1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Vụ đòi nợ thuê kiểu côn đồ: Khởi tố 20 bị can

Như đã đưa tin, ngày 25/5, Công an Hà Nội đã khám xét văn phòng Công ty cổ phần thu nợ Phương Đông (phố Vọng, phường Phương Mai, Đống Đa); bắt giám đốc Lê Linh cùng 23 nhân viên của công ty này. Chiều cùng ngày, vụ án đã được khởi tố về tội bắt người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản.

>> Đòi nợ thuê kiểu côn đồ, 24 nhân viên bị bắt

 

Chiều 27/5, ông Nguyễn Hùng Dũng, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội cho biết, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố 20 bị can. Toàn bộ 20 bị can này đã bị bắt, trong đó 11 trường hợp bắt quả tang, 9 bắt khẩn cấp.

 

Theo kết quả điều tra ban đầu, do có tỷ lệ thu hồi nợ rất cao nên từ đầu năm đến nay, Công ty Phương Đông đã nhận được hàng trăm hợp đồng đòi nợ. “Công ty này đã đòi nợ thành công tới 70%. Việc đòi nợ chủ yếu là dùng côn đồ đe dọa”, ông Dũng nói.

 

Chiều 26/5, Cơ quan điều tra đã khám xét khẩn cấp nơi ở 3 đối tượng Lê Linh (SN 1975, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) - Giám đốc Công ty Phương Đông; Nguyễn Bình Minh (SN 1976, trú tại thị trấn Văn Điển, Hà Nội) - nguyên giám đốc công ty và là người góp 100% cổ phần trị giá 1,8 tỷ đồng sáng lập công ty này; Nguyễn Minh Đông (SN 1980, em trai Bình Minh) - phó giám đốc công ty. Ông Dũng cho biết, bản thân Đông đã có tới 3 tiền án. 

 

Theo lời khai của Lê Linh, công ty Phương Đông đã thực hiện được khoảng 70 trong số 130 hợp đồng thu nợ mà công ty này đã ký với khách hàng. Khi khách hàng đến ký hợp đồng, dù có thu được tiền hay không, các chủ nợ đều phải nộp cho công ty Phương Đông 5-7 triệu đồng gọi là tiền lệ phí giao dịch. Công ty Phương Đông cũng chỉ nhận những vụ đòi nợ có số tiền lớn, từ 40-50 triệu đồng trở lên. Công ty có khoảng 30 người chia thành 5 phòng ban.

 

Cơ quan CSĐT công an TP Hà Nội đã làm rõ 5 thủ đoạn người của công ty Phương Đông thường sử dụng để đòi nợ: Dùng lực lượng đông người đến nơi ở áp đảo con nợ; dùng số đông người mai phục, nếu con nợ không trả sẽ bắt con nợ về trụ sở công ty này (như trường hợp chị Tâm); đưa đông người đến xung quanh nơi ở, nơi làm việc của con nợ chửi bới, nói xấu gây mất uy tín của con nợ, một số trường hợp chúng còn căng áp phích với nội dung bêu xấu con nợ; tìm hiểu các bí mật, điểm yếu của con nợ như bồ bịch, cờ bạc,... để đe dọa, khống chế, thu nợ; sử dụng lực lượng mang theo hung khí, uy hiếp con nợ, nếu không đòi được sẽ dùng vũ lực cắt điện thoại, cắt cầu dao điện.

 

Kết quả điều tra cho thấy, ngoài vụ bắt giữ chị Tâm, người của công ty Phương Đông còn gây ra 4 vụ sử dụng vũ lực, khống chế, khủng bố tinh thần, bắt giữ, gây thương tích đối với con nợ. Chẳng hạn, ngày 19/5, tại nhà anh K. ở đường Kim Đồng (Hà Nội), nhân viên công ty dùng lực lượng đông người đến phục trước cửa nhà anh K. buộc anh phải trả 71 triệu đồng.

 

Công ty này cũng cho người dùng thủ đoạn bạo lực và khủng bố tinh thần để ép anh H. ở Yên Hòa, quận Cầu Giấy phải trả 40 triệu đồng, ngoài ra anh còn phải nộp thêm cho nhóm người của Phương Đông 5 triệu đồng tiền đi lại. Tại Thanh Hóa, giữa hai công ty nợ nhau 1 tỷ đồng, công ty Phương Đông đã đưa người đến ép con nợ phải trao cả một dây chuyền sản xuất của công ty cho chủ nợ. Vụ này công ty Phương Đông nhận được hoa hồng 200 triệu đồng.

 

Từ cuối năm 2006, UBND TP Hà Nội đã tạm ngưng cấp phép hoạt động cho loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần thu hồi nợ. Thực tế đã có hàng chục công ty ở dưới dạng mô hình này đang ngang nhiên hoạt động với nhiều thủ đoạn, hành vi vi phạm pháp luật tương tự như công ty Phương Đông.

 

Theo Nam Quốc

Sài Gòn Giải Phóng