Vụ chìm ca nô: Biên phòng nói gì về nghi vấn "việc tìm kiếm quá chậm trễ"?

Hoài Sơn

(Dân trí) - Trên biển, bộ đội biên phòng đã vớt tất cả những vật trôi nổi, khả nghi. Trên bờ, lực lượng biên phòng cũng lật từng khe đá, chui vào từng ngóc ngách để tìm kiếm những nạn nhân cuối cùng.

"Chưa bao giờ lực lượng tìm kiếm cứu nạn phản ứng nhanh như vậy"

Liên quan đến vụ lật ca nô chở khách du lịch trên tuyến đường thủy Cù Lao Chàm - TP Hội An chiều 26/2 làm 17 người tử vong, đã có nghi vấn về công tác cứu hộ của lực lượng chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Nam.

Vụ chìm ca nô: Biên phòng nói gì về nghi vấn việc tìm kiếm quá chậm trễ? - 1

Đại tá Nguyễn Quang Nam chia sẻ với báo chí về công cuộc cứu nạn cứu hộ.

Chiều 1/3, tại buổi họp báo thông tin về vụ chìm ca nô ở Hội An, Đại tá Nguyễn Quang Nam - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam chia sẻ, sự mất mát quá lớn trong vụ việc lần này làm ai cũng rất đau buồn, nhưng có ý kiến cho rằng việc cứu hộ chậm trễ khiến những người trong cuộc buồn hơn.

"Chỉ những người trực tiếp làm, cả đêm lội nước tìm kiếm thì mới thấy nỗi khổ của lực lượng tìm kiếm. Khi phát hiện vật trôi trên biển, chúng tôi ngay lập tức cho kiểm tra. Khi phát hiện bất cứ vật nổi nào chúng tôi cũng vớt lên để các phương tiện khác không đến nữa", Đại tá Nam nói.

Vụ chìm ca nô: Biên phòng nói gì về nghi vấn việc tìm kiếm quá chậm trễ? - 2

Lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân mất tích vào chiều 26/2.

Đại tá Nam cũng chia sẻ thêm, lực lượng chức năng đã bỏ công sức, huy động mọi nguồn lực, từng cán bộ chiến sĩ, nhân dân để đi tìm nạn nhân mất tích. Nạn nhân cuối cùng là bé Nguyễn Minh Q. (3 tuổi) bị sóng cuốn chui luôn vào trong khe đá chứ không phải trôi nổi trên biển.

Lực lượng đã phải khuân đá ra, rúc vào bờ kè để tìm. Buổi chiều hôm đó, nước cạn hơn, rút hết rồi, đi sát mép mới phát hiện xác cháu Q. Nếu lực lượng biên phòng không tìm từng khe đá thì không bao giờ phát hiện được.

Vụ chìm ca nô: Biên phòng nói gì về nghi vấn việc tìm kiếm quá chậm trễ? - 3

Lực lượng chức năng đã huy động mọi nguồn lực, từng cán bộ chiến sĩ, nhân dân để đi tìm nạn nhân mất tích.

"Vậy mà có người lại đặt câu hỏi: "Tại sao lực lượng đông mà không cứu được?". Tôi nói thật, chưa bao giờ lực lượng tìm kiếm cứu nạn phản ứng nhanh như vậy. Bình thường phải 15-20 phút mới tiếp cận được. Lúc đó chúng tôi vừa cứu phương tiện khác chết máy, người còn trên tàu và tàu còn đang nổ máy, đang sẵn sàng nên đi ngay mới nhanh như thế (7-10 phút)", Đại tá Nam bày tỏ.

Đại tá Nam nói thêm: "Những người mắc kẹt, chúng tôi phải lặn xuống, chui vào, lôi từng người ra, đau thương lắm. Tôi phải nói rằng Đồn biên phòng 260 rất may mắn, một đồng chí bị ca nô đè xuống mà không chết. Phản ứng nhanh như thế, lặn vào, lôi ra như thế là quá dũng cảm, quá khó khăn rồi".

"Thấy người ở đó nhưng không cứu được, đau lòng lắm!"

