1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Nam Định:

Gia đình liệt sỹ 25 năm tủi hổ đi đòi quyền lợi

(Dân trí) - Mặc dù đã có giấy báo tử về gia đình, có Bằng Tổ quốc ghi công, nhưng 25 năm nay, gia đình liệt sỹ Trần Khắc Khiết vẫn phải sống trong tủi hờn vì không hề được hưởng một chế độ chính sách nào.

Năm 1962, khi chiến tranh đang còn vô cùng khốc liệt, ông Trần Khắc Khiết (SN 1941, ở xóm 4, xã Giao Yến, huyện Xuân Thủy, tỉnh Hà Nam Ninh; nay là huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), lúc này đang là đảng viên, mặc dù vợ vừa mới sinh con trai đầu lòng, bố mẹ cũng đã có tuổi, vẫn nguyện lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Từ lúc đi, ông Khiết chỉ về phép được một lần để thăm vợ ốm. Cũng từ đấy gia đình bặt tin ông.

Di ảnh liệt sỹ Trần Khắc Khiết
Di ảnh liệt sỹ Trần Khắc Khiết

Liệt sỹ không chế độ

Sau khi đất nước giải phóng, những người lính lần lượt trở về mà ông Khiết vẫn bặt vô âm tín. Sau bao năm ngóng chờ trong vô vọng, nhiều lần ông Trần Khắc Lơn – bố liệt sỹ Khiết - đã lên các cơ quan chức năng hỏi về trường hợp của con trai nhưng không ai hay biết.

Năm 1991, một người quen trong gia đình ông Lơn tình cờ phát hiện một tấm Bằng Tổ quốc ghi công mang tên Trần Khắc Khiết ở nhà một cán bộ làm lao động thương binh xã hội ở xã. Lúc này gia đình ông Lơn mới biết con trai mình đã hy sinh và có giấy báo tử thông báo vào ngày 1/12/1976.

Theo đơn trình bày của bà Đoàn Thị Muội (71 tuổi) - vợ liệt sỹ Trần Khắc Khiết: Giấy báo tử thông báo liệt sỹ Trần Khắc Khiết hi sinh vào ngày 6/6/1968 tại mặt trận Nam Bộ. Bằng Tổ quốc ghi công do ông Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký tặng năm 1991, số VS040b.


Giấy báo từ thông báo liệt sỹ Trần Khắc Khiết hy sinh

Giấy báo từ thông báo liệt sỹ Trần Khắc Khiết hy sinh

Bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ Trần Khắc Khiết
Bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ Trần Khắc Khiết

Những tưởng từ đây gia đình sẽ được hưởng các ưu đãi như các gia đình liệt sỹ khác để bù đắp phần nào những mất mát lớn lao họ phải gánh chịu, chẳng ngờ từ đây lại bắt đầu một hành trình tủi hổ khác. Kể từ đó đến nay, gia đình bà không hề được hưởng bất kỳ một chế độ nào dành cho thân nhân gia đình liệt sỹ mặc dù gia đình đã đi gõ cửa khắp các cơ quan chức năng.

"Vấp" phải tin đồn vô căn cứ

Do không biết lý do vì sao con mình hy sinh mà sau 16 năm trời xã vẫn không thông báo, chi trả chế độ, ông Trần Khắc Lơn đã liên tục làm đơn kiến nghị gửi lên các cơ quan chức năng.

Qua quá trình tìm hiểu, gia đình được biết trong xã có tin đồn về việc liệt sỹ Trần Khắc Khiết sau khi bị thương đã bị lính ngụy tổng động viên, bắt làm lính ngụy, sau đó mới tử trận. Gia đình vô cùng bức xúc, yêu cầu các cơ quan chức năng phải làm rõ thông tin này để trả lại danh dự cho gia đình.

Ngày 20/4/1991, UBND xã Giao Yến và Phòng Tổ chức Xã hội huyện Xuân Thủy có tổ chức một cuộc họp để bàn về vấn đề của liệt sỹ Trần Khắc Khiết. Trong cuộc họp này có các cán bộ xã đương nhiệm và các cán bộ xã năm 1977 – 1978.

Gia đình liệt sỹ Trần Khắc Khiết trình bày sự việc với PV
Gia đình liệt sỹ Trần Khắc Khiết trình bày sự việc với PV

Trong cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nhẫm, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã và Trưởng ban Thương binh Xã hội xã Giao Yến năm 1977 – 1978 cho biết: “Thực chất sau ngày miền Nam giải phóng, năm 78 đã có quyết định của Cục Chính sách Bộ TBXH về báo tử liệt sỹ Khiết. Địa phương chưa kịp tổ chức báo tử thì có cán bộ thuộc quân khu 7 (không ghi tên chức vụ) về thẩm tra cho biết năm 1968, do cuộc chiến tranh gay go ác liệt của chiến trường miền Nam, đồng chí Trần Khắc Khiết bị thương bỏ vào dân, được người nhà là ông Đóa (là người cùng họ vào Nam năm 1954) ở TP Hồ Chí Minh nuôi. Rồi ông Khiết lấy vợ, năm 1972 ông bị quân ngụy tổng động viên bắt đi lính và chết năm 1972” (nguyên văn biên bản cuộc họp).

