1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ giết vợ chặt xác bỏ hầm rút: Kháng nghị hủy án để xét xử lại

(Dân trí) - Chánh án TAND tối cao vừa kháng nghị bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đối với Trần Văn Ban (SN 1970, trú Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hòa) - kẻ giết vợ rồi chặt xác phi tang dưới hầm rút từng gây xôn xao dư luận.

Đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án trên về phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Ban; giao hồ sơ vụ án cho Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng xét xử lại.

 

Theo TAND tối cao nhận định tòa án cấp sơ thẩm xử phạt tử hình bị cáo là đúng pháp luật; việc tòa cấp phúc thẩm giảm hình phạt xuống tù chung thân là không đúng pháp luật.

 

Vụ giết vợ chặt xác bỏ hầm rút: Kháng nghị hủy án để xét xử lại - 1

Bị cáo Trần Văn Ban trước vành móng ngựa.

 

Theo nội dung vụ án: Ban và chị Trần Thị Hiếu kết hôn năm 1992, đã có với nhau 3 mặt con. Hai vợ chồng làm nghề giết mổ và bán thịt heo tại chợ Vĩnh Lương (Nha Trang). Chiều 29/10/2009, giữa 2 vợ chồng đã xảy ra cãi vã do chị Hiếu nghi ngờ Ban lấy 10 triệu đồng cho bồ. Trong khi cãi nhau, Ban đã lấy ghế gỗ đánh chị Hiếu nhưng được em trai vợ là Trần Văn Đại can ngăn. Vì chuyện này, vợ chồng vẫn tiếp tục cãi vã sau đó.

 

Đến khoảng 2 giờ sáng ngày 2/11/2009, trong lúc chị Hiếu và Ban đang mổ lợn, chị Hiếu tiếp tục chửi chồng. Ban tức giận dùng một cây gỗ đánh mạnh vào đầu khiến chị Hiếu gục xuống. Ban còn đánh tiếp cho đến khi chị Hiếu nằm bất động.

 

Sau đó Ban chặt xác vợ rồi phi tang xuống hầm rút (qua lỗ thông hơi có đường kính 10cm). Sau khi giết và phi tang xác chị Hiếu, Ban đốt hết quần áo, dép và cây gỗ, vứt điện thoại xuống hầm rút. Ban nói với con trai là mẹ đã bỏ nhà đi và bảo Tuấn trông em gái. Ban còn dùng sim điện thoại của chị Hiếu phao tin chị đã lấy 350 triệu đồng bỏ nhà đi nước ngoài theo trai. Ngày 9/11/2009, Ban thông báo công an xã chị Hiếu mất tích rồi bỏ trốn. Trong khi bỏ trốn, Ban nhờ cháu trông nhà, xây bít lỗ thông hơi hầm rút.

 

Sau khi Ban bỏ trốn, các em của chị Hiếu nghi ngờ Ban giết chị Hiếu giấu xác trong nhà nên tiếp tục tìm và phát hiện dấu xi măng mới xây bịt lỗ thông hơi hầm rút. Các em chị Hiếu đã phá hầm rút phát hiện một số đoạn nghi ngờ là xương người nên báo cơ quan công an để điều tra, khám nghiệm hiện trường. Đến ngày 31/12/2009, biết tin Cơ quan Công an đã tìm thấy bộ xương người dưới hầm rút nhà mình, Ban nhờ anh ruột là Trần Văn Nhung đưa đến Công an TP Nha Trang đầu thú.

 

Ngày 23/6/2010, trong phiên xử sơ thẩm, nhận định hành vi phạm tội của Ban đặc biệt nghiêm trọng, cần loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội, TAND tỉnh Khánh Hòa đã áp dụng điểm i, n khoản 1 Điều 93 và điểm b, p khoản 1, khoản 2 điều 46 Bộ luật Hình sự đã xử phạt tử hình.

 

Tuy nhiên, ngày 20/9/2010, trong phiên tòa phúc thẩm theo kháng cáo của Ban, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã sửa bản án sơ thẩm, giảm hình phạt xuống chung thân cho Ban. Cấp phúc thẩm cho rằng hành vi tàn  ác, dã man của bị cáo là nhằm che giấu tội phạm, là tình tiết tăng nặng quy định tại điểm o khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự “có hành động xảo quyệt nhằm che giấu tội phạm” chứ không phải tình tiết định khung theo điểm i khoản 1 điều 93 Bộ luật Hình sự “thực hiện tội phạm một cách man rợ”. Cấp phúc thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ bị cáo ra đầu thú, nhân thân không thuộc loại xấu, có mẹ được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến. Nhận định bị cáo còn khả năng cải tạo, chưa đến mức phải loại trừ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội, Hội đồng xét xử đã áp dụng điểm n khoản 1 điều 93; điểm b,p khoản 1, khoản 2 điều 46, điểm o khoản 1 điều 48 Bộ luật hình sự tuyên án chung thân.

 

Không đồng ý với nhận định của cấp phúc thẩm, kháng nghị của Chánh án TAND tối cao cho rằng, hành vi phạm tội của Ban thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong quan hệ vợ chồng, bị cáo đã giết vợ rồi chặt nhỏ xác phi tang qua hầm rút. Hành vi của bị cáo là “thực hiện tội phạm một cách man rợ” và “có tính chất côn đồ” theo các tình tiết định khung hình phạt quy định tại điểm i và n khoản 1 điều 93 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, sau khi phạm tội, bị cáo còn lấy quần áo, dép của chị Hiếu và hung khí cho vào lò lửa để phi tang, dùng sim điện thoại của chị Hiếu nhắn tin, đến công an xã giả báo tin chị Hiếu bỏ nhà đi, bảo cháu ruột xây bít lỗ thông hơi nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình. Như vậy, Tòa cấp sơ thẩm xử từ hình đối với bị cáo là đúng pháp luật.

 

Kháng nghị nhận định, Tòa cấp phúc thẩm không áp dụng điểm i khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự “thực hiện hành vi phạm tội một cách man rợ” mà chỉ coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm o khoản 1 điều 48 Bộ luật hình sự “có hành động xảo quyệt nhằm che giấu tội phạm” để giảm hình phạt cho bị cáo xuống chung thân là áp dụng không đúng pháp luật; đánh giá không đúng tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội của bị cáo. Tòa cấp phúc thẩm cũng vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không triệu tập người đại diện hợp pháp của người bị hại tham gia phiên tòa. Những tình tiết bị cáo ra đầu thú, khai báo thành khẩn, có mẹ được thưởng huân chương Kháng chiến chống Mỹ không phải là các tình tiết giảm nhẹ đặc biệt để giảm án tử hình cho bị cáo.

 

  Trịnh Anh