Vụ chồng ôm xác vợ: “Tình yêu ông Vân dành cho vợ quá kỳ cục”
Trao đổi về chuyện người đàn ông sống cùng hài cốt vợ suốt 5 năm, PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Nhà Nhân chủng học, Phó TTK Hội Khảo cổ học Việt Nam, nhận định: “Cách yêu thương của ông Vân quá kỳ cục, dễ dẫn người ta đến suy nghĩ rằng ông bị… tâm thần”.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường
Thật ra vấn đề này chưa bao giờ xảy ra cả, nên chính quyền địa phương mới lúng túng trong việc xử lý là lẽ đương nhiên. Theo tôi được biết thì chưa hề có văn bản quy định về vấn đề này.
Với kinh nghiệm của ông, việc để xác người trong nhà có ảnh hưởng như thế nào đến môi trường sinh hoạt cộng đồng làng xóm?
Nếu sự việc không được giải quyết nhanh chóng có thể ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng làng xóm, gây sự hiếu kỳ, tò mò của nhiều người ở các nơi khác và chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng mất ổn định trong khu vực. Chưa kể, một số đối tượng xấu có thể lợi dụng sự việc trên để tung tin, bịa đặt hoặc thêu dệt nên những câu chuyện mê tín dị đoan.
Trong sự việc này, liệu sức khoẻ của ông Vân, và cậu con trai có bị ảnh hưởng không khi 6 năm chung sống bên xác của người vợ?
Theo tôi được biết việc ông Vân bọc thạch cao bên ngoài xương người vợ chắc không có vấn đề lớn về vệ sinh nếu lớp thạch cao bao bọc thật kín. Trừ trường hợp vợ ông qua đời vì mắc bệnh, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm, thì ngay khi ông Vân mới mang về, vi trùng cũng có thể phát tán ra môi trường xung quanh và không tránh khỏi lây lan sang những người khác.
Có nhà khoa học cho rằng ông Vân bị hội chứng “ái tử thi”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Cũng không loại trừ khả năng này. Nhưng tôi thì cho rằng đó không phải là nguyên nhân chính. Điều cốt lõi ở đây là suy nghĩ của ông Vân. Ông muốn thể hiện cách riêng của mình để chứng minh lòng thương yêu vợ và cho rằng đó là việc riêng của gia đình mình, người ngoài không được can thiệp vào, và ông tự cho mình có quyền làm như thế! Nhưng rõ ràng ông đã quên mất yếu tố cộng đồng mà ông đang cùng tồn tại, quên mất thuần phong mỹ tục của cha ông ta, quên mất dưới ông còn con cái, cháu chắt, chúng sẽ bị cộng đồng xa lánh…
Theo quan điểm của ông, nên giải quyết sự việc này như thế nào?
Theo tôi, chính quyền địa phương ở đó cần phải ra những văn bản quy định với nội dung nhấn mạnh vào khía cạnh vì cộng đồng, vì môi trường sống của bà con làng xóm. Cha ông ta có câu “phép Vua thua lệ làng”. Nếu lệ làng hợp lòng dân thì ta nên làm lắm chứ.
Nhưng hợp tình hợp lý hơn cả là chính quyền địa phương nên dùng lời lẽ thuyết phục ông Vân mai táng lại di cốt của vợ mình. Và nên hỗ trợ một phần nào đó kinh phí cho ông để làm lại một ngôi mộ khang trang. Đó cũng là một biểu hiện tình yêu của ông đối với người vợ đã quá cố, bên cạnh việc chăm sóc, nuôi dạy con cháu ông trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!
Theo Phạm Thịnh
VTCNews