1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ cán bộ thi hành án tự ý lấy xe máy: Người dân có thể khởi kiện?

Thúy Diễm

(Dân trí) - Với việc chấp hành viên thi hành án dân sự một huyện tại Đắk Lắk tự ý lấy xe máy của dân để trừ chi phí cưỡng chế khi chủ không có ở nhà, theo luật sư người dân nên khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi.

Liên quan vụ việc ông Trần Văn Tám (49 tuổi, trú xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại tố cáo cán bộ thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Krông Bông tự ý lấy xe máy của gia đình ông để tính phí cưỡng chế thi hành án khi vợ chồng ông không ở nhà nhưng không chịu trả lại.

Ông Tám nhiều lần được mời đến nhận lại tài sản nhưng ông cho rằng "cán bộ lấy xe ở đâu phải tự trả xe ở đó". Chiếc xe máy này sau đó được Chi cục THADS bán đấu giá cho một người dân với giá 9,2 triệu đồng.

Sau khi trừ nhiều chi phí khác, gồm cả chi phí thi hành án, số tiền dư còn lại khoảng 1,9 triệu đồng. Chi cục THADS đề nghị ông Tám đến nhận lại khoản tiền này nhưng ông Tám không đồng ý. Ông Tám cho biết thời điểm chiếc xe máy bị lấy đi, ông vừa mua xe với giá 19 triệu đồng.  

Vụ cán bộ thi hành án tự ý lấy xe máy: Người dân có thể khởi kiện? - 1

Chi cục THADS huyện Krông Bông (Ảnh: Thúy Diễm).

Trước sự việc này, ông Tám đã làm đơn khiếu nại, tố cáo lên các cấp.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho biết cơ quan thi hành án khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Việc thu giữ tài sản của người dân khi người dân không ở nhà để bán đấu giá, lấy tiền đưa vào chi phí thi hành án là không đúng quy định. Việc làm của Chi cục THADS huyện Krông Bông dễ gây hiểu nhầm là không minh bạch.

Theo luật sư Tòng, có rất nhiều vụ việc thi hành án người dân chây ì, không chấp hành nên buộc phải cưỡng chế. Tuy nhiên, cán bộ khi thực thi nhiệm vụ cần làm chuẩn để thuyết phục người dân và buộc họ phải tuân thủ, chấp hành pháp luật.

"Trong thẩm quyền xử lý của cơ quan chức năng đã làm hết trọng trách, nhiệm vụ. Cụ thể là ban hành quyết định thừa nhận việc chấp hành viên tạm giữ và đưa về kho xe máy của ông Tám để thu số tiền chi phí cưỡng chế là chưa phù hợp. Bởi vậy, người dân có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu Chi cục THADS huyện Krông Bông bồi thường thiệt hại", luật sư Tạ Quang Tòng phân tích.

Như Dân trí phản ánh, năm 2018, ông Trần Văn Tám là bị đơn thua kiện và có trách nhiệm phải tự tháo dỡ tài sản là phần xây dựng lấn sang đất của hàng xóm.

Do ông Tám chỉ tiến hành tháo dỡ một phần lấn chiếm mà chưa tháo dỡ toàn bộ diện tích vi phạm như bản án tòa tuyên, chây ì không chịu thi hành bản án, Chi cục THADS huyện Krông Bông đã thành lập đoàn cưỡng chế, phá dỡ phần lấn chiếm theo bản án của tòa án. Chi phí cưỡng chế của hộ ông Tám hết 2,7 triệu đồng.

Cơ quan Chi cục THADS huyện Krông Bông đã thông báo thời gian cưỡng chế đến gia đình ông Tám.

Ngày 19/6/2019, khi vợ chồng ông không có ở nhà, đoàn cưỡng chế của Chi cục THADS huyện Krông Bông đã đến nhà ông Tám cưỡng chế. Tại đây, Chấp hành viên thấy chiếc xe máy của ông Tám để ở nhà nên đã lấy mang về kho của Chi cục THADS huyện để bù vào khoản phí cưỡng chế 2,7 triệu đồng.

Sau vụ việc, Chi cục THADS huyện Krông Bông nhiều lần ra thông báo cho ông Tám đến lấy lại tài sản nhưng người này không đến nên đã quyết định đưa xe bán đấu giá.

Tháng 2/2021, chiếc xe máy của ông Tám được bán với giá 9,2 triệu đồng. Sau khi trừ nhiều chi phí, còn lại khoảng 1,9 triệu đồng.

Chi cục THADS huyện Krông Bông tiếp tục nhiều lần ra thông báo nhưng ông Tám không đến nhận lại số tiền hơn 1,9 triệu đồng. Do đó, chi cục đã đưa toàn bộ số tiền này gửi vào ngân hàng. Sau 5 năm, nếu ông Tám không lấy lại số tiền 1,9 triệu đồng cùng lãi suất, số tiền này sẽ được sung quỹ nhà nước theo quy định.

Cục THADS Đắk Lắk khẳng định tại thời điểm cưỡng chế, việc chấp hành viên tạm giữ xe máy của dân, đưa về kho của Chi cục THADS huyện Krông Bông để thu số tiền chi phí cưỡng chế là chưa phù hợp. Với sai sót này, chấp hành viên đã bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm.