1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ cây “quái thú”: Cây của dân, do dân bán?

(Dân trí) - Liên quan đến cây “quái thú” lớn được xe chở trên quốc lộ, Kiểm lâm huyện Quỳ Châu, Nghệ An cho rằng đây là cây của dân bán.

Cận cảnh xe chở cây cổ thụ "siêu khủng"

Liên quan cây đa cổ thụ "siêu khủng" được xe chở trên đường, được cho là xuất phát ở huyện Quế Phong, lãnh đạo huyện Quế Phong và Kiểm lâm Quế Phong thông tin với PV Dân trí, cây đa này không thuộc quản lý của huyện mà của một hộ dân tại xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, bán.

“Sau khi báo Dân trí có phản ánh về việc cây cổ thụ được cho là xuất phát trên địa bàn, chúng tôi đã kiểm tra thực tế và không phát hiện có cây nào như vậy. Qua khảo sát thì được biết cây đa nói trên nằm ở địa bàn xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu (giáp Quế Phong)”, ông Lê Hải Lý - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quế Phong cho biết. 

Vụ cây “quái thú”: Cây của dân, do dân bán? - 1

Theo báo cáo kiểm tra của Kiểm lâm huyện Quỳ Châu, cây đa có đường kính 1,2m, dài 13m, là của một người dân bán.

Chiều 10/7, trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Xuân Đình - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu - cũng xác nhận cây cổ thụ nói trên do một hộ dân bán. 

“Tôi cũng mới nhận được thông tin trên báo Dân trí do các anh ở nhà báo lại (ông Đình đang xin phép đi điều trị bệnh- PV). Qua thông tin anh em báo cáo lại, cây này của một hộ dân tại xã Châu Nga. Trước khi cây được đào, chặt, kiểm lâm địa bàn đã xác nhận và làm văn bản liên quan”, ông Đình nói.

Liên quan đến vấn đề trên, PV Dân trí cũng đã nhận được Văn bản kiểm tra về việc khai thác và vận chuyển cây đa của Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu với gia đình ông Lữ Văn H., trú xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu.

Văn bản này cho biết, căn cứ vào đơn xin khai thác và vận chuyển cây đa của hộ gia đình ông Lữ Văn H. (sinh năm 1983), Kiểm lâm Quỳ Châu đã tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường; dùng máy định vị GPS xác định tọa độ của cây.

Vụ cây “quái thú”: Cây của dân, do dân bán? - 2

Một cây đa cổ thụ được bán khỏi địa phương, cơ quan chức năng xác định cây do dân bán.

Qua đối chiếu hồ sơ địa chính, cây đa thuộc thửa đất 49, tờ bản đồ số 02; Còn qua đối chiếu hồ sơ và bản đồ kiểm kê rừng năm 2015, cây đa thuộc khu khoảnh l10 tiểu khu 170, trạng thái NN (Quy hoạch ngoài lâm nghiệp).

“Qua kiểm tra thực tế tại hiện xác định địa điểm này thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Lữ Văn H. từ trước đến nay và không có tranh chấp về quyền sử dụng đất và các tài sản có trên lô đất này. Cây được trồng phân tán tại hiện trường kiểm tra đúng như đơn trình bày của gia đình ông H. Đoàn thống nhất lập biên bản này để làm căn cứ để Ủy ban nhân dân xã Châu Nga và Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu xác nhận cho các hộ gia đình trên được phép khai thác và vận chuyển cây đa nói trên theo nguyện vọng của gia đình”, biên bản nói rõ.

Hiện vẫn chưa có thông tin tiết lộ cây đa cổ thụ này được bán với giá bao nhiêu? Bán cho ai và bán đi đâu? 

Trong khi đó, chiều 10/7, trao đổi với PV Dân trí, ông Lô Đức Khiêm - Chủ tịch UBND xã Châu Nga vẫn không rõ cây đa trên địa bàn bị bán ra khỏi địa phương. Ông Khiêm cũng cho biết thời điểm gia đình ông H. bán cây đa, ông chưa làm Chủ tịch UBND xã Châu Nga.

Vụ cây “quái thú”: Cây của dân, do dân bán? - 3
Vụ cây “quái thú”: Cây của dân, do dân bán? - 4

"Tôi mới lên chủ tịch xã Châu Nga được hơn 1 tháng rưỡi. Hiện tôi vẫn chưa nắm rõ thông tin về cây đa gia đình ông H. bán. Nếu có, tôi sẽ cho anh em cán bộ kiểm tra. Trên địa bàn xã chúng tôi không có cây đa cổ thụ như mô cả. Cả xã có một ít rừng già nhưng chủ yếu là núi đá vôi, một ít rừng tạp nhưng họ trồng keo, còn ở các bản cũng không có cây đa nào to cả", ông Khiêm nói.

Trong khi đó, tại văn bản kiểm tra cây đa của gia đình ông Lữ Văn H.(văn bản Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu lập vào ngày 8/1/2020), chính ông Lô Đức Khiêm đã ký xác nhận sự việc. 

N.P