Vụ doanh nghiệp nuôi sinh vật lạ: Sẽ truy nguồn gốc số tôm hùm đỏ
(Dân trí) - Liên quan đến việc một doanh nghiệp ở xã Tân Hội Trung (Cao Lãnh, Đồng Tháp) tự ý nuôi tôm hùm càng đỏ (gọi tắt là tôm hùm đỏ) và đã bị cơ quan chức năng yêu cầu tiêu hủy, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, đã yêu cầu Sở NN&PTNT Đồng Tháp truy nguồn gốc số tôm này.
Chiều nay (8/2), trao đổi trực tiếp với phóng viên Dân trí, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết, đơn vị này đã nắm được thông tin phản ánh về việc Công ty TNHH Sen Hoàng Giang có hành vi tự ý thả nuôi tôm hùm nước ngọt (tên khoa học là Procambarus Clarkii) hay còn gọi là tôm hùm đỏ. Ông Luân thông tin, tôm hùm nước ngọt Procambarus Clarkii là loại ngoại lai có nguy cơ xâm hại (Theo qui định tại Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26/9/2013) và chưa được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam (Theo qui định tại Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT ngày 2/5/2008).
“Tổng cục Thủy sản đã đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp báo cáo thực tế vụ việc, xác minh nguồn gốc số tôm trên và những biện pháp đã xử lý nhằm không để phát tán đối tượng này ra môi trường tự nhiên. Chúng tôi đã yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp phải gửi báo cáo trước ngày 9/2/2017 để chúng tôi tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ NN&PTNT” – ông Luân nói.
Ông Trần Đình Luân cho biết thêm, theo thông tin sơ bộ từ Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp): Ngày 1/12/2016 đơn vị này nhận được thông tin về việc ông Trần Văn Hòa (Giám đốc Công ty Sen Hoàng Giang) thả nuôi tôm hùm đỏ trên địa bàn ấp 6, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Đến ngày 2/12/2016 Chi cục Thủy sản đã cử cán bộ xuống địa bàn giám sát và mời ông Hòa đến trạm Thủy sản huyện Cao Lãnh để làm việc. Theo ông Hòa khai báo có mua giống tôm hùm đỏ từ miền Bắc đưa vào thả nuôi tại địa chỉ trên với số lượng 4kg, tương đương 120 con (không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ). Số tôm này ông Hòa đã nuôi thả trên diện tích 500m2 được thuê từ người dân để trồng sen, trong quá trình nuôi thả tôm đã bị chết 1kg.
Chi Cục Thủy sản đã tư vấn cho ông Hòa biết, tôm hùm càng đỏ là thủy sinh ngoại lai, có nguy cơ xâm hại rất cao nên chưa được phép nuôi tại Đồng Tháp. Sau khi nhận thức được việc này, ông Hòa đã tự nguyện tiêu hủy đàn tôm bằng mọi hình thức theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn.
Đến ngày 6/12/2016, với sự giám sát của cơ quan chức năng, ông Hòa đã tháo cạn nước trong ao và bắt được 33 con tôm hùm đỏ sống, 50 con tôm hùm đỏ chết. Sau đó toàn bộ số tôm này đã được đem đi tiêu hủy theo đúng qui định.
Tuy nhiên, sau một thời gian, người dân khu vực lại phát hiện 3 sinh vật lạ tại khu vực ông Hòa thuê đất để làm xưởng phục vụ trồng sen lấy ngó với diện tích 800m2 mặt nước. Đến ngày 10/12/2016, cơ quan chức năng đã đến làm việc tại tại nhà xưởng ở khu đê bao số 8A, ấp 6, xã Tân Hội Trung (Cao Lãnh – Đồng Tháp) của ông Hòa và phát hiện được 18 con tôm hùm đỏ (5 con đã chết). Sau đó, số tôm sống này cũng được ông Hòa tự nguyện tiêu hủy.
Nguyễn Dương