1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cấp khống 800 giấy lưu hành thủy sản: Buộc thôi việc hàng loạt cán bộ, 1 người kêu oan

(Dân trí) - Tổng cục Thủy sản đã cách chức, buộc thôi việc hàng loạt lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản làm giả hơn 800 giấy lưu hành sản phẩm thức ăn chăn nuôi và sản phẩm xử lý cải tạo môi trường.

Cấp khống 800 giấy lưu hành thủy sản: Buộc thôi việc hàng loạt cán bộ, 1 người kêu oan - 1

Liên quan tới vụ việc làm giả hơn 800 giấy lưu hành sản phẩm tại Tổng cục Thuỷ sản, nguồn tin từ Tổng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, sau khi có kết luận giải quyết tố cáo, Tổng cục đã cách chức và khai trừ Đảng ông Bùi Đức Quý. Vào thời điểm cắt chức, ông Quý đã chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thuỷ sản.

Đồng thời, Tổng cục Thủy sản cũng buộc thôi việc và khai trừ Đảng với công chức là ông Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Hành chính, quản trị của Văn phòng Tổng Cục; buộc thôi việc 5 viên chức và cảnh cáo của Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản.

Tổng cục có văn bản thu hồi toàn bộ những văn bản bị ghép, đưa thêm sản phẩm trái quy định và ban hành hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, xử lý với sản phẩm đưa vào phụ lục không đúng quy định. Đồng thời, ban hành 4 quyết định thu hồi tiền nộp ngân sách nhà nước với số tiền là 1,176 tỷ đồng. Đến nay, các cá nhân bị thu hồi tiền đã thực hiện nộp tiền.

Đáng lưu ý, sau khi quyết định xử lý được đưa ra, hơn 1 năm nay, ông Lê Tuấn Anh - nguyên phó trưởng Phòng Hành chính, quản trị của Văn phòng Tổng Cục - đã liên tục có đơn tố cáo và khiếu nại gửi lên cơ quan điều tra cho biết: “Việc áp dụng hình thức kỷ luật trên đối với tôi là vội vàng, thiếu căn cứ pháp lý và quá nặng”.

Theo ông Tuấn Anh, trong vụ việc này, ông chỉ có nghĩa vụ đóng dấu văn bản khi tất cả văn bản đã có chữ ký của lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo đơn vị ký thừa lệnh và ký nháy, ký trình của đơn vị cùng phòng ban liên quan. Ngoài ra, không chịu trách nhiệm trực tiếp đối với nội dung các văn bản trái pháp luật.

“Vì vậy, tôi khẳng định mình không có bất cứ sai phạm gì trong việc đóng và lăn con dấu”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ông Tuấn Anh cũng cho rằng, quy trình xử lý kỷ luật đối với ông là vi phạm các quy định, quy trình giải quyết được quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức.

"Tôi nhận thấy rằng tôi hoàn toàn bị động, vô ý để những cán bộ sai phạm lợi dụng sự lỏng lẻo trong khâu quản lý, kiểm soát hồ sơ để tôi đóng dấu vào những văn bản, hồ sơ họ đã ghép, tạo dựng từ trước. Tôi không biết, không có động cơ, mục đích gì và cũng không có bất cứ sự liên quan nào tới các sai phạm như trong kết luận, có chăng lỗi của tôi là quản lý chưa chặt chẽ về mặt hồ sơ đã vô tình để người xấu lợi dụng”, ông cho biết.

Theo ông Tuấn Anh, tại Quyết định ngày 26/6/2015 về việc kỷ luật công chức, quyết định thi hành hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Tuấn Anh đã không chỉ ra ông sai phạm gì mà chỉ nói căn cứ áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc theo quy định của Bộ luật lao động cũng như theo Nghị định số 34 về xử lý kỷ luật với công chức.

Ông Tuấn Anh cho biết thêm: “Tại các lần đối chất với những người sai phạm, bị kỷ luật, tôi đã yêu cầu giải thích, cung cấp chứng cứ rõ ràng chứng minh tôi đúng là người sai phạm nhưng đoàn thanh tra của Tổng cục Thuỷ sản không chỉ ra được bất cứ chứng cứ, tài liệu nào. Tuy nhiên, tôi không biết lý do gì mà kết luận vẫn khẳng định tôi sai phạm và bác bỏ toàn bộ ý kiến phản đối của tôi”.

Ông cũng thắc mắc: “Với những thông tin như tại kết luận điều tra, đã đủ các dấu hiệu phạm tội hình sự với những cá nhân thừa nhận có nhận tiền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi không biết vì lý do gì mà Tổng cục Thuỷ sản lại không chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng có thẩm quyền, điều tra, xác minh sự thật cũng như khởi tố vụ án theo quy định pháp luật. Vì vậy, tôi nghi ngờ Tổng cục Thuỷ sản đã vi phạm pháp luật, cố tình bao che, né tránh cho cá nhân vi phạm pháp luật hình sự”.

Phương Dung