1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Vụ đền bù nứt nhà dân không mua nổi cái kẹo: Chính quyền đối thoại với dân

(Dân trí) - Mặc dù đang vào vụ mùa, nhưng người dân đã bỏ cả công việc để đối thoại với lãnh đạo huyện Duy Xuyên nhằm giải tỏa những bức xúc đối với việc đơn vị thi công đường cao tốc bắn mìn, làm hư hỏng nhà cửa nhưng đền bù với giá... không mua nổi cái kẹo.

Buổi đối thoại diễn ra ngày 30/5 với gần 100 hộ dân thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) đại diện cho 110 hộ bị ảnh hưởng. Chung quy, người dân vẫn yêu cầu phải được đền bù thỏa đáng với những hư hỏng nhà cửa do đơn vị thi công bắn mìn gây ra.

Gần 100 hộ dân/110 hộ ở thôn Chiêm Sơn đối thoại với chính quyền địa phương
Gần 100 hộ dân/110 hộ ở thôn Chiêm Sơn đối thoại với chính quyền địa phương

Ông Lê Có – một trong những người dân ở thôn Chiêm Sơm – bức xúc: Nhà tôi làm kiên cố nhưng bồi thường với mức đó thì tôi không đồng ý. Hơn nữa, các vết nứt nhà sau khi đục ra rồi trám xi-măng lại liệu có an toàn không. Chúng tôi không yên tâm.

Theo đơn giá mới được công khai tại buổi đối thoại, ông Lê Có được đền bù tổng cộng trên 5 triệu đồng. Ông cho rằng tình trạng nhà cửa của ông hư hỏng như thế nhưng đơn vị thi công đền bù với giá này là quá thấp, ông đề nghị không nhận tiền cũng được nhưng yêu cầu đơn vị thi công phải làm lại những hư hỏng của nhà ông như trước đây.

Gần 100 hộ dân/110 hộ ở thôn Chiêm Sơn đối thoại với chính quyền địa phương
Người dân xem bảng giá mới được áp với mức đền bù gấp đôi, gấp ba, thậm chí cao hơn nhiều lần so với trước

Còn bà Lưu Thị Được thì cho rằng, người dân nghèo ở đây không ai mong muốn nhà mình bị hư hỏng để rồi nhận tiền của đơn vị thi công về sửa lại nhà, đây là việc cực chẳng đã. “Người dân ở đây ai cũng lo cho cái nhà của mình. Đục ra rồi trám lại cho đẹp chứ nứt bên trong, gãy dầm thì có an toàn không”, bà Được nói.

Rất đông ý kiến người dân thắc mắc khi nhận tiền rồi về sửa nhà, sau này có bị hư hỏng và sập hay không thì họ không biết vì nhà đã bị “rêm” nên họ không đồng ý. “Chúng tôi không mong nhận nhiều tiền để làm gì khi nhà cửa bị hư hỏng như vậy”, một người dân nói.

Gần 100 hộ dân/110 hộ ở thôn Chiêm Sơn đối thoại với chính quyền địa phương
Trong bảng giá này, hộ ông Lưu Ba được tăng lên 2.171.459 đồng. Còn hộ cao nhất là ông Nguyễn Mẫn với số tiền trên 17,3 triệu đồng

Trong bảng giá đền bù công khai được đơn vị thi công dán tại hội trường thôn Chiêm Sơn ở buổi đối thoại, nhà ông Lưu Ba từ mức giá “không mua nổi cái kẹo mút” là 1.667 đồng được tăng lên 2.171.459 đồng. Trong bảng giá đền bù mới này, có hộ nhận được trên 17 triệu đồng nhưng cũng có hộ nhận chưa đến 1 triệu đồng. Tổng số tiền được áp lần này cho 110 hộ dân tăng lên trên 626 triệu đồng.

Ông Đoàn Tân – Chủ tịch mặt trận xã Duy Trinh – cho rằng việc áp giá đền bù lần đầu tiên quá thấp khiến bà con phản ứng. Đây là do đơn vị thi công, bảo hiểm tự xây dựng giá mà không thông qua chính quyền mà "áp" xuống cho người dân, nên dân phản ứng là đúng.

Ông Đoàn Tân cũng cho rằng bà con cũng cần rút kinh nghiệm, việc ngăn cản thi công là việc làm không đúng, nhiều người mời đi họp thì không đi. 

Ngoài ra, ông  Đoàn Tân cũng đề nghị đơn vị thi công phài đánh mìn bằng cách thế nào để hạn chế thiệt hại cho bà con.

Người dân thôn Chiêm Sơn đối thoại với chính quyền địa phương
Người dân thôn Chiêm Sơn đối thoại với chính quyền địa phương

Tại buổi đối thoại, trao đổi với PV Dân trí, đại diện đơn vị thi công gói thầu số 4 cho biết, giá áp mà bị người dân phản ứng là đơn giá ban đầu do kiểm đếm sơ sài, chưa đủ dẫn đến giá thấp; đợt 2 phát sinh thêm một số vết nứt mới nhưng đơn vị phối hợp với công ty kiểm định, bảo hiểm và chính quyền địa phương nên làm kỹ hơn. Lần này đưa thêm vào đơn giá định mức thi công, phí vận chuyển... theo quy định hiện hành.

“Chúng tôi mong muốn giải quyết dứt điểm với bà con để tiếp tục thi công lại, vì mỗi ngày ngừng thi công là thiệt hại hơn 1 tỉ đồng và ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Cũng mong bà con thông cảm để chúng tôi tiếp tục triển khai dự án. Đến ngày 3/6, chúng tôi sẽ bắt đầu chi tiền cho dân sửa lại nhà cửa”, đại diện đơn vị thi công gói thầu số 4 nói.

Ông Phan Xuân Cảnh – Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên – trả lời các ý kiến thắc mắc của bà con
Ông Phan Xuân Cảnh – Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên – trả lời các ý kiến thắc mắc của bà con

Tại buổi đối thoại, ông Phan Xuân Cảnh – Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên – đã nhận khuyết điểm với bà con vì chậm triển khai các bước khi có đường cao tốc đi qua huyện như bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dân...

Ông Cảnh cho biết, từ tháng 9/2014, khi đơn vị thi công tiến hành làm hầm, huyện cũng đã chủ động làm việc với các đơn vị liên quan để họp dân, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công. Giờ đây, khi sự việc diễn ra như thế này thì mong bà con cùng chính quyền địa phương tìm cách tháo gỡ.

“Trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị thi công, huyện sẽ bảo vệ cho bà con, bảo vệ tài sản và tính mạng cho bà con, không vì lợi ích của công ty mà gây thiệt hại cho bà con. Sau buổi đối thoại này, bà con có gì bức xúc cứ làm đơn gởi lên xã, huyện sẽ giải quyết thỏa đáng, không để bà con bị thiệt. Nếu huyện giải quyết không thỏa đáng, bà con có thể khiếu nại lên cấp trên”, ông Phan Xuân Cảnh nói.

Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên cũng cho hay đây là dự án trọng điểm quốc gia, việc bà con vào hầm cản trở thi công, không những làm chậm tiến độ mà còn vi phạm pháp luật. Mong bà con không tái phạm, việc gì cũng có thể giải quyết, chính quyền địa phương sẽ đứng ra giải quyết các vướng mắt để người dân yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống.

Công Bính