1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Rừng thông hơn 20 năm dân đổ công chăm sóc bất ngờ bị mang đấu giá

Tiến Thành

(Dân trí) - Được vận động, nhiều hộ dân đã đầu tư tiền bạc, công sức trồng thông. Hơn 20 năm trôi qua không được thu lợi, rừng thông họ dày công trồng và chăm sóc nay lại bị thu hồi, mang ra đấu giá.

"Đổ mồ hôi, sôi nước mắt" vì thông

Vừa qua, 6 hộ dân tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã có đơn gửi đến Báo Dân trí phản ánh việc rừng thông họ dày công trồng và chăm sóc suốt hàng chục năm bị mang ra bán đấu giá.

Rừng thông hơn 20 năm dân đổ công chăm sóc bất ngờ bị mang đấu giá - 1

Khu vực rừng thông tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Tiến Thành).

Theo đơn phản ánh, năm 1994, nhiều hộ dân tại xã Vạn Ninh di dân lên thôn Phúc Sơn (nay là thôn Áng Sơn), xã Vạn Ninh để phát triển kinh tế. Thời điểm này, UBND huyện Quảng Ninh đã ra quyết định giao đất trống đồi núi trọc có thời hạn để sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp và làm nhà ở ổn định lâu dài, cho một số hộ dân.

Đến năm 1998, có 6 hộ dân đã hợp đồng với Lâm trường Long Đại (thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm công nghiệp Long Đại) về việc trồng và chăm rừng thông theo chương trình dự án 327 và 661, trên diện tích đất của mình và một phần đất khác được lâm trường giao thêm.

Rừng thông hơn 20 năm dân đổ công chăm sóc bất ngờ bị mang đấu giá - 2

Ông Bùi Tiến Cảm được UBND huyện Quảng Ninh giao 10ha đất để phát triển kinh tế (Ảnh: Tiến Thành).

Theo ông Bùi Tiến Cảm, một trong 6 hộ dân tham gia trồng thông, ông được UBND huyện Quảng Ninh giao 10ha đất để phát triển kinh tế. Sau đó, phía Lâm trường Long Đại đến vận động trồng thông, ban đầu ông Cảm không đồng ý vì trên diện tích đó ông đang trồng điều và bắt đầu có quả.

Thế nhưng vì cán bộ lâm trường 5 lần 7 lượt đến vận động, ông Cảm đã đồng ý. Tổng diện tích mà ông Cảm triển khai trồng thông thời điểm đó là 15ha. Trong đó có 10ha đất do UBND huyện Quảng Ninh giao, 5ha còn lại do lâm trường giao.

"Lúc đó gia đình tôi trồng đến 15ha thông, đến năm 2013 một số diện tích đã bị bão quật đổ, còn lại vẫn nguyên vẹn đến bây giờ. Để trồng thông, tôi đã bán nhiều tài sản trong nhà, bởi phía lâm trường chỉ hỗ trợ được một phần nhỏ trong 3 năm đầu", ông Cảm nói.

Rừng thông hơn 20 năm dân đổ công chăm sóc bất ngờ bị mang đấu giá - 3

Ông Cảm bên rừng thông ông đã dày công trồng và chăm sóc suốt hàng chục năm (Ảnh: Tiến Thành).

Sau nhiều năm chăm sóc, bảo vệ, đến năm 2016, ông Cảm và một số hộ dân nhận thấy cây thông có thể cho nhựa nên tiến hành khai thác, tuy nhiên đã bị phía lâm trường ngăn cản với lý do khai thác cần có quy trình. Cũng vì theo đuổi trồng thông, cuộc sống gia đình ông Cảm ngày một vất vả, đến căn nhà hiện tại gia đình ông đang ở cũng là do một đơn vị tài trợ xây dựng.

"Nếu ngày đó tôi không tham gia trồng thông mà trồng keo tràm, cây ăn quả hoặc giữ cây điều thì đã khác, mỗi năm cũng có thu nhập mà trang trải. Cả mấy chục năm "đổ mồ hôi sôi nước mắt" theo thông giờ chẳng có gì cả", ông Cảm buồn bã.

Trắng tay

Được biết từ sau năm 2001, khi không còn được phía lâm trường hỗ trợ, mỗi năm 6 hộ dân kể trên đều phải bỏ tiền túi và công sức để phát thực bì, chăm sóc và bảo vệ rừng thông, ký cam kết đảm bảo phòng cháy rừng.

Họ vẫn luôn hy vọng một ngày được khai thác, thu nguồn lợi từ cánh rừng thông mà đã nhọc nhằn chăm sóc suốt hàng chục năm. Nào ngờ đến năm 2018, 6 hộ dân bất ngờ đón nhận thông tin, diện tích rừng mà họ bỏ tiền, bỏ công sức ra trồng được mang đi đấu giá.

Rừng thông hơn 20 năm dân đổ công chăm sóc bất ngờ bị mang đấu giá - 4

Ông Trần Văn Lành rất bức xúc khi diện tích rừng thông gia đình trồng và chăm sóc nhiều năm nay bị thu hồi, bán đấu giá (Ảnh: Tiến Thành).

"Thông chúng tôi trồng và chăm sóc cả mấy chục năm, nhựa không được khai thác, cây càng không. Vậy mà giờ họ lại mang ra đấu giá cho người khác vào khai thác. Bao công sức bỏ ra giờ tay trắng như vậy sao mà không bức xúc được. Chúng tôi cũng đã gửi đơn khiếu nại đi nhiều nơi mà vẫn chưa được trả lời thỏa đáng", ông Trần Văn Lành nói.

Được biết, tổng diện tích rừng thông mà 6 hộ dân ở xã Vạn Ninh bị thu hồi là gần 23ha. Số thông này cũng đã được đưa ra đấu giá, một công ty tại huyện Quảng Ninh đã trúng thầu. Tuy nhiên hiện công ty này chưa thể khai thác thông do gặp phải sự phản đối từ các hộ dân.

Điều đáng nói khi việc tranh chấp rừng thông của các hộ dân chưa thể giải quyết thì UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành các quyết định về việc thu hồi đất cũng như phê duyệt giá khởi điểm để bán đấu giá tài sản diện tích rừng thông kể trên. Ngoài ra vào  năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình còn ký hợp đồng cho một công ty thuê đất có thời hạn đến 20/8/2070.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Lương - Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết, sự việc tranh chấp rừng thông của các hộ dân đã diễn ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết do các bên không thống nhất được phương án nên kéo dài cho đến nay.

Rừng thông hơn 20 năm dân đổ công chăm sóc bất ngờ bị mang đấu giá - 5

Các hộ dân tại xã Vạn Ninh đã gửi đơn đến nhiều cơ quan, ban ngành nhưng vẫn chưa được giải quyết (Ảnh: Tiến Thành).

Về phía Công ty TNHH một thành viên Lâm công nghiệp Long Đại, ông Lương Sỹ Trình - Chủ tịch kiêm Giám đốc cho hay, hiện tại đất mà các hộ dân ở xã Vạn Ninh tham gia trồng thông đã được giao về cho địa phương quản lý, không thuộc quyền quản lý của công ty nữa.

Việc bỏ công sức, tiền bạc trồng và chăm sóc rừng thông hơn 20 năm nhưng giờ lại không được hưởng lợi, bị thu hồi đất nhưng chưa được đền bù thỏa đáng đang gây bức xúc đối với 6 hộ dân tại xã Vạn Ninh.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm