Như Dân trí đã thông tin, trước sức ép của dư luận, đặc biệt là sự kiên quyết của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc xử lý dứt điểm tình trạng xuống cấp nhanh chóng, ảnh hưởng tới việc lưu thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông của tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà (trực thuộc Tập đoàn Sông Đà)- chủ đầu tư - đã có cam kết sẽ tiến hành khởi công, sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này vào tháng 4/2012; việc sửa chữa nâng cấp sẽ hoàn thành sau đó 3 tháng (tháng 7). Tuy nhiên, thời điểm dự kiến hoàn thành việc nâng cấp ấy đã trôi qua gần một tháng nhưng đến thời điểm hiện tại chủ đầu tư vấn chưa có “động tĩnh” gì ngoài việc “vá chằng, vá đụp” những chỗ bong tróc, hư hỏng.
Thất hứa…
Cuối tháng 8, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Trịnh Xuân Phúc, Tổng giám đốc Công ty MTV Hạ tầng Sông Đà, chủ đầu tư dự án, xung quanh sự chậm trễ gây bức xúc nói trên.
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Đà (Hà Tĩnh) - chủ đầu tư tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh - trong buổi làm việc với PV Dân trí cuối tháng 8
Ông Phúc thẳng thắn thừa nhận, việc triển khai nâng cấp tuyến đường tránh khó thực hiện trong năm 2012 này. Khó khăn lớn nhất theo ông Phúc là nguồn vốn đầu tư. “Trong bối cảnh hiện nay Tập đoàn Sông Đà đang thiếu vốn trầm trọng, lại đang cùng lúc phải gánh nhiều hạng mục đầu tư nên khó rót vốn đầu tư cho chúng tôi. Tiền thu được từ bán vé qua hai trạm thu phí Sông Rác và hầm đường bộ Đèo Ngang chỉ đủ trang trải cho các hoạt động của công ty, trả nợ ngân hàng và một số tiểu dụ án nằm trong tổng thể dự án đường tránh TP Hà Tĩnh. Thiếu vốn buộc chúng tôi phải đi vay, nhưng để vay được hàng trăm tỷ phục vụ cho việc nâng cấp tuyến đường vào lúc này quả là điều rất khó khăn”- ông Phúc phân trần.
Càng sửa chữa theo kiểu chắp vá, tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh càng xuống cấp (ảnh chụp chiều ngày 24/8 tại địa phận xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà)
Việc thiếu vốn đầu tư đã buộc Công ty MTV Hạ tầng Sông Đà phải thay đổi phương án cải tạo, nâng cấp tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh theo phương án tiết kiệm. Từ số vốn nâng cấp, sửa chữa ban đầu ước tính vào khoảng gần 320 tỷ đồng, nay Công ty MTV Sông Đà Hà Tĩnh đã phải yêu cầu Viện Chuyên ngành Đường bộ và Sân bay (đơn vị trực thuộc Bộ GTVT được chủ đầu tư thuê lập dự toán cải tạo nâng cấp tuyến đường trên) giảm xuống chỉ còn 280 tỷ đồng. “Hiện chúng tôi đang yêu cầu Viện chuyên ngành đường bộ và sân bay điều chỉnh dự án đầu tư nâng cấp mô đun mặt đường Eyc>160Mpa có tổng mức đầu tư như trên để trình Tổng cục Đường bộ phê duyệt. Sau khi được phê duyệt mới có thể khởi công” – ông Phúc nói.
Ông Trịnh Xuân Phúc thừa nhận, thiếu vốn, thời gian chờ đợi đơn vị tư vấn thiết kế điều chỉnh tổng mức đầu tư nâng cấp, cùng vô số thủ tục kiểm, phê duyệt khắt khe từ Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT, nên chắc chắn việc khởi công nâng cấp tuyến chính đường tránh TP Hà Tĩnh sẽ khó có thể được trong năm 2012.
Mặt đường nứt nẻ. Tình trạng này sẽ còn thê thảm hơn trong mùa mưa năm nay
Như vậy, với lời khẳng định của Tổng giám đốc Trịnh Xuân Phúc, rõ ràng lời hứa nâng cấp của chủ đầu tư lại tiếp tục bị "treo".
Chính quyền thêm lo, dân kéo dài thiệt đơn thiệt kép
Không thể phủ nhận thời gian qua chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực trong việc duy tu, bão dưỡng, sửa chữa những hư hỏng, sự số trên tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, thực tế, do chất lượng thi công tuyến đường quá kém, nên những nỗ lực nói trên không khỏa lấp được nỗi lo tai nạn giao thông của các chủ phương tiện tham gia giao thông.
Trên suốt chiều dài của toàn tuyến có quá nhiều đoạn mặt đường nứt nẻ, bong tróc, nổi những u chạch nguy hiểm. Chỉ tính suốt chiều dài khoảng 7km từ địa phận xã Thạch Đài đến điểm đấu nối với QL 1A địa phận xã Cẩm Vịnh, mặt đường hư hỏng quá nặng, càng sửa chữa càng phơi bày thực trạng nền đường không đảm bảo chất lượng. Bức xúc nhất là điểm cuối của tuyến tại xã Cẩm Vịnh. Những đảo phân luồng giao thông vừa là tác nhân khiến điểm này xuống cấp, lại vừa nguy hiểm do thiết kế quá hẹp, vẫn chưa được phá bỏ, lu lèn lấy mặt bằng.
Ông Trịnh Xuân Phúc cho hay, việc phá bỏ đảo giao thông ở điểm đấu nối xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên là điều rất cần kíp nhưng khoản tiền đầu tư ước tính khoảng 30 tỷ đồng chưa biết lấy từ nguồn nào. (ảnh chụp chiều ngày 24/8)
Đều đều hàng tháng phải trả tiền cho chủ đầu tư để lưu thông trên tuyến đường đầy bất trắc như thế này, dễ hiểu khi các nhà xe bày tỏ sự bức xúc. Một chủ nhà xe mang BKS 77 của tỉnh Bình Định cho biết: “Không biết họ thu tiền của chúng tôi rồi bỏ đi đâu. Nếu bỏ tiền ra mà để được đi trên những tuyến đường như thế này thì thật vô lý!”.
Việc chủ đầu tư Công ty TNHH MTV Sông Đà “câu giờ”, thất hứa trong việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa dự án nói trên khiến các cấp chình quyền, ngành giao thông tỉnh Hà Tĩnh chưa thể dứt nỗi lo về an toàn giao thông. Nỗi bức xúc trong dân chắc chắn sẽ nối dài. Trước đó, trong cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên vào giữa tháng 11/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã thẳng thắn nói: “UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xử lý rất đạo lý, 3 lần phát văn bản đề nghị họ (Tập đoàn Sông Đà- PV) khẩn trương sửa chữa để người dân đi lại thuận lợi dễ dàng, nhưng họ đã quá vô trách nhiệm, không chấp hành. Đây là một điều không thể chấp nhận khi hàng ngày họ vẫn thu phí đều đặn các phương tiện tham gia giao thông”.
Văn Dũng - Bá Hải