Phía UBND xã Giao Yến đã đề nghị các cơ quan chức năng tìm hiểu thông tin trên. Phòng Tổ chức Xã hội huyện Xuân Thủy cũng kiến nghị Sở LĐTB&XH cùng các cơ quan chức năng xác minh sự việc nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Để tìm hiểu rõ vấn đề này, PV Dân trí đã tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Nhẫm, người đã phát biểu thông tin trên trong cuộc họp ngày 20/4/1991. Ông Nhẫm cho biết, thông tin trên ông chỉ nghe qua ông Hoàng Kim Đồng là Bí thư Đảng ủy xã Giao Yến năm 1977 - 1978 (ông Đồng đã mất), ông Đồng cũng nghe từ người khác. Ông Nhẫm thừa nhận đây chỉ là tin truyền miệng, hoàn toàn không có biên bản nào xác nhận.

Cụ Đỗ Thị Nụ (mẹ liệt sỹ Khiết - bên trái) và bà Đoàn Thị Muội (vợ liệt sỹ Khiết) hơn 20 năm chờ câu trả lời của cơ quan chức năng
Cụ Đỗ Thị Nụ (mẹ liệt sỹ Khiết - bên trái) và bà Đoàn Thị Muội (vợ liệt sỹ Khiết) hơn 20 năm chờ câu trả lời của cơ quan chức năng

Điều đáng nói là chỉ vì thông tin truyền miệng trên, bắt nguồn từ một người có tên viết tắt là C., là cán bộ Quân khu 7, mà các cơ quan chức năng không nhanh chóng xác minh rõ ràng, để có câu trả lời thỏa đáng cho gia đình liệt sỹ Trần Khắc Khiết, khiến gia đình chịu bao buồn tủi suốt 25 năm nay.

Ông Phạm Văn Quang, nguyên Chủ tịch UBND xã Giao Yến năm 1991, cũng thừa nhận với PV Dân trí, thông tin liệt sỹ Trần Khắc Khiết bị lính ngụy chiêu hồi hoàn toàn chỉ là “truyền tai nhau”!


Ông Nguyễn Văn Nhẫm thừa nhận thông tin chỉ nghe truyền miệng, không có căn cứ.

Ông Nguyễn Văn Nhẫm thừa nhận thông tin chỉ nghe truyền miệng, không có căn cứ.

Ông Nhẫm chia sẻ: “Chúng tôi rất mong muốn gia đình bà Muội được hưởng chế độ thân nhân liệt sỹ. Nếu không được cũng mong các cơ quan chức năng sớm trả lời rõ ràng cho gia đình nhà người ta”.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Khắc Căn, Chủ tịch UBND xã Giao Yến, cho biết: "Việc gia đình liệt sỹ Trần Khắc Khiết hiện nay chưa được hưởng chế độ liệt sỹ là đúng, thông tin về việc liệt sỹ Khiết bị chiêu hồi hoàn toàn không có cơ sở! Trong nhiều cuộc họp, cụ thể là trong cuộc họp Tổng kết công tác ngành LĐTB&XH huyện Giao Thủy vào tháng 12/2015, chúng tôi đã đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định xem xét, giải quyết trường hợp liệt sỹ Khiết, nhưng phía Sở vẫn bảo đợi xác minh. Quan điểm của chúng tôi rất ủng làm rõ sự việc này để xã thông báo với người dân, họ chờ đợi quá lâu rồi”.

Văn bản số 6017/TBLS của Bộ LĐTB&XH gửi cho ông Trần Khắc Lơn
Văn bản số 6017/TBLS của Bộ LĐTB&XH gửi cho ông Trần Khắc Lơn

Được biết ngày 12/5/1992, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản số 6017/TBLS gửi ông Trần Khắc Lơn về việc gia đình ông chưa nhận được chế độ của liệt sỹ Trần Khắc Khiết. Bộ đã chuyển đơn và công văn của ông Lơn cho Sở LĐ-TB&XH Hà Nam Ninh và báo cho ông Lơn trực tiếp liên hệ với Sở LĐ-TB&XH. Nhưng đến nay sự việc vẫn chìm trong im lặng.

Năm 2010, do tuổi cao sức yếu, ông Trần Khắc Lơn mất. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, ông cố căn dặn cả gia đình phải làm sao có câu trả lời chính đáng về người con trai liệt sỹ của mình.

Vợ liệt sỹ Khiết, bà Muội tâm sự: “Cứ đến ngày đi lĩnh phụ cấp, bạn bè mình cũng có chồng đi bộ đội họ đi nhận, còn mình cũng có chồng hy sinh xương máu vì Tổ quốc mà phải trốn trong nhà vì tủi nhục. Gia đình tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng sớm tìm hiểu, trả lời cho chúng tôi!”.

Ngày 3/11/2015, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định có văn bản số 3279/BCHQS-PCT gửi Bộ LĐTB&XH và Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định về việc thẩm tra, xác minh trường hợp hy sinh của quân nhân Trần Khắc Khiết.

Theo đó, căn cứ vào các tài liệu tại Ban Chính sách – Bộ CHQS tỉnh Nam Định và biên bản Hội nghị liên tịch xóm 4 xã Giao Yến; Biên bản họp Ban thường vụ Hội CCB xã Giao Yến; Biên bản họp Hội đồng người có công xã Giao Yến và công văn số 1078/BC-BCH ngày 14/10/2015 của Ban CHQS huyện Giao Thủy thấy không có cơ sở khẳng định "ông Trần Khắc Khiết bị quân ngụy tổng động viên bắt đi lính ngụy, chết năm 1972".

Đức Văn – Việt Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm