1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Người ôm xác vợ mắc hội chứng “Ái tử thi”

Ông Lê Vân ở Quảng Nam, người tự cho mình đã sống với hài cốt của vợ trong suốt 5 năm qua, có thể bị mắc hội chứng “ái tử thi”. Y văn thế giới đã nhiều lần đề cập hội chứng này.

Người ôm xác vợ mắc hội chứng “Ái tử thi” - 1
Nhiều người hiếu kỳ đến nhà ông Lê Vân để xem tượng có chứa xương người (ảnh: NLĐ)

Trong những ngày qua, báo chí thông tin liên tục về việc ông Lê Vân ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam sống cùng với hài cốt vợ trong 5 năm. Việc này làm tôi nhớ đến chuyện một nữ bác sĩ ở Anh giữ thi thể người mẹ suốt 29 năm liền trong tủ lạnh mà người ta mới phát hiện cách đây mấy ngày (25/11/2009).

Hai dạng “ái tử thi”

Người mắc chứng “ái tử thi” là người có xu hướng bị hấp dẫn bởi xác chết. Năm 1895, tập san y khoa Lancet có 2 bài ngắn mô tả hiện tượng giữ xác người thân đã qua đời trong nhà. Nhưng tại sao muốn giữ xác tử thi trong nhà?

Năm 1989, một bài báo nổi tiếng của Rosman và Resnick đã mô tả 34 trường hợp với hội chứng “ái tử thi” cho thấy những lý do sau đây: Họ muốn giữ một người bạn đời, có thể là bạn tình, trong tình trạng không kháng cự (68%), muốn sum họp với người tình cũ (21%), vì lý do dục tính (15%) và để tránh cảm giác cô đơn (15%).

Trong y văn quốc tế cũng từng nói qua vài ca hội chứng “ái tử thi” trước đây, phần lớn là cách đây 30 năm và là những công trình đăng trên các tập san y học và pháp luật. Nhà tâm lý học nổi tiếng Sigmund Freud từng viết trong bài Mourning and Melacholia mô tả hai dạng hội chứng necrophilia.

Dạng thứ nhất gọi là inhibited necrophilia (ái tử thi kiềm chế) và dạng thứ hai là morbid necrophilia (bệnh ái tử thi). Dạng thứ nhất có thể xem là “nhẹ” (pseudonecrophilia), mà theo đó, người mắc chứng này có xu hướng lưu luyến chồng/vợ mới qua đời, muốn ngủ chung, âu yếm với xác người quá cố.

Dạng thứ hai nặng hơn và được xem là bệnh vì người mắc bệnh có xu hướng quan hệ tình dục với tử thi, thậm chí có hành động được xem là ác dâm như cắn xé, ngấu nghiến với thân xác người quá cố.

Mặc dù kết luận như thế, nhưng điểm qua y văn, các chuyên gia tâm thần nhận thấy các trường hợp “ái tử thi” thường có triệu chứng rối loạn tâm thần, một số mắc bệnh động kinh hoặc có những rối loạn cá tính trong cuộc sống. Một số ca bệnh có rối loạn nhân cách ngay từ lúc mới lớn.

Trường hợp của ông Lê Vân được báo chí mô tả có lẽ là một ca đặc thù về hội chứng pseudonecrophilia (dạng nhẹ). Dù ông nói là “chuyện của tui” nhưng ông thật sự cần được sự chăm sóc của bác sĩ tâm thần.

Những ca “ái tử thi” điển hình

Một trường hợp khá trầm trọng về hội chứng “ái tử thi” khác là ông John Price ở Anh. Sau khi người vợ đầu của ông qua đời, ông tái giá. Nhưng thi thể người vợ quá cố được ông ướp và giữ cùng một giường với người vợ mới.

Sau khi người vợ thứ hai qua đời, ông cũng ướp xác và giữ thi thể bà trong cùng một giường. Đến bà vợ thứ ba thì bà này không chấp nhận thói quen dị hợm đó, nhưng ông vẫn ngủ với hai thi thể kia cho đến ngày ông qua đời.

Một trong những trường hợp “ái tử thi” nổi tiếng được mô tả trong chương trình “giảo nghiệm tử thi” (autopsy) của đài truyền hình HBO vài tháng trước đây hé lộ cho chúng ta biết về đặc điểm của hội chứng này. Vào thập niên 1930 ở Florida (Mỹ), bác sĩ Carl van Cassel điều trị một bệnh nhân trẻ đẹp mắc bệnh lao tên là Maria Elena Oyoz.

Bác sĩ Carl van Cassel yêu bệnh nhân này tha thiết, nhất định tìm mọi cách để cứu sống người yêu nhưng ông thất bại. Sau khi chôn cất cô gái, bác sĩ Carl van Cassel lập tức bốc mộ và cho đúc một khuôn mặt giống y như mặt của người quá cố, với ý định giữ nét đẹp đó vĩnh viễn. Còn thi thể thì để trong một lăng, cao hơn mặt đất ở nghĩa trang.

Ông đến thăm mộ người yêu mỗi ngày, nhưng sau khi thấy người chung quanh để ý đến những chuyến đi khác thường đó, ông quyết định dời thi thể về nhà, cho mặc áo cưới và đặt mặt nạ trên khuôn mặt của người quá cố. Ông còn bao bọc thi thể bằng sáp pha với nước hoa để giữ thịt và xương không bị tan rã.

Hết năm này sang năm khác, ông phải giữ xương gắn liền nhau bằng những cọng dây đàn piano và hằng ngày phải dùng sáp và nước hoa mới. Nhưng mặc cho bao nhiêu nỗ lực giữ thi thể, ông không thể nào xóa được mùi hôi thối và láng giềng bắt đầu phàn nàn. Điều lạ lùng là ông vẫn viết thư tình cho người quá cố.

Sau này, khi gia đình Maria Elena phát hiện, họ rất giận dữ và thưa ra tòa. Tòa án ra lệnh ông phải giao trả thi thể của Maria Elena cho gia đình để an táng ở một địa điểm bí mật. Mặc dù, câu chuyện “ái tử thi” của ông nghe thật kinh tởm nhưng bản thân ông là một người rất bình thường, nhẹ nhàng và dễ mến.
 

Cần an táng người quá cố

Điểm qua các trường hợp trên, có thể nói ông Lê Vân ở Quảng Nam mắc chứng “ái tử thi” dạng nhẹ. Cũng như bác sĩ Carl van Cassel, ông Lê Vân lén bốc mộ đem thi thể vợ về nhà và cũng như John Price, ông ngủ chung với thi thể trên giường.

Hành động của ông Vân, bác sĩ Carl van Cassel, và John Price đều xuất phát từ tình yêu nhưng cách họ thể hiện chẳng những không phù hợp với quy ước xã hội mà còn có thể gây ô nhiễm môi trường, có hại đến sức khỏe của chính họ.

Chính quyền địa phương cần phải giải thích cho ông Lê Vân biết rằng việc làm của ông không phù hợp với văn hóa, vệ sinh môi trường và cần phải an táng cho người quá cố, nếu đó là hài cốt người.

GS - TS. Nguyễn Văn Tuấn
Báo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm