1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ bêu tên con vì bố mẹ không đóng phí: Hộ nghèo cũng không tha

(Dân trí) - Ngoài chuyện bêu tên học sinh trên hệ thống loa truyền thanh xã, trong chiến dịch tận thu trả nợ công trình, chính quyền xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh còn huy động cả sức đóng góp của phụ huynh thuộc diện hộ nghèo đáng ra được miễn giảm.

Hộ nghèo, con đã chuyển trường cũng không tha

Trong số hàng trăm hộ gia đình ở xã Cẩm Thăng nằm trong chiến dịch tận thu của chính quyền để có kinh phí trả nợ công trình nhà đa chức năng được đầu tư hơn 3,2 tỷ đồng, hộ anh Trần Khánh Vũ và chị Hoàng Thị Phương ở xóm 7 thuộc diện nghèo bậc nhất xã.

Sáng 7/11, theo hướng dẫn của người dân tôi tìm đến nhà anh Vũ, chị Phương. Lúc tôi có mặt, anh Vũ không có nhà. Chị Phương đang giặt giũ, dọn dẹp sau bếp. Thấy tôi cùng thầy giáo đi cùng tay xách tay túi, người phụ nữ ốm nhom nhầm tưởng là đoàn cán bộ xã đến thu tiền đóng phí trả nợ, bỏ dở công việc chạy ra sân. Chưa kịp để khách chào hỏi, miệng chị Phương đã mếu máo: “Nhà tui đóng cho cháu nhỏ rồi, còn cháu lớn lớp 4 tui đã giải thích là cháu đã chuyển trường nên không đóng rồi mà, sao còn đến nữa”.


Ngôi nhà của vợ chồng chị Phương bé xíu, xuống cấp, đến cái cổng nhà cũng không có tiền để xây.

Ngôi nhà của vợ chồng chị Phương bé xíu, xuống cấp, đến cái cổng nhà cũng không có tiền để xây.

Chỉ khi được giới thiệu là nhà báo đến tìm hiểu sự việc, chị Phương mới bình tĩnh trở lại rồi mở cửa mời khách vào nhà.

Gọi là nhà, nhưng căn nhà của gia đình chị Phương nhỏ như chiếc hộp diêm, xập xệ xuống cấp, tài sản chỉ có mỗi bộ bàn ghế là có chút giá trị, còn lại trống huơ trống hoác. Cả hai anh chị đều không có nguồn thu nhập gì đáng kể. Anh Vũ chỉ là một thợ xây trong xóm, tiền công ít ỏi, thời tiết thuận lợi còn kiếm được ngày vài trăm, còn mưa gió, hết việc thì nhẵn túi. Chị Phương làm nông, ốm yếu cũng phải theo chồng đi phụ hồ. Do sức yếu, công việc phụ hồ quá nặng, mới đây chị buộc phải chuyển sang đóng gạch cho một cơ sở tư nhân, tiền công cũng chẳng bõ bèn gì.

Thấy gia cảnh con cháu quá cơ cực, thiếu thốn, ông bà nội từ Bình Định ra đã đón đứa con trai đầu lòng của vợ chồng chị Phương là cháu Trần Khánh H. (lớp 4) vào chăm sóc, nuôi ăn học…

Cái ăn hàng ngày, tiền học của con, tiền hiếu hỉ ở quê, rồi bao nhiêu khoản phí còn chưa lo đủ, còn phải vay nợ, thế nên khi “tổ công tác thu tiền đối ứng học sinh” do chính quyền xã lập ra đến tận nhà đốc thúc nộp khoản tiền 1.262.000 đồng cho xã trả nợ, vợ chồng chị Phương rất lo lắng.


Chị Phương suýt bật khóc khi kể lại giây phút xã cho người tới truy khoản đóng góp hơn 1,2 triệu đồng cho 2 đứa con của chị, dù một cháu đã được ông bà nội đưa vào Bình Định nuôi dưỡng.

Chị Phương suýt bật khóc khi kể lại giây phút xã cho người tới truy khoản đóng góp hơn 1,2 triệu đồng cho 2 đứa con của chị, dù một cháu đã được ông bà nội đưa vào Bình Định nuôi dưỡng.

“Đấy, chú nhìn gia cảnh thì biết, vợ chồng quần quật suốt ngày cũng không đủ cái ái, cái học của con. Mới rồi vợ chồng đã phải bóp mồm, bóp miệng, lo được hơn 1 triệu đóng tiền học, tiền xây dựng cháu học lớp 1. Nhà còn nợ như chúa chổm, vậy mà xã họ không hiểu cho, còn ép gia đình đóng đến hơn 1,2 triệu đồng”- chị Phương kể lại.

