Bình Dương:
Vụ bé gái mắc kẹt dưới lòng đất: Gặp người đào giếng, cõng cháu bé lên
(Dân trí) - Nhờ cái giếng “đặc biệt” của những người thợ thủ công mà bé Tú Anh, bé gái mắc kẹt dưới lòng đất được giải cứu an toàn. Những người vốn mưu sinh bằng cái nghề đào giếng thuê coi đây như cái giếng “lịch sử” bởi việc đào diễn ra hết sức khẩn trương mà tưởng chừng như kéo dài vô tận.
Chiều 5/8, PV Dân trí có cuộc tiếp xúc với anh Trần Lê Phương (SN 1983, quê Tây Ninh, tạm trú tại phường Bình Chuẩn, TX Thuận An, Bình Dương), người đầu tiên tiếp cận với vị trí bé Nguyễn Trần Tú Anh (7 tuổi) khi cháu bé đang bị mắc kẹt.
Gương mặt hốc hác vì mới trải qua những phút lao động cật lực trong cuộc giải cứu bé Tú Anh, anh Phương tâm sự: “Khoảng 21h30 đêm 4/8, tôi đang chuẩn bị đi ngủ thì nhận được điện thoại của chú vợ nói xuống cứu một cháu bé bị lọt xuống giếng. Tôi đến nơi thì gần 22h, lúc này tôi thấy có một cần cẩu đang múc đất gần miệng giếng. Thấy việc múc đất có thể nguy hại đến cháu bé bên dưới nên tôi lên tiếng thông báo ngừng múc đất để chúng tôi đào xuống cứu cháu bé”.
“Móc đất sâu rất tốn thời gian và khả năng cháu bé có thể bị ngạt nguy hiểm đếm tính mạng... Khi mẹ cháu bé gào khóc, van xin chúng tôi cứu con chị ấy, tôi cũng có con trạc tuổi con chị ấy nên hiểu được nỗi lòng người làm cha, làm mẹ. Chính vì vậy, đứng trước thách thức lớn nhất cuộc đời, anh em tôi quyết tâm làm việc hết sức lực để cứu giúp” – Anh Phương kể lại.
Anh Phương cho biết thêm, sau khi xem xét lại, các anh mới triển khai đào một cái giếng song song với giếng bé gái bị mắc kẹt. 4 người, chia làm 2 ca thay nhau đào, còn các chiến sỹ Cảnh sát PCCC thay nhau kéo, khiêng đất đi đổ. Cũng may ông chú vợ anh Phương ngoài 50 tuổi nhưng có sức khoẻ và tham gia cùng đào. "Lúc này điện ở hiện trường bị mất nhưng chúng tôi cố gắng hết sức làm càng nhanh càng tốt để cứu được cháu bé. Lúc đào tôi có nghe cháu bé kêu “lôi cháu lên đi, cháu quyết tâm rồi”.", anh Phương chia sẻ.
“Nhiều năm làm nghề nên tôi biết được cách làm thế nào để giải cứu cháu bé an toàn nhất. Xuống đến nơi đầu bé bị mắc kẹt, chạm vào đá, mặt đụng vào ống nhựa dẫn nước. Chúng tôi lấy dao đào đất một bên cho trống lưng bé để cháu có oxy thở. Hên là đứa bé trong lúc rơi xuống bị vướng cách mặt đất khoảng 13m, nếu rơi xuống tầng nước thì chúng tôi cũng bất lực và tính mạng cháu bé không còn” – Anh Phương kể.
Cũng theo anh Phương, khi xuống đến nơi anh nói với cháu bé “con gắng chờ chú, chú đến rồi đây”. Sau đó anh móc một lỗ to bằng cổ tay để kéo cháu bé lệch qua và lấy tay đẩy nhẹ nhàng ra khỏi cục đá vì sợ đá chèn vào mặt cháu gây khó thở. Tiếp theo đó anh Phương móc đất theo thế từ dưới lên đến vị trí chân của bé mà không chọn phương án móc từ bên trên xuống để đảm bảo tuyệt đối không để đất đá rơi trúng nạn nhân hoặc làm cho bé Tú Anh trượt sâu thêm.
"Tôi cõng cháu bé từ chỗ mắc kẹt lên đến trên chỗ lúc chúng tôi đào khoảng 6m. Khi tôi đưa cháu bé lên trên những người xung quanh reo hò, vỗ tay vui mừng nhưng tôi gần như kiệt sức. Dù rất mệt nhưng trong lòng cảm thấy vui mừng vô cùng.", anh Phương nói trong ánh mắt, nụ cười rạng rỡ.
Một đồng nghiệp cùng tham gia đào cái giếng “đặc biệt” để giải cứu bé Tú Anh thốt lên: “Cứu được đứa trẻ là tốt rồi. Lúc bắt đầu đào cái giếng song song chúng tôi làm hết sức lực, có thể nói đây là cái giếng đào đặc biệt, nhanh nhất nhưng trong trường hợp nóng lòng muốn tiếp cận, cứu cháu bé mà chúng tôi thấy từng phút giây trôi qua nó dài như vô hạn”.
Được biết hiện vợ chồng anh Phương đang ở nhờ nhà một người bà con, hàng ngày anh Phương đi đào giếng thuê kiếm sống, nuôi gia đình, vợ anh ở nhà trông 2 đứa con nhỏ. Dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng anh Phương vẫn lạc quan, sẵn sàng giúp đỡ người khác lúc hoạn nạn.
Để anh Phương chia sẻ quá trình cùng 3 đồng nghiệp khác giải cứu bé Anh, chúng tôi phải nhiều lần thuyết phục qua điện thoại anh Phương mới chịu gặp. “Tôi làm chỉ vì nghĩ cháu bé như con của mình, việc cứu người là hết sức cần thiết, cấp bách chứ không phải làm để vì chút lợi ích cá nhân nào cả” – Anh Phương tâm sự.
Trung Kiên