1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kon Tum:

Vụ gần 150m3 gỗ bị đốn hạ: Lâm tặc trà trộn với người đi nương rẫy?

Phạm Hoàng

(Dân trí) - "Lâm tặc đã trà trộn trong những người dân đi nương rẫy để vào phá rừng. Cơ quan đang làm rõ việc buông lỏng quản lý khiến rừng bị mất", đại diện chủ rừng cho biết.

Trong suốt 10 ngày đầu tháng 9, đoàn liên ngành của huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) đã tiến hành kiểm tra và mở rộng hiện trường vụ phá rừng quy mô lớn tại xã biên giới Mo Rai (huyện Sa Thầy).

Vụ gần 150m3 gỗ bị đốn hạ: Lâm tặc trà trộn với người đi nương rẫy? - 1

Lâm tặc chọn những cây gỗ lớn để cắt hạ và bỏ hại rừng (Ảnh: Phạm Hoàng).

Tính đến ngày 12/9, đoàn liên ngành đã ghi nhận gần 100 cây rừng thuộc nhóm 3-8 bị chặt hạ. Các cây rừng bị chặt phá có đường kính 60-90cm, tổng số gỗ thiệt hại gần 150m3.

Để vào vị trí phá rừng trên, phóng viên phải vượt qua 3 trạm, chốt liên ngành do UBND xã Mo Rai và phối hợp cùng Công an, dân quân, biên phòng, nhân viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy thực hiện nhiệm vụ chốt chặn, kiểm tra các xe ra vào rừng.

Vụ gần 150m3 gỗ bị đốn hạ: Lâm tặc trà trộn với người đi nương rẫy? - 2

Những cây bị cắt có đường kính khoảng 60-80cm (Ảnh: Phạm Hoàng).

Lý giải về việc lực lượng quản lý bảo vệ rừng ở đâu khi để lâm tặc "xẻ thịt" gần cả trăm khối gỗ, ông Tuyên cho hay: "Thời gian qua, chúng tôi đã tăng cường lực lượng tại các chốt, trạm. Tuy nhiên do lực lượng mỏng và địa hình quá phức tạp nên lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách cũng không thể kiểm tra thường xuyên.

Lợi dụng dịp nghỉ lễ, lâm tặc đã vào rừng, tập trung hạ đồng loạt cây rừng và công ty cũng đã phát hiện báo cáo với cấp trên".

Vụ gần 150m3 gỗ bị đốn hạ: Lâm tặc trà trộn với người đi nương rẫy? - 3

Đường vào hiện trường chỉ sử dụng xe máy độ hoặc đi bộ (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Là đơn vị chủ rừng, chúng tôi khẳng định không có sự buông lỏng và tiếp tay cho lâm tặc phá rừng vì anh em liên tục đi tuần tra, phát hiện từ sớm. Tuy nhiên đây là địa hình phức tạp khi cao su, nương rẫy xen rừng nên lâm tặc thường lợi dụng vào chăm sóc, vận chuyển nông sản để phá rừng và vận chuyển lâm sản qua mặt các trạm, chốt", ông Tuyên cho hay

Trước sự việc trên, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy đã tăng cường lực lượng chốt chặn, tuần tra ở nhiều vị trí độc đạo. Cắt cử từng nhân viên bám những tiểu khu. Phối hợp với UBND xã và kiểm lâm địa bàn để tăng cường tuần tra khu vực trọng điểm.

Vụ gần 150m3 gỗ bị đốn hạ: Lâm tặc trà trộn với người đi nương rẫy? - 4

Sau vụ phá rừng vào tháng 6/2022, UBND huyện Sa Thầy đã lập chốt liên ngành. Tuy nhiên vào đầu tháng 9 lại tiếp tục xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn (Ảnh: Phạm Hoàng).

Ông Huỳnh Tấn Tài - Phó chủ tịch UBND xã Mô Rai (Kiêm chốt trưởng Chốt liên ngành QLBVR Ia Xoăn) cho biết: "Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng chức năng lập chốt ở cửa ngõ vào rừng. Tuy nhiên, lâm tặc đã đi những đường mòn khác để vào rừng hạ hàng loạt cây".

Hiện trường vụ phá rừng ở xã biên giới Mo Rai

"Liên quan đến vụ việc phá rừng trên, chính quyền địa phương cũng có một phần trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước trên địa bàn xã Mô Rai. Khu vực này có trạm của đơn vị chủ rừng và chốt liên ngành. Tuy nhiên, do địa hình ở đây phức tạp, đồi dốc và diện tích rộng nên anh em cũng gặp nhiều khó khăn, chậm trễ trong việc phát hiện và ngăn chặn", ông Tài cho hay.

Như Dân trí đã thông tin, trong thời gian qua, liên tiếp các vụ phá rừng quy mô lớn đã xảy ra tại xã Mo Rai (huyện Sa Thầy, Kon Tum). Hiện trường của vụ phá rừng nằm ở khu vực hiểm trở, núi và suối ngăn cách. Lâm tặc đã chọn những cây có đường kính 80cm để cắt hạ xuống.

Đặc biệt, lâm tặc không vận chuyển đi mà chỉ cắt gốc cho cây rừng đổ xuống. Đây là điều khác lạ bởi bình thường khi hạ cây, lâm tặc sẽ cắt cành ngọn và xẻ hộp để dễ dàng tẩu tán ra khỏi rừng. Ngoài ra, vị trí các cây bị chặt phá nằm ở sâu trong rừng, dốc cao nên không có đường để vận chuyển gỗ ra ngoài.