Nhớ lại cảnh tượng vụ lật ca nô kinh hoàng, Thiếu tá Trần Văn Khiêm - Đồn Biên phòng Cửa Đại, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam - cho biết, chỉ tầm vài phút sau khi nhận thông tin có ca nô gặp nạn, cán bộ chiến sĩ đã tiếp cận được hiện trường.

Vụ chìm ca nô: Biên phòng nói gì về nghi vấn việc tìm kiếm quá chậm trễ? - 4

Hàng chục tàu thuyền, ca nô, trực thăng quần thảo khắp nơi.

Lúc này, hiện trường có sóng rất lớn, gió rất to. Trực tiếp thấy các nạn nhân trên ca nô đang cầu cứu, Thiếu tá Khiêm cùng Thiếu tá Nguyễn Văn Vạn - Đồn phó nghiệp vụ cùng nhiều cán bộ khác nhanh chóng nhảy xuống tiếp cận, cứu được 3 người đưa lên tàu.

"Tôi tiếp tục lặn vào bên trong tàu vớt được thêm 3 nạn nhân nữa và đưa tất cả 6 nạn nhân vào bờ cấp cứu trong chuyến đầu tiên. Khi anh em chạy vào, còn mình tôi bám lại trên tàu bị nạn, vẫy gọi tàu chạy ngang và vớt thêm 4 người nữa", Thiếu tá Khiêm kể.

Vụ chìm ca nô: Biên phòng nói gì về nghi vấn việc tìm kiếm quá chậm trễ? - 5

Người dân địa phương đã đục ca nô để tìm thi thể của nạn nhân mất tích vào chiều 28/2.

Thiếu tá Khiêm tham gia cứu vớt tổng cộng được 10 người, nhưng theo chia sẻ của anh Khiêm, anh không biết ai sống sót, ai đã chết bởi các nạn nhân được đưa hầu như đều trong tình trạng bất tỉnh.

"Khi đưa nạn nhân lên tàu, họ nằm la liệt, rất đau xót! Họ là người dân của mình, họ là người vô tội, cảm giác họ bị chết oan", Thiếu tá Khiêm nghẹn ngào.

Thiếu tá Khiêm còn tiết lộ thêm, khi tiếp cận hiện trường, thấy có nhiều người cả bên trong và bên ngoài tàu đều kêu cứu. Mỗi lần sóng đánh mạnh vào, ca nô nghiêng, anh và đồng đội thấy rất nhiều nạn nhân bên trong.

Vụ chìm ca nô: Biên phòng nói gì về nghi vấn việc tìm kiếm quá chậm trễ? - 6

Các lực lượng luôn túc trực tại hiện trường để chỉ đạo công cuộc tìm kiếm.

"Dù biết bên trong còn nhiều nạn nhân nhưng hiện trường quá nguy hiểm, thấy người ở đó nhưng không cứu được, đau lòng lắm! Dù anh em chúng tôi đã cố gắng hết sức rồi nhưng thật sự bây giờ tôi vẫn rất đau lòng vì đã có quá nhiều người chết", Thiếu tá Khiêm xót xa nói.

Nói về công tác cứu hộ, cứu nạn, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, công tác ứng cứu, lực lượng biên phòng là chủ công trong tất cả tình huống. Lực lượng biên phòng luôn xuất hiện đầu tiên. Trong những trường hợp vượt quá khả năng, sẽ phối hợp với quân sự, cảnh sát biển, cảnh sát đường thủy để ứng phó một cách nhanh nhất.

Vụ chìm ca nô: Biên phòng nói gì về nghi vấn việc tìm kiếm quá chậm trễ? - 7

Thiếu tá Trần Văn Khiêm - người cứu vớt được 10 nạn nhân trong vụ lật ca nô ở biển Cửa Đại.

Trong vụ tai nạn thương tâm này, các lực lượng, đặc biệt là lực lượng địa phương đã làm tất cả các biện pháp để khắc phục, tìm kiếm. Từ trước đến nay đã có nhiều vụ tai nạn nhưng đều được ứng cứu kịp thời. Vụ này, lực lượng đã có mặt rất nhanh và đã ứng cứu được nhiều người, nhưng sự việc vẫn xảy ra ngoài ý muốn, số người thiệt mạng quá lớn, đa số mắc lại trong ca bin của tàu dẫn đến tử vong.