1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Tĩnh:

Càng sửa chữa, “con đường trăm tỷ” càng xuống cấp

(Dân trí) - Dù đã được chủ đầu tư liên tục sửa chữa nhưng tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng vốn được khẳng định "đảm bảo kỹ thuật, chất lượng" ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Kể từ khi được đưa vào sử dụng (1/1/2009), tuyến đường tránh Thành phố Hà Tĩnh có tổng chiều dài hơn 16km (bắt đầu tại km504+400-QL1A thuộc xã Thạch Long, huyện Thạch Hà đến km517+950-QL1A thuộc địa phận xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên) với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 320 tỷ đồng liên tục xuống cấp.
 
Càng sửa chữa, “con đường trăm tỷ” càng xuống cấp - 1
 
Càng sửa chữa, “con đường trăm tỷ” càng xuống cấp - 2
 
Thảm đường nứt nẻ đặt dấu hỏi về chất lượng thi công của các nhà thầu
 
Dù tuyến đường xuống cấp thê thảm nhưng trong công văn gửi Báo điện tử Dân trí ngày 22/5/2010, Công ty hạ tầng Sông Đà Hà Tĩnh - đơn vị quản lý, vận hành khai thác công trình vẫn một mực khẳng định “công trình đảm bảo an toàn về mặt kỹ thuật và chất lượng”.
 
Đơn vị này cho rằng, những hư hỏng trên toàn tuyến công trình là có, nhưng đó là thực trạng không tránh khỏi và là khuyết tật nhỏ, nguyên nhân là do lượng xe lưu thông nhiều và bị dồn tải trọng khi xe đi qua cho nên xuất hiện cục bộ vết nứt răn mặt bê tông nhựa.
 
Lãnh đạo công ty này hứa, sẽ khắc phục những tồn tại, hư hỏng của tuyến đường trong thời gian sớm nhất nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác vận hành và khai thác sử dụng công trình.
 
Hơn 4 tháng sau lời hứa, tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh không những không “sáng sủa” hơn mà còn tiếp tục xuống cấp thê thảm.
 
Chạy xe dọc theo tuyến đường hàng trăm tỷ đồng này không khó để nhận ra thảm đường vá víu, nứt nẻ. Nhiều đoạn xuất hiện các vết nứt, rạn mới, có chỗ dài cả mét.  
 
Không chỉ xuất hiện những vết nứt, lở loét mới, mà ngay cả những nơi nhà thầu vừa thi công phần sửa chữa cũng đã hư hỏng. Tại lý trình KM6+412 TRHT một lớp thảm nhựa mới đã bóc tách và đang trôi khỏi nền đường.
 
Tại điểm nút giao cuối tuyến thuộc địa bàn xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên ngoài việc rạn nứt, mặt đường đã trôi hẳn phần thảm nhựa tạo thành một "lỗ thủng" lớn, lở loét. 
 
Càng sửa chữa, “con đường trăm tỷ” càng xuống cấp - 3
Một mảng thảm lớn tại nút giao thông Cẩm Vịnh bị bong tróc 
 

Sau khi xem hình ảnh của PV Dân Trí cung cấp, một cán bộ lãnh đạo Sở GTVT Hà Tĩnh khẳng định, chất lượng thi công con đường có vấn đề. Tuyến đường sẽ còn thê thảm hơn qua mùa mưa năm nay.

 

Trao đổi với Dân trí, Kỹ sư Thái Hữu Châu, nguyên Giám đốc Cty Cầu đường Hà Tĩnh, cho rằng: Mặt đường sẽ không có vấn đề nếu như khi thi công tuyến đường nhà thầu đảm bảo các thông số kỹ thuật đúng như thiết kế. Việc thi công không đảm bảo các thông số trên khiến “kẻ thù” của mọi tuyến đường là nước thấm vào. Một khi nước thấm vào thì kết cấu của nền đường nhanh chóng bị phá hỏng, khiến mặt thảm bị trượt, lún sụt…

PV: Theo kinh nghiệm của ông, việc triển khai giải pháp phủ thêm một lớp nhựa lên mặt thảm như hiện nay có đảm bảo kỷ thuật cũng như tính bền vững của công trình?

Kỹ sư Thái Hữu Châu: Tôi đã nhiều lần đi qua tuyến đường này và chứng kiến giải pháp mà chủ đầu tư đang cho nhà thầu sửa chữa khắc phục đó là vá láng nứt. Tôi khẳng định giải pháp mà nhà thầu đang triển khai là giải pháp chữa cháy, hoàn toàn không ổn cả về mặt kỹ thuật, chất lượng lẫn tiền bạc.

Thực tế lâu nay Bộ GTVT đã có một thí nghiệm duy tu bảo dưỡng đường nhựa bằng giải pháp vá láng nứt với lớp thảm 3cm. Tuy nhiên, giải pháp đó chỉ được Bộ cho phép triển khai ở nền đường tốt, khai thác lâu rồi, chẳng hạn như tuyến quốc lộ 1A.

Ở đây (tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh - PV) nền đường, áo đường đang nứt, đang lún mà nhà thầu cho vá láng thì chẳng khác nào áo rách mà vá vải mới vào, để rồi lại không ăn khớp, bị kéo rách ra.

Theo tôi, để chấm dứt thực trạng trên cần khoanh vùng, chỗ nào nứt, lún, hư hỏng thì phải đào lên xử lý từ dưới, cho lu lèn, đắp lại nền đường trước khi triển khai các công đoạn tiếp theo đúng như thiết kế kỹ thuật.   

PV: Xin cảm ơn ông!

 
 
Văn Dũng