Vụ đón huân chương hơn 800 triệu, Tổng giám đốc Viglacera nói gì?
21h ngày 8/6, thời điểm vừa kết thúc cuộc họp khẩn của Tổng công ty về vụ "<a href=" http://www5.dantri.com.vn/Sukien/2005/6/59232.vip"> Đón nhận huân chương 847,6 triệu đồng</a>" ông Nguyễn Trần Nam - Tổng giám đốc Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng (Viglacera), đơn vị "mẹ" của Công ty Gốm xây dựng Hạ Long đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Ông Nam cho biết một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, tờ trình, kế hoạch và thực tế là công ty tổ chức hội nghị tổng kết năm 2004 kết hợp với gặp gỡ khách hàng và đón huân chương, tức là ba nội dung trong một chứ không phải chỉ đón huân chương.
Thứ hai, theo tờ trình của Công ty Gốm xây dựng Hạ Long, tổng chi phí được tính là 460 triệu. Trên cơ sở đó, tổng công ty có văn bản đồng ý. Qua tổ chức thực hiện, giá trị quyết toán là hơn 456 triệu, vẫn dưới dự toán.
Thứ ba, không có dự trù cho bộ trưởng, thứ trưởng bao nhiêu mà phần quà tặng có áo sơmi, huy hiệu, bồi dưỡng cho các đại biểu đều như nhau. Trên thực tế không có một đồng chí lãnh đạo nào của bộ về dự, duy nhất có đồng chí vụ trưởng phụ trách khối vật liệu.
Ông Nguyễn Quang Mâu, giám đốc Công ty Gốm xây dựng Hạ Long, đã giải trình như thế nào với tổng công ty, với Bộ Xây dựng, thưa ông?
Báo cáo với lãnh đạo bộ, với tổng công ty, công ty cam kết tất cả được thực hiện đúng theo kế hoạch đã được tổng công ty phê duyệt. Tôi cũng đặt vấn đề: vậy bản dự toán kia (dự toán 847,6 triệu đồng) ở đâu ra, tại sao lại có đủ cả ba chữ ký?
Anh Mâu khẳng định là nếu đọc đúng dự toán như thế anh ấy sẽ không ký, nhưng với chữ ký ở bản dự toán vừa nêu thì anh ấy không dám khẳng định không phải của mình, cũng chưa dám khẳng định đấy là chữ ký giả, chữ ký photo (?).
Anh ấy còn phân vân là trong cả thời gian cuối năm làm việc như thế, không biết lúc ký tá nhiều hồ sơ, giấy tờ, liệu có bị cài đặt vào và ký một cách vô ý, ký không xem xét kỹ lưỡng, ký bừa không (?). Hai chữ ký còn lại thì mới hỏi được một người là anh Mão, phó phòng tổ chức.
Anh Mão khẳng định từ xưa đến nay không ký vào văn bản như thế. Còn cô Lý thì chưa kịp hỏi.
Nhưng lý giải thế nào được khi bản dự toán kia có tới ba chữ ký, thậm chí có chữ ký giám đốc và cả dấu của công ty?
Tôi cho rằng có thể anh em được giao nhiệm vụ lập một dự toán như thế thật, có thể đã được phê duyệt thật nhưng sau đó xem xét lại thấy không hợp lý thì họ không trình, lập dự toán khác trình tổng công ty kế hoạch như đã thực hiện.
Một bản dự toán đầy đủ chữ ký, con dấu thì bị nghi ngờ. Một bản quyết toán chỉ có chữ ký thì được cho là “có giá trị pháp lý”. Lẽ ra nếu nghi ngờ thì phải nghi ngờ bản quyết toán chứ không phải bản dự toán, thưa ông?
Thông thường, đây là văn bản quyết toán nội bộ, không gửi đi đâu nên nhiều khi không cần đóng dấu. Anh thực hiện dưới dự toán đã được phê duyệt thì chỉ cần chữ ký cũng đủ giá trị pháp lý rồi.
Kể cả bản dự toán 460 triệu đồng mà tổng công ty phê duyệt cũng không thuyết phục, thưa ông: qui định nào cho phép chi phí 1 triệu đồng/đại biểu?
Tôi không phải người trực tiếp phê duyệt văn bản này (văn bản do người tiền nhiệm của ông Nam - ông Đinh Quang Huy ký). Nhưng tôi nghĩ cơ sở trước đây các anh ấy phê duyệt dựa trên các chi phí thực tế vì các đại biểu phần nhiều từ Hà Nội về, phải ăn ngủ khách sạn...
Lẽ nào ông không nhìn nhận một sự bất hợp lý rất rõ ràng: duyệt 1 triệu đồng/người nhưng riêng chi quà (phong bì) đã chiếm tới 600.000 đồng/người và các đại biểu dự phần lớn ở địa phương?
Ngay cả chi 460 triệu chúng tôi cũng phải xem xét cái nào không đúng chế độ, chính sách, cái nào chấp nhận được.
Ông có chắc rằng công ty sẽ thực hiện theo đúng dự toán đã phê duyệt không?
Trên quyết toán họ báo cáo thì tôi đảm bảo việc thực hiện của họ không vượt qua mức tổng công ty phê duyệt. Tất nhiên chúng tôi sẽ phải kiểm tra.
Vậy khi nào tổng công ty sẽ có câu trả lời cuối cùng về vụ việc?
Tôi đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra để bắt đầu làm việc từ ngày 9/6 và không ghi thời hạn hoàn thành. Nhưng tôi nghĩ đến hết tháng thì sẽ có kết luận rõ ràng.
Theo Đà Trang – Khiết Hưng
Tuổi trẻ