1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Vụ hàng trăm giếng nước ô nhiễm: Nguồn nước của dân chưa được khắc phục

(Dân trí) - Sau nhiều năm từ khi xuất hiện tình trạng ô nhiễm và nhiều tháng vào cuộc của cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương, đến nay, tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân tại vùng ngập thủy điện Bá Thước 2 vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

>> Hàng trăm giếng nước bị ô nhiễm do thủy điện tích nước?

>> Vụ hàng trăm giếng ô nhiễm nghi do thủy điện tích nước: Chưa có kết luận

Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, đơn vị này đã ban hành công văn gửi Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thanh Hóa đề nghị hướng dẫn xây dựng, vận hành, bảo dưỡng bể lọc cho các hộ dân thuộc vùng ngập thủy điện Bá Thước 2. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã thuộc vùng ngập của thủy điện Bá Thước 2 phối hợp với Trung tâm y tế huyện Bá Thước tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân vệ sinh khu vực quanh giếng và xây dựng bể lọc để xử lý nước.

Nước sinh hoạt của người dân bị ô nhiễm
Nước sinh hoạt của người dân bị ô nhiễm

Đến ngày 10/11, UBND huyện Bá Thước tiếp tục chủ trì phối hợp với Hội đồng giải phóng mặt bằng công trình thủy điện Bá Thước 2, Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa (Cty thủy điện Hoàng Anh), UBND xã Lâm Xa, UBND xã Lương Ngoại làm việc với các hộ gia đình bị ô nhiễm nước sinh hoạt tại xã Lâm Xa.

Phương án được đưa ra tại buổi làm việc là xây dựng bể lọc nước cho các hộ gia đình theo bản vẽ thiết kế chi tiết do Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn. Tuy nhiên các hộ gia đình không nhất trí với phương án xây dựng bể lọc nước, đề nghị được hỗ trợ kinh phí để các hộ tự khoan giếng.

Thêm một lần nữa, UBND huyện Bá Thước báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa theo hướng hỗ trợ kinh phí khoan giếng cho các hộ dân.

Trước đó, báo Dân trí đã phản ánh, hàng trăm giếng nước phục vụ sinh hoạt của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Lâm Xa và Lương Ngoại, huyện Bá Thước bị ô nhiễm nghiêm trọng, tình trạng này xuất hiện từ năm 2014. Theo báo cáo của UBND huyện Bá Thước, một số giếng nước sinh hoạt tại các khu dân cư vùng phụ cận lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 có mùi hôi tanh, không sử dụng được. Cụ thể, tại xã Lâm Xa có 92 giếng, xã Lương Ngoại có 43 giếng.

Người dân đã nhiều lần kiến nghị và UBND huyện Bá Thước đã chỉ đạo phòng chức năng phối hợp với UBND các xã và Cty thủy điện Hoàng Anh tổ chức xác định nguyên nhân, mức độ ô nhiễm. UBND huyện Bá Thước cũng đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các ban ngành chuyên môn cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, lấy mẫu xác định mức độ, nguyên nhân ô nhiễm tại các giếng nước sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực lòng hồ thủy điện Bá Thước 2; đồng thời có giải pháp khắc phục, tạo điều kiện cho người dân có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa - đã chỉ đạo, giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, Sở Y tế, UBND huyện Bá Thước, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra, đề xuất các biện pháp khắc phục, báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời yêu cầu Cty thủy điện Hoàng Anh tiến hành thu gom, xử lý rác thải lòng hồ thường xuyên để không làm ô nhiễm nguồn nước mặt; hỗ trợ xây dựng bể lắng lọc cho các hộ dân đang bị ô nhiễm thuộc các xã Lâm Xa, Lương Ngoại như đã thống nhất tại Biên bản làm việc ngày 20/7; giao Sở Công thương theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của Cty thủy điện Hoàng Anh; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.

Duy Tuyên