Vụ đường dây đánh bạc, vì sao nghi án tướng công an nhận hối lộ bị “bỏ lửng”?
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề cập vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ liên đới hàng loạt tướng lĩnh công an, trong quá trình bị điều tra, các bị cáo từng bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ nhưng lại được miễn trách nhiệm hình sự, không ai bị truy tố về tội đưa, nhận hối lộ khiến dư luận nghi ngờ…
Có dấu hiệu tham nhũng mà không chứng minh được
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 4/11 về công tác phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề cập đến kết quả phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng. Đại biểu đánh giá cao việc trong thời gian vừa qua, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được điều tra khám phá, mới được đưa ra truy tố xét xử, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Đáng lưu ý là một số vụ án tham nhũng đã được cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được yếu tố tham nhũng, yếu tố chiếm đoạt, hay nói cách khác là chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ để xử lý nghiêm minh như vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn lên tới hàng triệu USD.
Đại biểu nhấn mạnh ý nghĩa, đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam, các bị cáo trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền lớn đến như vậy. Điều này cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều cố gắng trong việc đấu tranh, thuyết phục để các bị cáo thừa nhận hành vi.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo đại biểu, vẫn còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội phạm kinh tế như tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bà Phương Hoa dẫn chứng, vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm trong quá trình bị điều tra về các tội như đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền thì còn bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ. Sau đó được VKSND tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ do được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước. Đại biểu nhấn mạnh, như vậy, lời khai về việc đưa hối lộ vẫn còn đó.
“Đáng lưu ý là trong vụ án này, không có bị cáo nào bị truy tố về tội nhận hối lộ. Chính vì vậy, tại phiên phúc thẩm, TAND cấp cao tại Hà Nội đã kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ lời khai về việc đưa hối lộ, nhưng đến nay kiến nghị này vẫn chưa có kết quả thực hiện. Việc chậm trễ này đã làm cho dư luận bức xúc và cho rằng việc xử lý tham nhũng vẫn còn chưa nghiêm, chưa triệt để. Dư luận cũng băn khoăn, không chứng minh được hành vi phạm tội này do khó hay còn nguyên nhân chủ quan nào khác?” – đại biểu đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải quyết giai đoạn 2 của vụ án đề làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ.
Về việc khắc phục hậu quả tham nhũng, nhắc tới những bài học rút ra qua một số vụ án tham nhũng lớn vừa qua, đại biểu lưu ý đến chính sách quản lý kinh tế, nhất là quản lý về đất đai để trám lại những sơ hở, dễ bị các cá nhân lợi dụng để tạo ra lợi ích nhất định cho bản thân hoặc của một nhóm người, như một số vụ án xảy ra tại TPHCM, Đà Nẵng thời gian qua. Bà Hoa chỉ rõ, đó là khởi nguồn của tội phạm tham nhũng.
Ngoài ra, đại biểu cũng cảnh báo, sau những vụ án lớn như vừa qua có thể dẫn đến hệ lụy người ta không dám làm gì, không dám quyết gì, không dám tham mưu, đề xuất gì cả, cứ đóng băng lại, vì làm là sợ vi phạm hoặc có làm cũng rất dè dặt.
Cán bộ trong vụ gian lận thi “đưa người thân ra chịu tội”
Đại biểu Hoàng Văn Hùng: "Báo cáo của Chính phủ thể hiện, tham nhũng trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian qua không nhiều, gây thiệt hại không lớn nhưng theo tôi, đây là vấn đề rất lớn".
Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đề cập về vấn đề tham nhũng trong lực lượng có chức năng về phòng, chống tham nhũng.
Đại biểu nhận xét, qua báo cáo của Chính phủ có thể thấy rằng tham nhũng trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian qua tuy không nhiều, gây thiệt hại không lớn nhưng theo tôi, đây là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của cử tri và nhân dân vào lực lượng được giao trọng trách phòng, chống tham nhũng, bảo vệ công lý.
Nhận xét là vấn đề đã được nêu nhiều lần trong nhiều năm nhưng tình hình không có biến chuyển, thậm chí chuyển biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng theo từng năm, ông Hùng đề nghị các cơ quan tư pháp chỉ đạo việc tăng cường hơn nữa công tác quản lý cán bộ. Cơ quan điều tra Bộ Công an, VKSND tối cao tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý nghiêm khắc những trường hợp cán bộ, công chức trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, phạm tội, nhất là nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng để tạo niềm tin của người dân với các cơ quan phòng, chống tham nhũng.
Cũng liên quan đến việc xử lý cán cán bộ vi phạm quy định về phòng chống tham nhũng, một đại biểu khác lật lại vụ gian lận thi cử năm 2018.
Việc xử lý cán bộ khi vụ án dần khép lại không thuyết phục được cử tri. Cử tri kiến nghị xử lý phải đúng đối tượng, phải tâm phục, khẩu phục và việc xử lý trong thời gian vừa qua còn có hiện tượng né trách nhiệm tương đối rõ.
Đại biểu cảnh báo, các cơ quan điều tra xét xử có thể sẽ bỏ lọt tội phạm khi chấp nhận lời giải thích nói như đùa của một số lãnh đạo địa phương khi có con được nâng điểm theo kiểu “đưa người thân ra để chịu tội thay, bản thân thì coi như vô can trong sạch và tiếp tục trên con đường tiến thân”.
Đại biểu chỉ rõ, các cơ quan tố tụng ở cấp tỉnh mà tiến hành việc xem xét, xử lý với các đối tượng là cán bộ, lãnh đạo của chính tỉnh đó thì rất khó để đảm bảo sự khách quan. Đại biểu đề nghị các ngành chỉ đạo việc điều tra, truy tố, xét xử cho đúng người, đúng tội, kiến nghị mở rộng điều tra kỳ thi của những năm trước nữa vì hoàn toàn có khả năng kỳ thi các năm trước cũng có sai phạm mà chưa bị phát giác.
Phương Thảo