1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ dân phòng đánh người: Đội trật tự đô thị có quyền hạn gì?

(Dân trí) - UBND TPHCM vừa ban hành Quy chế (mẫu) tổ chức và hoạt động của Đội Quản lý trật tự đô thị quận - huyện. Nội dung quy định nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng này cho thấy sai phạm của tổ trật tự đô thị phường 25 trong vụ đánh người bán dạo.

Vụ dân phòng đánh người: Đội trật tự đô thị có quyền hạn gì?
Cả 2 lực lượng tham gia đánh, còng tay anh Tình đều không có quyền bắt giữ người nếu người đó không phải là tội phạm, không phạm tội quả tang

Ngày 11/12, quyết định ban hành quy chế này mới được công bố; nhưng quyết định đã được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín ký vào ngày 6/12, đúng vào ngày anh Trịnh Xuân Tình, người bán hàng rong, bị tổ kiểm tra trật tự đô thị (TTĐT) phường 25 quận Bình Thạnh đánh, còng tay.

Trong nhóm đánh, còng tay anh Tình có 2 lực lượng là TTĐT và dân phòng. Theo Nghị định 38/2006, điều 6 quy định quyền hạn của lực lượng bảo vệ dân phố (dân phòng) chỉ là “bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù…”. Chỉ trong trường hợp này dân phòng mới được dùng công cụ hỗ trợ để trấn áp, còng tay khống chế đối tượng. Như vậy, trong trường hợp anh Tình, dân phòng không có quyền hạn bắt người, còng tay vì anh Tình không phạm tội quả tang, không phải là tội phạm.

Còn lực lượng TTĐT là lực lượng vừa được cải biên lại, tách ra từ lực lượng Thanh tra xây dựng. Theo cơ cấu hiện nay, lực lượng Thanh tra xây dựng các quận huyện sẽ tách thành đội Thanh tra xây dựng (trực thuộc Thanh tra xây dựng của Sở Xây dựng) và đội TTĐT (trực thuộc phòng Quản lý đô thị của quận – huyện). Còn ở cấp phường có thể thành lập các tổ TTĐT.

Theo quy chế hoạt động của lực lượng này, TTĐT chỉ được giao hỗ trợ UBND quận – huyện quản lý 2 lĩnh vực là trật tự lòng lề đường, nơi công cộng và vệ sinh môi trường. Trong 7 khoản quy định nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng này không có 1 dòng nào nhắc đến quyền được khống chế, còng tay người dân, kể cả người vi phạm pháp luật quả tang. Như vậy, việc lực lượng này còng tay anh Tình là sai phạm rất rõ ràng.

Trong văn bản báo cáo Quận ủy, UBND quận Bình Thạnh của UBND phường 25, Chủ tịch phường Nguyễn Văn Quý cũng thừa nhận “tổ công tác có dùng công cụ hỗ trợ là còng số 8 để còng tay anh Tình”. Tuy nhiên, ông cũng biện hộ bằng lý do “anh Tình có hành vi chống lại người thi hành công vụ” và để “không cho anh Tình có hành vi tấn công tổ công tác” dù anh Tình chỉ có 1 mình trong khi tổ công tác có đến 9 người.

Em vợ anh Tình là anh Lê Văn Trường cũng khẳng định, anh Tình bị cả nhóm dân phòng và TTĐT vây đánh trước khi còng tay, khống chế "vứt" lên xe. Đơn tường trình của anh Trường cũng có rất nhiều người chứng kiến cùng ký tên đồng ý. Anh Tình cũng phản đối các cáo buộc của ông Nguyễn Văn Quý đối với anh là “say rượu”, “chống đối người thi hành công vụ”, “đá vào chân nhân viên tổ công tác”…

Cũng trong ngày 11/12, anh Trịnh Xuân Tình đã đến Văn phòng luật sư Hoàng Việt Luật nhờ hỗ trợ pháp lý. Theo luật sư Hoàng Cao Sang thì Văn phòng luật sư Hoàng Việt Luật sẽ hỗ trợ pháp lý miễn phí cho anh Tình tùy theo yêu cầu của anh đối với vụ việc này. Ý kiến của luật sư là hoàn toàn có thể khởi tố tổ công tác trên nếu đủ yếu tố cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật.

Tùng Nguyên