Vụ gia đình liệt sĩ đòi chế độ: “Xin hãy cho gia đình chúng tôi một câu trả lời!”
(Dân trí) - Hơn 25 năm trôi qua, gia đình bà Muội chỉ mong muốn các cơ quan chức năng sớm xác minh, trả lời về thông tin có hay không việc liệt sĩ Trần Khắc Khiết bị lính ngụy “chiêu hồi”. Cũng chừng ấy năm, gia đình ấy phải lặn lội, gõ cửa khắp nơi… nhưng câu trả lời vẫn là “chờ đợi”.
Sau khi đất nước giải phóng, những người lính lần lượt trở về sum họp cùng gia đình, trong khi gia đình bà Đoàn Thị Muội vẫn không hề nhận được bất kỳ tin tức nào về chồng mình là Trần Khắc Khiết.
Sau bao năm ngóng chờ trong vô vọng, nhiều lần ông Trần Khắc Lơn (bố ông Khiết) đã lên các cơ quan chức năng hỏi về trường hợp của con trai nhưng không ai hay biết.
Gia cảnh khốn khó, cũng chẳng biết đi đâu tìm chồng mình, bà Muội vẫn hi vọng một ngày nào đó chồng mình sẽ quay trở lại. Bẵng đi một thời gian đến năm 1991, gia đình bất ngờ biết được chồng mình đã hy sinh và có giấy báo tử thông báo vào ngày 1/12/1976. Nhưng cũng từ đấy, gia đình bà Muội phải gõ cửa khắp các cơ quan chức năng để đòi quyền lợi.
“Xin hãy cho gia đình chúng tôi một câu trả lời!”
Xung phong nhập ngũ khi vừa lập gia đình chưa được bao lâu, cả tuổi thanh xuân, cuộc đời của liệt sĩ Trần Khắc Khiết (SN 1941), ở xóm 4, xã Giao Yến, huyện Xuân Thủy, tỉnh Hà Nam Ninh; nay là huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã mãi nằm lại nơi đất khách quê người.
Khi nhận được giấy báo tử, Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Trần Khắc Khiết, gia đình dù rất đau đớn nhưng cũng tự hào vì người con ấy đã anh dũng ngã xuống vì đất nước. Những tưởng từ đây gia đình liệt sĩ Trần Khắc Khiết sẽ được hưởng các ưu đãi như các gia đình liệt sĩ khác để bù đắp phần nào sự mất mát lớn lao mà họ phải gánh chịu, chẳng ngờ từ đây lại bắt đầu một hành trình tủi hổ khác.
Cụ Đỗ Thị Nụ (mẹ liệt sĩ Khiết - bên trái) và bà Đoàn Thị Muội (vợ liệt sĩ Khiết) hơn 20 năm chờ câu trả lời của cơ quan chức năng
Hơn 25 năm nay gia đình bà Đoàn Thị Muội, vợ liệt sĩ Khiết kiên trì gõ cửa “cầu cứu” các cấp chính quyền về việc trả lời vì sao gia đình mình không được hưởng chế độ trợ cấp liệt sĩ mặc dù có giấy báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công. Nhưng câu trả lời của các cơ quan chức năng vẫn là “chờ đợi xác minh thông tin”.
Qua quá trình tìm hiểu, gia đình được biết trong xã có tin đồn về việc liệt sĩ Trần Khắc Khiết sau khi bị thương đã bị lính ngụy tổng động viên, bắt làm lính ngụy, sau đó mới tử trận. Gia đình vô cùng bức xúc, yêu cầu các cơ quan chức năng phải làm rõ thông tin này để báo lại với gia đình.
