1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ "hô biến" nước mương thành nước "tinh khiết": Chi cục VSATTP nói gì?

(Dân trí) - Có tới gần chục trường học, UBND xã, một số phòng ban thuộc huyện An Lão... đã vô tư sử dụng những bình nước uống "tinh khiết" hàng ngày mà không thể ngờ chúng lại có nguồn từ... mương nước thải.

Vụ hô biến nước mương thành nước tinh khiết: Chi cục VSATTP nói gì? - 1

Nguồn nước được cơ sở lấy để sản xuất nước đóng bình.

Cơ sở vô tư hoạt động “chui”, cơ quan quản lý nói không biết

Chỉ đến khi Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hải Phòng vào cuộc thì vụ việc mới vỡ lở và lúc này cơ sở này còn lộ ra việc hoạt động “chui” mà địa phương, các cơ quan quản lý hình như không hay biết. Lúc này, Chi cục VSATTP thành phố mới lên tiếng thừa nhận hoàn toàn không biết việc cơ sở sản xuất này đã hoạt động “chui” trong thời gian qua.

Cụ thể, trao đổi với Dân trí trưa nay (11/6), ông Nguyễn Văn Toản, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP thừa nhận, cơ sở sản xuất nước uống đóng bình thuộc Công ty TNHH Phúc Hà (trụ sở ở thôn Phương Chử Đông, xã Trường thành, huyện An Lão, TP Hải Phòng) đã hoạt động không phép và sử dụng nguồn nước từ mương nước sau nhà để sản xuất.

Theo ông Toản, Cơ sở Phúc Hà được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm số 169/2015/ATTP ngày 21/04/2015; có Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy số 47/2015/YTHP-TNCB ngày 25/12/2015 cho sản phẩm nước uống đóng chai hiệu Vimass Núi Voi. 

Vụ hô biến nước mương thành nước tinh khiết: Chi cục VSATTP nói gì? - 2

Lực lượng QLTT đã bất ngờ kiểm tra, phát hiện vụ việc

Cũng theo ông Toản, đến năm 2019, Chi cục phát hiện cơ sở này tiếp tục sản xuất trong khi giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đã hết hạn nên đã tiến hành xử phạt 30 triệu đồng. Đơn vị này sau đó đã thực hiện nộp phạt và Chi cục cũng đã yêu cầu dừng hoạt động cho đến khi có đủ điều kiện.

Tuy nhiên sau đó cơ sở vẫn không chịu làm thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP mà còn tổ chức hoạt động “chui”. Dẫn đến mới đây bị lực lượng QLTT thành phố kiểm tra đột xuất và bị phát hiện.

Về trách nhiệm để xảy ra vụ việc trên, ông Toản cho rằng, tất cả các cuộc kiểm tra Chi cục đều mời đại diện Phòng Y tế của huyện An Lão tham gia nên trách nhiệm thuộc về cả Chi cục lẫn Phòng này. Ông Toản cũng cho rằng, Chi cục là cơ quan chủ quản và không muốn đùn đẩy trách nhiệm nhưng huyện An Lão cũng phải có trách nhiệm phối hợp giám sát.

Vụ hô biến nước mương thành nước tinh khiết: Chi cục VSATTP nói gì? - 3

Theo QLTT, nhiều trường học, thậm chí UBND xã, huyện đã sử dụng loại nước đóng bình của cơ sở này

Trước câu hỏi, vì sao cơ sở trên sản xuất “chui” trong một thời gian dài mà Chi cục VSATTT thành phố với vai trò là cơ quan quản lý không hay biết, trong khi Cục QLTT lại phát hiện được? Ông Toản giải thích: “Chúng tôi có phải ở gần đâu mà nắm được, trên thực tế chúng chỉ kiểm tra theo kế hoạch, khi phát hiện dấu hiệu như: nguồn tin tố giác từ người dân, cấp trên yêu cầu… mà thôi. Cục QLTT họ có lực lượng ở đó nên họ dễ phát hiện vi phạm của cơ sở”.

Hô “biến” nước mương thành nước đóng bình

Đối với câu hỏi vì sao cơ sở Phúc Hà đã dừng hoạt động do hết hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP nhưng ngày 30/5, Chi cục VSATTP thành phố vẫn tổ chức lấy mẫu tại đây? Ông Nguyễn Văn Toản lý giải, việc lấy mẫu vừa rồi là để giám sát định kỳ, thời điểm lấy mẫu do cơ sở không hoạt động, tại khu nhà xưởng chỉ có vỏ bình nước nên tiến hành lấy mẫu ở vòi chứ không phải ở bình nước thành phẩm.

Vụ hô biến nước mương thành nước tinh khiết: Chi cục VSATTP nói gì? - 4

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT đã phát hiện có 102 bình nước thành phẩm đang được vận chuyển lên xe ô tô để mang đi tiêu thụ

Tuy nhiên khi phóng viên Dân trí đưa ra thông tin về việc Tổ công tác của Chi cục VSATTP ngày 30/5 đã tổ chức lấy mẫu ở bình nước đã thành phẩm, có hạn sử dụng, số lượng bình nước cụ thể thì ông Toản lại nói, sẽ cho kiểm tra lại.

Dư luận cho rằng, Chi cục VSATTP khi tổ chức lấy mẫu như vậy là thể hiện việc có biết cơ sở này vẫn đang hoạt động dù giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đã hết hạn nhưng lại không có động thái xử lý. Như vậy liệu có chuyện chi cục này biết mà ngó lơ cho cơ sở hoạt động "chui"?

Như Dân trí đã thông tin, ngày 5/6, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở Phúc Hà phát hiện cơ sở này lấy nguồn nước từ mương nước sau nhà, lọc qua hệ thống máy lọc để sản xuất nước uống đóng chai hiệu Vimass Núi Voi.

Đoàn kiểm tra đã mời Trung tâm Y tế huyện An Lão lấy mẫu nước đóng chai đã hoàn thiện để kiểm nghiệm, đồng thời yêu cầu cơ sở Phúc Hà tạm ngừng hoạt động sản xuất và lưu thông sản phẩm nước uống ra thị trường.

Cũng theo lực lượng QLTT, có tới 7 đến 8 trường học trên địa bàn, UBND xã, một số phòng, ban của huyện An Lão đã sử dụng loại nước này.

Vụ hô biến nước mương thành nước tinh khiết: Chi cục VSATTP nói gì? - 5

Qua kiểm tra, lực lượng QLTT còn phát hiện cơ sở này sản xuất "chui", giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đã hết hạn từ năm 2018

Theo báo cáo của Chi cục VSATTP thành phố, ngày 9/6, sau vụ việc lực lượng Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra tại cơ sở; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã đến làm việc với cơ sở Phúc Hà.

Tại buổi làm việc, đại diện cơ sở Phúc Hà là ông Nguyễn Văn Thiện đã báo cáo: Cơ sở Phúc Hà hoạt động từ năm 2008, lấy nguồn nước từ nguồn nước ngầm của Núi Voi để sản xuất nước uống đóng chai, tuy nhiên gần đây do hệ thống máy bơm khai thác nước ngầm bị hỏng, cơ sở đã sử dụng nước từ mương sau nhà, qua hệ thống máy lọc để sản xuất nước uống đóng chai.

An Nhiên