chặn và xử lý các hành vi trộm cắp, đào bới, trục vớt, buôn bán, trao đổi trái phép di vật và cổ vật.

Trước đó, vào khoảng 21h30 ngày 3/5, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa phát hiện khu lăng mộ vua Lê Túc Tông có dấu hiệu bị xâm hại.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã truy tìm dấu vết và bắt giữ hai công dân Trung Quốc là Shen Jiangyang (SN 1982) và Deng Zhiji (SN 1984), cùng trú tại tỉnh Quảng Tây, để điều tra làm rõ hành vi xâm phạm mồ mả.

Vụ lăng mộ vua Lê Túc Tông bị xâm hại: Phát hiện hố sâu 1,6m - 3

Hai nghi phạm bị bắt giữ (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Hai đối tượng khai nhận đã nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 28/4 qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), với mục đích tìm kiếm cổ vật tại các khu mộ cổ của vua chúa và người giàu có, nhằm trộm cắp những tài sản được chôn theo.

Chúng mang theo một bộ dụng cụ thăm dò gồm: một cây xăm bằng kim loại chuyên dùng để săn tìm đồ cổ và một thiết bị dò kim loại có gắn cảm ứng.

Khi đến thành phố Thanh Hóa, cả hai lưu trú tại một khách sạn ở phường Điện Biên, sau đó thuê xe máy đến khu lăng mộ vua Lê Túc Tông để quan sát và nghiên cứu địa hình.

Ngày 3/5, hai đối tượng đã sử dụng thiết bị để thăm dò và đào bới tại khu vực lăng mộ vua Lê Túc Tông nhưng không tìm thấy hiện vật có giá trị. Khi phát hiện có người qua lại, chúng bỏ lại dụng cụ và nhanh chóng bỏ trốn.