Vụ cấp khống 800 giấy lưu hành thủy sản: Quá đau lòng và bất ngờ!

(Dân trí) - “Với tư cách người dân, chúng ta thấy hết sức đau lòng trước câu chuyện vừa xảy ra ở Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)”, ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - nói về vụ cắt ghép phụ lục văn bản và sử dụng con dấu, cấp giấy chứng nhận trái phép cho hơn 800 sản phẩm.

Ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Thế Kha)
Ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Thế Kha)

Ngay sau khi nắm được thông tin sự việc chấn động này, ông Ngô Văn Khánh đã có trao đổi trực tiếp với lãnh đạo cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản.

“Các nhà báo yên tâm là sẽ xử lý nghiêm, không dừng lại ở đó đâu. Chúng tôi sẽ làm việc và thúc đẩy việc xử lý này, sẽ thực hiện công khai minh bạch nhất. Không thể không có “kênh” cụ thể mà ra bằng ấy chứng cớ. Đây là sự việc mà với tư cách người dân chúng ta thấy hết sức đau lòng. Ngay trong cơ quan thanh tra, kiểm tra, chúng tôi cũng thấy quá bất ngờ trước việc đó. Đó là bài học lớn trong việc kiểm soát hoạt động cấp phép công vụ”- ông Khánh nói tại cuộc họp báo thường kỳ của Thanh tra Chính phủ ngày 22/7.

Ông Khánh nhấn mạnh Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan liên quan để xử lý vụ việc này, bởi hiện nay người dân đang rất nóng lòng muốn biết tên những doanh nghiệp nào, sản phẩm gì liên quan đến vụ việc này để phòng tránh.

“Chậm ngày nào có lỗi ngày đó”- ông Khánh nêu quan điểm về tiến trình xử lý vụ việc.

Như Dân trí đã liên tục phản ánh, theo quy định, các sản phẩm là thức ăn trong nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, trước khi bán ra thị trường phải được Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (gọi tắt Trung tâm) trực thuộc Tổng cục Thủy sản chấp nhận chất lượng và phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép cho lưu hành.

Tuy nhiên, để được vào danh mục sản phẩm này dường như không hề khó. Theo một bản báo cáo kết luận vừa được hé lộ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản phẩm của doanh nghiệp không cần phải đi qua khâu kiểm tra, xác minh chất lượng mà chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng/sản phẩm để trả cho Giám đốc Trung tâm là nghiễm nhiên có tên trong danh sách.

Đặc biệt, chỉ với 3 bản phụ lục được ký khống, hơn 2 năm qua, hơn 800 sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản đã vô tư lưu hành trên thị trường mà không bị cơ quan chức năng nào phát hiện.

Năm ngoái, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản đã xác minh điều tra vụ việc này và ra kết luận, từ đầu năm 2013, ông Bùi Đức Quý là Giám đốc Trung tâm đã cấu kết với các cán bộ của trung tâm là ông Nguyễn Huy Bàn, bà Đỗ Thị Hà, ông Phạm Hồng Quân, bà Vũ Thị Thu, bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lê Tuấn Anh (lúc đó còn là Phó Phòng Hành chính – Tổng cục Thủy sản) làm giả công văn và ban hành công văn trái luật để đưa tên các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vào bản phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành.

Kết luận xác minh cho biết, các đối tượng trên đã cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện hành vi vi phạm với mục đích vụ lợi. Trong quá trình thực hiện hành vi trên, bà Vũ Thị Thu đã chuyển tiền 2 lần cho ông Bùi Đức Quý với tổng số tiền là 912 triệu đồng. Ông Dũng cũng chuyển tiền vào tài khoản của ông Phạm Văn Hoà - người quen của bà Thu 3 lần với tổng số tiền là 976 triệu đồng. Số tiền này được tính trả cho ông Quý 5 triệu đồng/sản phẩm nhận làm cho doanh nghiệp.

Thế Kha