Hộ nghèo đã không được miễn giảm, vợ chồng chị Phương còn uất ức khi chính quyền xã bắt vợ chồng chị đóng luôn số tiền cho đứa con trai đầu đã được ông bà nội đưa vào Bình Định nuôi dưỡng. “Tui đã báo cáo là con đã chuyển trường, đã làm thủ tục chuyển trường, nhưng họ không nghe. Vô lí quá nên chợ chồng tôi đã vay mượn đóng cho cháu D. lớp 1, còn cháu H. vợ chồng tôi kiên quyết không đóng, vì cháu có học ở đây nữa đâu mà đóng” – chị Phương nói.

Rồi người phụ nữ ốm yếu chua xót nói: “Chưa có tiền thì sửa chữa, khắc phục tạm cho các cháu nó học, đằng này họ lại cứ cố xây mới, tốn hàng tỷ đồng. Tất cả giờ đổ xuống cho người dân như chúng tôi. Không đóng là họ bêu tên trên loa, nhục lắm”.

"Phép công, ông cứ làm"

Rời nhà chị Phương, chúng tôi đi tiếp một vòng quanh xã Cẩm Thăng để gặp thêm nhiều hộ dân khác là phụ huynh học sinh trường tiểu học phải đóng tiền cho xã trả nợ. Chứng kiến cuộc sống chật vật, vất vả kiếm đồng tiền bát gạo của nhiều hộ dân, tìm hiểu công trình nhà học đa chức năng có nguồn vốn đầu tư đến 3,2 tỷ đồng, rõ ràng nỗi uất ức của dân là có cơ sở chính đáng.

Ngôi nhà đa chức năng được đầu tư đến 3,2 tỷ đồng. Việc phải đóng khoản đóng góp 450 triệu trong vòng 3 năm cho xã trả nợ, khiến phu huynh nhiều học sinh trường tiểu học Cẩm Thăng hết sức bức xúc.
Ngôi nhà đa chức năng được đầu tư đến 3,2 tỷ đồng. Việc phải đóng khoản đóng góp 450 triệu trong vòng 3 năm cho xã trả nợ, khiến phu huynh nhiều học sinh trường tiểu học Cẩm Thăng hết sức bức xúc.

Thế nhưng, nguyện vọng ấy của phụ huynh trường tiểu học Cẩm Thăng đã bị chính quyền bỏ ngoài tai. PV nêu ra bài học đau xót từ việc huy động sức dân quá sức ở một số nơi, trong đó có xã Thường Nga (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) mà báo chí đã phản ánh trong năm 2015, ông Nguyễn Văn Báu, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thăng, cũng chỉ xin rút kinh nghiệm chuyện bêu tên học sinh trên loa phóng thanh, còn lại ông nhất quyết rằng chính quyền phải thu bằng được khoản thu đối ứng 450 triệu đồng để trả cho nhà thầu.

“Công trình nhà đa chức năng trường tiểu học có mức đầu tư chính xác là 3 tỷ 227 triệu đồng. Lúc khởi công chỉ có 1 tỷ tiền thưởng của tỉnh giành cho xã về đích nông thôn mới, nhà thầu cam kết huy động các nguồn cho 1 tỷ nữa, còn lại là phần đối ứng của xã và nhà trường. Công trình đã bàn giao, khoản của xã thì do nợ chưa có đồng nào để trả, giờ phải triển khai thu của người dân để trả nợ cho nhà thầu. Số tiền 450 triệu của dân, chúng tôi tính toán thu trong 3 năm là hợp lí và phải thu chứ không còn cách nào khác”- ông Báu kiên quyết.


Ông Nguyễn Văn Báu, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thăng chỉ xin rút kinh nghiệm chuyện bêu tên học sinh trên loa truyền thanh xã, còn chuyện thu để trả nợ thì chính quyền xã ắt phải làm, không còn cách nào khác.

Ông Nguyễn Văn Báu, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thăng chỉ xin rút kinh nghiệm chuyện bêu tên học sinh trên loa truyền thanh xã, còn chuyện thu để trả nợ thì chính quyền xã ắt phải làm, không còn cách nào khác.

Cái “hợp lí” mà người đứng đầu chính quyền nêu, thực chất là “phép công, ông cứ làm” chứ không lắng nghe nguyện vọng của người dân. Vì cái hợp lí này của chính quyền xã mà trong 3 năm học tới, cùng một năm học của con em, hàng trăm phụ huynh Trường tiểu học Cẩm Thăng phải cùng lúc oằn mình đóng tới 2 lần tiền xây dựng trường, mua sắm trang thiết bị. Cũng vì quyền trong tay các công bộc của dân, nên đến hộ nghèo cũng phải đóng tiền, đến danh tính học sinh- những mần non của đất nước- cũng bị bêu tên trên loa phóng thanh để xã truy thu bằng được tiền trả nợ.

Dũng Hiệp