1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đắk Nông:

Vụ khối đá 30 tấn: "Chưa giám định đá thì chưa có căn cứ xử lý"

(Dân trí) - “Viên đá tại Đắk Nông chưa có 1 biên bản giám định nào của các cơ quan chuyên môn xác định đó là đá quý, đá bán quý hay đá thông thường thì chưa có căn cứ để xử lý”.

Đó là ý kiến của luật sư Tạ Quang Tòng - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk, liên quan đến đề xuất xử phạt 2 người khai thác khối đá nặng gần 30 tấn 1,1 tỷ đồng về Hành vi khai thác khoáng sản trái phép của Công an tỉnh Đắk Nông.

Như Dân trí đã đưa tin, vụ việc ông Nguyễn Chí Thanh (SN 1981, ngụ xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) có nhu cầu múc hồ tại rẫy để chứa nước tưới cà phê, nên đã thuê Trương Quốc Hảo (SN 1971, ngụ cùng xã) – chủ máy múc đến múc hồ cho gia đình. Trong lúc múc phát hiện khối đá lớn nặng gần 30 tấn nằm ngay dưới hố, sau đó được ông Hảo đề nghị mua nên ông Thanh đã bán với giá 70 triệu đồng, trừ chi phí máy móc ông Thanh chỉ còn được khoảng 30 triệu đồng.

Riêng ông Hảo, sau khi được 1 người phụ nữ ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ngỏ ý mua viên đá trên với giá 140 triệu đồng, thấy có chút lãi nên đã mua lại của ông Thanh và thuê người đến đưa đá lên mặt đất. Trong lúc, tài xế được thuê vận chuyển đá đi từ Đắk Nông sang Đắk Lắk đã bị Công an tỉnh Đắk Nông yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ, tuy nhiên tài xế không có giấy tờ chứng minh nên cả phương tiện và hòn đá được đưa về trụ sở giải quyết.

Vừa qua, Công an tỉnh Đắk Nông đã đề xuất UBND tỉnh tịch thu hòn đá, phạt tài xế vận chuyển hòn đá 35 triệu đồng và đề xuất phạt 2 người khai thác đá là ông Thanh và ông Hảo mỗi người 550 triệu đồng.

Mức đề xuất xử phạt người khai thác hòn đá nặng gần 30 tấn gây nhiều tranh cãi
Mức đề xuất xử phạt người khai thác hòn đá nặng gần 30 tấn gây nhiều tranh cãi

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Tòng - cho biết: Tất cả mọi quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đều có xuất phát phải căn cứ pháp lý. Căn cứ pháp lý trong trường hợp này để xác định việc khai thác, vận chuyển đó là đúng hay sai,  phải xác định hòn đá đó là đá quý, bán quý hay đá thông thường. Nếu đá thông thường thì người khai thác được quyền sử dụng hòn đá đó, nếu là đá quý hay đá bán quý có trong danh mục cấm khai thác vận chuyển của nhà nước thì mới là căn cứ để xử phạt trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

“Viên đá tại Đắk Nông chưa có 1 biên bản giám định nào của cơ quan chuyên môn, xác định rằng đó là đá quý hay đá bán quý thì chưa có căn cứ để xử lý. Quan điểm của tôi nếu có hành vi vi phạm thì hành vi đó phải bị xử lý là đúng, nhưng để có căn cứ xử lý phải căn cứ trên pháp lý không thể theo cảm tính được”, luật sư Tòng nhấn mạnh.

Luật sư Tòng cũng cho rằng, Biên bản giám định phải xác định được hòn đá này là đá gì, tên khoa học là gì, cấu thành vật chất ra sao, có nằm trong danh mục đá quý cấm khai thác không. Và cho biết, hội đồng giám định hòn đá này trước giờ chưa có tiền lệ và cũng chưa có cơ quan chuyên môn, chuyên gia thực sự về lĩnh vực này để giám định về đá hoặc khoáng sản vì vậy việc trưng cầu giám định với hòn đá này trở nên phức tạp.

 “Các nhà địa chất học hàng đầu, hoặc thành viên khoa học của viện Vật lý địa cầu,  chuyên gia hàng đầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường về khoáng sản tham gia vào hội đồng này khi đó mới có quyền giám định hòn đá. Để mời được Hội đồng này từ Hà Nội vào Đắk Nông để giám định thì thực sự rất khó khăn và tốn kém”, luật sư Tòng nhận định.

Đối việc khai thác đá, luật sư Tòng cũng cho rằng cần xác định được mục tiêu chính của những người đã khai thác, có chủ đích khai thác đá hay mục đích chính là đào hồ để lấy nước tưới cà phê thì sẽ bị loại trừ ra khỏi hành vi khai thác khoáng sản và sẽ không chịu mức phạt như vậy.

Trước đó sau đề xuất bị xử phạt, cả ông Thanh và ông Hảo đều lên tiếng cho rằng bản thân là những người dân đi làm tình cờ phát hiện hòn đá, được người khác ngỏ lời mua thấy có ít lời nên đem bán, chứ chủ đích của mình không phải để khai thác đá đi bán, nên mức đề xuất phạt mỗi người 550 triệu đồng là “mức phạt vô lý”.

Trương Nguyễn