Vụ cụ ông đòi 12 tỷ bồi thường oan sai: Lật lại quá khứ gần 40 năm trước
(Dân trí) - Để có căn cứ bồi thường oan sai, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đang yêu cầu ông Trần Ngọc Chinh (79 tuổi) tường trình lại quá khứ gần 40 năm trước, cung cấp giấy tờ thể hiện từng đi chữa trị ở bệnh viện.
Mới đây, cán bộ VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi làm việc với ông Trần Ngọc Chinh (79 tuổi, trú tại xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, 1 trong 3 cụ ông bị hàm oan) để xác định căn cứ bồi thường số tiền hơn 12 tỷ đồng theo đơn yêu cầu.
Nội dung buổi làm việc cho thấy, ông Chinh đã lược kể lại toàn bộ diễn biến đã xảy ra từ thời điểm trước khi bị bắt, trong và sau khi ông được ra tù về địa phương sinh sống.
Trong biên bản xác minh, ông Chinh cho biết hồi tháng 3/1980, ông được trả tiền công và phụ cấp hàng tháng vì làm việc tại hợp tác xã.
Sau khi được trả tự do, do tổn thương vì bị đánh trong trại tạm giam (1 mắt bị hỏng, 1 mắt thị lực còn 3/10) và mất đi “thu nhập ổn định”.
Để điều trị đôi mắt, ông Chinh lần lượt tìm đến các bệnh viện từ trung ương đến địa phương. Có người trực tiếp điều trị cho ông còn sống, có người đã qua đời.
Theo lời ông Chinh, để có căn cứ bồi thường tiền oan sai đối với nội dung này, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu ông cung cấp giấy ra viện, hóa đơn, chứng từ liên quan.
“Họ đòi cung cấp giấy ra viện của gần 40 năm trước nhưng hồi đó tôi nghĩ giấy tờ này không quan trọng nên chẳng giữ lại để làm gì. Vì vậy, tôi không còn giấy tờ để cung cấp.
Rồi họ hướng dẫn kê khai lại quá trình điều trị, sinh hoạt tại địa phương… rồi xin xác nhận của UBND xã nhưng phía xã cũng không dám xác nhận vấn đề này vì không nắm được. Gần 40 năm trước, cán bộ xã còn đang đi học” - ông Chinh cho hay.
Bên cạnh đó, cụ ông 79 tuổi này cho rằng, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đang “hỏi đi hỏi lại nội dung cũ”, đã được trình bày trong các lá đơn trước đó.
“Tôi tuổi cao, sức yếu rồi, lại cảm thấy quá trình bồi thường cứ vòng vo nên bức xúc lắm. VKS đã xin lỗi công khai rồi, bây giờ còn cái gì nữa để mà phải xác minh lại. Đề nghị không tin nội dung nào thì VKS tự đi xác minh chứ đừng bắt tôi phải làm như vậy” - ông Chinh bày tỏ.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, việc xác minh lại dựa trên quy định của pháp luật để từ đó có cơ sở bồi thường cho người dân.
“Trong đơn, ông Chinh khai báo phải đi bệnh viện điều trị với từng đó chi phí thì phía VKS phải đi xác minh. Sau này, nếu không thống nhất được số tiền bồi thường và khởi kiện sang Tòa án thì họ vẫn phải trình căn cứ chứng minh (hóa đơn, chứng từ… - PV) thì mới chỉ ra được việc bồi thường của VKS là chưa thỏa đáng” - vị lãnh đạo nói và mong muốn gia đình ông Chinh “cố gắng phối hợp”.
Vị lãnh đạo này một lần nữa khẳng định, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ cố gắng tính toán hợp lý và bồi thường cho 3 cụ ông bị oan sai ở mức cao nhất theo quy định.
“Từng bước thực hiện đều được VKSND Tối cao chỉ đạo. Chúng tôi sẽ làm độc lập đối với từng gia đình. Vụ án chung nhưng mỗi gia đình có thân phận riêng nên không thể gộp lại được” - vị này thông tin thêm.
Trước đó, ngày 25/6 vừa qua, sau gần 9 tháng tổ chức xin lỗi công khai, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã thụ lý đơn yêu cầu bồi thường từ gia đình 3 cụ ông bị truy tố oan tội “Giết người” vào năm 1980.
Trong đó, gia đình ông Chinh yêu cầu bồi thường số tiền gần 12 tỷ 870 triệu đồng; gia đình ông Trần Trung Thám (SN 1948, em trai ông Chinh, đã mất trong thời gian bị giam) muốn bồi thường 25 tỷ đồng.
Riêng gia đình ông Khổng Văn Đệ (87 tuổi) cũng có đơn yêu cầu được bồi thường nhưng từ chối thông tin cụ thể số tiền là bao nhiêu cho báo chí.
Nguyễn Trường