1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ dỡ mái đình cổ bán gỗ sưa: Thay bằng gỗ xoan!

(Dân trí) - UBND huyện Hoài Đức cho biết, người dân thôn Cựu Quán đã thống nhất thay thế cấu kiện đình bằng gỗ lim hoặc gỗ xoan sau khi mái đình cổ bị dỡ gỗ quý đem bán với giá 1,2 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đỗ Văn Thúy - Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Hoài Đức - cho biết, huyện đã có báo cáo chi tiết những nội dung liên quan đến sự việc xảy ra ở thôn Cựu Quán lên UBND thành phố Hà Nội và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch. “Đến nay nhân dân thôn Cựu Quán đã họp và thống nhất thay thế những tấm gỗ bị bán bằng gỗ lim và xoan. Phần mái nối giữa Đại bái và Hậu cung được làm lại như nguyên trạng”, ông Thúy cho biết.

Hiện trường mái đình bị dỡ lấy gỗ sưa đem bán
Hiện trường mái đình bị dỡ lấy gỗ sưa đem bán

Ông Thúy cho biết, đến nay công an huyện vẫn đang tiếp tục quá trình tìm kiếm các thanh gỗ bị đem bán. Dù 4 thanh gỗ đã được bán với giá 1,2 tỷ đồng nhưng ông Thúy cho rằng đến nay khẳng định là gỗ sưa vẫn còn sớm vì công an vẫn chưa tìm thấy nên không thể xác minh chính xác là gỗ gì.

Trước đó, ngày 3/3, UBND xã Đức Thượng, nhận được tin báo đình thôn Cựu Quán bị một số người dỡ mái và lấy gỗ sưa để bán. Ngay lập tức lãnh đạo và công an xã đến hiện trường thấy mái vảy đình đã bị tháo dỡ.

Quá trình xác minh công an mời 6 cán bộ bán gỗ sưa của đình ra trụ sở làm việc, gồm: ông Nguyễn Phú Ngà (Bí thư chi bộ thôn), ông Nguyễn Phú Lực (Trưởng thôn), ông Nguyễn Ích Chất (Trưởng Ban các cụ), ông Nguyễn Ích Bạ (Ban khánh tiết), ông Đàm Văn Sáu (Hội người cao tuổi), ông Nguyễn Hữu Thắng (ông từ trông đình).

Công an xã Đức Thượng cho biết, cả 6 cán bộ nêu trên đã thừa nhận trong ngày 2/3 có bán 4 thanh gỗ sưa ở mái vảy của Quán thôn Cựu Quán cho nhà chùa Thích Diệu Bàn với số lượng gỗ là 127,5 kg (trong đó có 7,5 kg rác) thu được số tiền 1,2 tỷ đồng. Trong đó, 700 triệu đồng đã được gửi tại Ngân hàng Nông nghiệp huyện Hoài Đức, còn lại số tiền 500 triệu đồng dùng để mua ruộng ở gần chùa và mua đồ gỗ sửa lại mái vảy của Quán.

Quang Phong