Vụ đấu giá rừng thông 20 năm tuổi: Muốn giữ rừng phải nộp gần 1,9 tỷ đồng?
(Dân trí) - Sau 20 năm bỏ công sức trồng và chăm sóc gần 23ha rừng thông, chưa được hưởng lợi, các hộ dân còn nhận được thông báo muốn giữ lại rừng phải nộp gần 1,9 tỷ đồng.
Muốn giữ lại rừng phải nộp gần 1,9 tỷ đồng
Liên quan đến vụ gần 23ha rừng thông do người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ suốt 20 năm qua bị đem ra đấu giá, các hộ dân cho biết, họ từng nhận được thông báo muốn nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất (cây thông) thì phải nộp tiền.
Cụ thể, phía Công ty TNHH một thành viên Lâm công nghiệp Long Đại (Công ty Long Đại) đã gửi thông báo đến 6 hộ dân tham gia trồng thông ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, yêu cầu những hộ dân này phải có trách nhiệm nộp số tiền gần 1,9 tỷ đồng để nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất ở tiểu khu 386.
Công sức mà 6 hộ dân đã bỏ ra để trồng, chăm sóc rừng thông suốt 20 năm là rất lớn nhưng chưa được thu lợi.
Đơn cử như hộ ông Bùi Tiến Cảm, năm 1994, ông được UBND huyện Quảng Ninh giao 10ha đất trống đồi núi trọc để phát triển kinh tế. Đến năm 1998, ông Cảm được phía Lâm trường Long Đại (thuộc Công ty Long Đại) vận động, trồng thông trên diện tích mà huyện đã giao, bên cạnh đó còn nhận trồng thêm 5ha do lâm trường quản lý.
Từ đó đến nay, ông Cảm bỏ công sức trồng và chăm sóc nhưng không được khai thác nhựa, cây, chưa thu lại được nguồn lợi nào từ rừng thông. Cũng bởi vậy mà kinh tế gia đình ngày một khó khăn, nhà ở cũng phải nhờ một đơn vị tài trợ xây dựng.
"Lâm trường họ vận động chúng tôi không chỉ trồng thông trên đất của lâm trường mà còn trồng trên đất huyện giao. Hiệu quả kinh tế không thấy đâu, giờ công sức bỏ ra cũng "đổ sông đổ bể" thì hỏi chúng tôi lấy đâu ra tiền mà nộp? Như tôi muốn giữ lại 4,2ha rừng thông phải bỏ ra hơn 240 triệu đồng", ông Cảm chia sẻ.
Theo các hộ dân tại xã Vạn Ninh, để giữ lại rừng thông do chính họ trồng và chăm sóc suốt 20 năm qua, hộ ít nhất phải nộp 192 triệu đồng, nhiều nhất là 436 triệu đồng.
"Nếu biết trước trồng thông không được khai thác, còn phải bỏ tiền mua lại thế này thì tôi chẳng tham gia với lâm trường làm gì. Tiếc công sức, tâm huyết đã bỏ ra, nhưng số tiền mà phía Công ty Long Đại đưa ra quá lớn so với chúng tôi", ông Nguyễn Chân Phương bức xúc.
Vì các hộ dân không có tiền nộp, tổng diện tích gần 23ha rừng thông đã bị thu hồi, đưa ra đấu giá, một công ty tại huyện Quảng Ninh đã trúng thầu. Tuy nhiên, hiện công ty này chưa thể khai thác thông do gặp phải sự phản đối từ các hộ dân.
Khó giải quyết vì nhiều vướng mắc
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Lương - Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho hay, trước đây cũng đã từng có những tranh chấp giữa 6 hộ dân trên địa bàn với phía lâm trường. Khi diện tích rừng thông được đấu giá, người dân tiếp tục tranh chấp với đơn vị trúng thầu.
Để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, UBND xã Vạn Ninh đã đề nghị công ty trúng thầu tạm dừng khai thác, chờ cơ quan chức năng giải quyết vướng mắc, đồng thời có những đề xuất lên huyện và tỉnh.
"Công ty trúng thầu giờ không khai thác được, họ cũng có nguyện vọng hỗ trợ cho các hộ dân tham gia trồng và chăm sóc rừng, tuy nhiên còn vướng về giá cả nên rất khó giải quyết. Dân cũng vất vả mà công ty trúng thầu cũng mắc kẹt", ông Lương nói.
Về phía Lâm trường Vĩnh Long, đơn vị sáp nhập từ Lâm trường Long Đại, ông Đặng Thanh Cương - Giám đốc Chi nhánh lâm trường này thông tin, việc tranh chấp rừng thông giữa người dân và lâm trường đã diễn ra nhiều năm, do qua nhiều thời kỳ nên sự việc khá phức tạp, cũng đã nhiều lần đưa ra giải quyết nhưng chưa được.
"Khi chúng tôi tiếp nhận thì đất rừng này thuộc Công ty Long Đại, thời điểm tiếp nhận, lâm trường cũng triển khai công nhân khai thác nhựa nhưng bị người dân ngăn cản. Sau đó UBND tỉnh đã ra quyết định cho đấu giá thông và giao đất về cho địa phương quản lý", ông Cương nói.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Huệ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết, Sở này vừa nhận được văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo UBND tỉnh về việc giải quyết tranh chấp đất rừng của 6 hộ dân nói trên.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Sở chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, xử lý theo đúng quy định, đồng thời báo cáo lên UBND tỉnh.
Như Dân trí đã phản ánh, năm 1994, nhiều hộ dân tại xã Vạn Ninh di dân lên thôn Phúc Sơn (nay là thôn Áng Sơn) để phát triển kinh tế. Thời điểm này, UBND huyện Quảng Ninh đã ra quyết định giao đất trống đồi núi trọc có thời hạn để sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp và làm nhà ở ổn định lâu dài, cho một số hộ dân.
Đến năm 1998, có 6 hộ dân đã hợp đồng với Lâm trường Long Đại về việc trồng và chăm rừng thông theo chương trình dự án 327 và 661, trên diện tích đất của mình và một phần đất khác được lâm trường giao thêm.
Năm 2016, các hộ dân nhận thấy cây thông có thể cho nhựa nên tiến hành khai thác, tuy nhiên đã bị phía lâm trường ngăn cản với lý do khai thác cần có quy trình. Đến năm 2018, 6 hộ dân bất ngờ nhận thông tin, diện tích rừng mà họ bỏ tiền, công sức ra trồng bị mang đi đấu giá.
Điều đáng nói khi việc tranh chấp rừng thông của các hộ dân kéo dài nhiều năm, chưa được giải quyết dứt điểm thì UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành các quyết định về việc thu hồi đất, bán đấu giá tài sản diện tích rừng thông kể trên.
Ngoài ra, năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình còn ký hợp đồng cho một công ty thuê đất có thời hạn đến năm 2070.