Bà Muội cho biết: “Xin các cơ quan chức năng hay cho gia đình chúng tôi một câu trả lời, hơn 20 năm nay rồi, mẹ chồng tôi đã 94 tuổi, bố chồng tôi trước lúc nhắm mắt xuôi tay cũng dặn dò phải làm sao để gia đình biết được vì sao gia đình tôi không được hưởng chế độ liệt sĩ. Nếu chồng tôi bị giặc bắt đi làm lính thì cũng phải cho chúng tôi biết đấy là lý do không được cấp chế độ, nhưng tại sao hơn 20 năm nay rồi các cơ quan chức năng vẫn im lặng”.
Vẫn tiếp tục đợi xác minh
Để rõ ràng hơn về sự việc trên, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Đặng Ngọc Dinh, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định.
Trao đổi về vấn đề trên ông Dinh cho biết: “Trường hợp của liệt sĩ Trần Khắc Khiết được Bộ CHQS tỉnh Hà Nam Ninh báo tử theo diện mất tích. Đây là trường hợp chính sách còn tồn đọng, trong khi xem xét giải quyết ngành cũng hết sức cẩn thận. Chúng tôi đã có văn bản nhờ Bộ tư lệnh Quân khu 7 xác minh về việc thẩm tra xác minh về quân nhân Trần Khắc Khiết, nhưng phía Quân khu 7 cho biết hoàn toàn không có tên, vì vậy chúng tôi không có cơ sở để xem xét giải quyết chế độ”.
Ông Dinh cho biết thêm: “Vào tháng 11/2015 chúng tôi đã gửi văn bản sang nhờ Cục bảo vệ An ninh Quân đội nhờ xác minh về liệt sĩ Trần Khắc Khiết nhưng không nhận được trả lời, đến tháng 3/2016 chúng tôi tiếp tục có văn bản đôn đốc nhưng phía Cục bảo vệ An ninh Quân đội vẫn chưa có thông báo gì, vì vậy chúng tôi phải chờ xác minh. Nếu có công văn về xác định liệt sĩ Khiết không tham gia địch thì lập tức chúng tôi về thực hiện ngay chính sách đối với gia đình!”.
Theo văn bản số 1643/SLĐTBXH-NCC gửi Bộ Tư lệnh Quân khu 7 vào ngày 30/12/2014 thì việc không đề nghị giải quyết chế độ chính sách cho gia đình liệt sĩ Trần Khắc Khiết là do thông tin trong cuộc họp ở UBND xã Giao Yến vào ngày 20/4/1991 có nói: “Thực chất sau ngày miền Nam giải phóng, năm 78 đã có quyết định của Cục Chính sách Bộ TBXH về báo tử liệt sĩ Khiết. Địa phương chưa kịp tổ chức báo tử thì có cán bộ thuộc quân khu 7 (không ghi tên chức vụ) về thẩm tra cho biết năm 1968, do cuộc chiến tranh gay go ác liệt của chiến trường miền Nam, đồng chí Trần Khắc Khiết bị thương bỏ vào dân, được người nhà là ông Đóa (là người cùng họ vào Nam năm 1954) ở TP Hồ Chí Minh nuôi. Rồi ông Khiết lấy vợ, năm 1972 ông bị quân ngụy tổng động viên bắt đi lính và chết năm 1972”.
Trong khi đó, theo Điều 43 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTB&XH quy định khi phát hiện có dấu hiệu khai man, giả mạo, giả mạo thì Sở LĐTB&XH ra quyết định tạm đình chỉ chế độ ưu đãi và tiến hành xác minh, kết luận hoặc có văn bản đề nghị cơ quan, đơn vị xác lập hồ sơ người có công xác minh, kết luận.
Như vậy chỉ khi có “dấu hiệu khai man, giả mạo” hồ sơ thì Sở LĐTB&XH mới tạm đình chỉ chế độ để tiến hành xác minh. Tức là việc tạm đình chỉ chế độ phải có căn cứ rõ ràng, đồng thời cũng phải bằng quyết định. Riêng Sở LĐTB&XH Nam Định thì không thực hiện chế độ với lý do rất mơ hồ như trên.
Đức Văn