Vụ bạo hành trẻ HIV: 86 cán bộ, nhân viên không chăm nổi 117 trẻ
(Dân trí) - Những tưởng với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân và lực lượng cán bộ, nhân viên hùng hậu, Trung tâm Linh Xuân sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nhưng họ đã giáo dục nhóm trẻ bất hạnh bằng đòn vọt, thù hận.
Bộ máy nhân sự “khổng lồ” nhưng…
Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Linh Xuân được thành lập ngày 30/3/2010 theo quyết định của Chủ tịch UBND TPHCM trên nền tảng tách cơ sở II của Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Tam Bình, Thủ Đức. Trung tâm có chức năng giáo dục, nuôi dưỡng, chăm sóc và chữa bệnh cho trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhiễm HIV/AIDS từ sơ sinh đến 16 tuổi, gồm 4 khoa: Sơ Sinh, Măng Non, Tuổi Hồng, Tuổi Xanh. Đây là nơi tiếp nhận trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi từ các bệnh viện phụ sản trong thành phố, một số ít từ các tỉnh chuyển về.
Theo điều 3 tại Quyết định thành lập trung tâm thì Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ chỉ đạo Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Nuôi dưỡng Trẻ em Linh Xuân trong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Ngày 7/4, thông tin từ ông Nguyễn Thanh Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm vừa nhậm chức 2 tuần trước) cho hay, Trung tâm hiện có 86 cán bộ công nhân viên. Ban giám đốc bao gồm 1 giám đốc và 4 phó giám đốc. Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng tổng số 117 trẻ em, tất cả số trẻ em này đều là trẻ em bị nhiễm HIV.
Ngoài nguồn kinh phí hoạt động hàng tháng được cấp từ nguồn ngân sách nhà nước, Trung tâm này đã và đang được rất nhiều các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ về tài chính, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm trong sinh hoạt thường ngày…
Những tưởng, với lực lượng nhân sự “hùng hậu” cơ cấu tổ chức hoành tráng và sự hậu thuẫn của các mạnh thường quân, trung tâm này sẽ là nơi đáng tin cẩn để chăm sóc cho số trẻ em đông hơn không đáng kể so với số cán bộ, nhân viên nhưng thực tế thì hoàn toàn trái ngược.
Việc bảo mẫu hành hạ dã man trẻ bất hạnh bị nhiễm HIV vừa được phanh phui chỉ là giọt nước tràn ly. Theo phản ánh của người dân cùng hình ảnh vừa được đăng tải trên internet và lời kể của một nạn nhân từng sống trong trung tâm với phóng viên Dân trí thì chuyện bảo mẫu đánh trẻ diễn ra như “cơm bữa”. Các em nhỏ tại khoa Măng non không chỉ bị đánh đập trong giờ ăn mà còn bị hành hạ cả khi uống thuốc.
Trong khi việc hành hạ trẻ đến người ngoài cũng biết thì bà Giám đốc trung tâm và ban bệ của mình chỉ biết khi báo chí đăng tải thông tin. Với 86 con người trong cơ cấu nhân sự, nhưng ngoài việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với nhóm trẻ “măng non” họ còn thể hiện sự bất lực trong quản lý và giáo dục nhóm trẻ lớn.
Bằng chứng là sự thừa nhận của bà Nguyễn Thị Kim Tiên, Giám đốc Trung tâm khi đã mời công an phường vào “làm việc” với con trẻ ngày 6/2/2015. Tiếp đó, 3 cán bộ tại khoa Tuổi xanh đã bị cách chức, kỷ luật đầu năm 2015 sau khi trẻ gửi đơn kêu cứu vạch trần những sai phạm trong quản lý, giáo dục trẻ của các cán bộ trung tâm lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội, TPHCM.
Cần đưa các bé đi kiểm tra tổn thương tâm lý
“Những tổn thương tâm lý từ khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống của con người trong suốt cuộc đời. Các bé bị bảo mẫu bạo hành tại Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Linh Xuân cần phải được thăm khám, điều trị những tổn thương tâm lý nếu cần để tránh những tác động xấu về sau.”
Đó là ý kiến của ThS tâm lý Kiều Thanh Hà, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 khi trao đổi với phóng viên Dân trí về những việc cần làm ngay cho nhóm trẻ HIV thuộc khoa Măng non (Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Linh Xuân, Thủ Đức, TPHCM). Theo bà Thanh Hà, nếu cả Trung tâm và bảo mẫu không thành khẩn với cơ quan điều tra thì rất khó để có thể xác định được các bé đã bị bạo hành từ khi nào. Nếu thời gian bạo hành càng kéo dài những sang chấn, tổn thương về mặt tâm lý của trẻ càng nghiêm trọng. Các cháu cần phải được thăm khám, kiểm tra sức khỏe tâm thần để xác định liệu trẻ có bị tổn thương tâm lý hay không, tổn thương ở mức độ nào.
Theo phân tích của ThS Thanh Hà, số trẻ đang được chăm sóc tại Trung tâm Linh Xuân đều là những trẻ mắc HIV (khuyết tật về tinh thần), trẻ bị bệnh Down (khuyết tật cả về thể xác lẫn tinh thần), cần được chăm sóc đặc biệt. Các bé cần phải được chăm sóc rất tốt về dinh dưỡng, được hỗ trợ về mặt tâm lý trong môi trường sống lành mạnh với sự yêu thương chân thành, sự nhẫn nại, quan tâm chia sẻ… của chính những người chăm sóc để có thể cảm nhận và hiểu được giá trị bản thân, ý thức về sự cần thiết trong việc học tập, hòa nhập cộng đồng từ đó vươn lên thành người có ích cho xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế, Trung tâm Linh Xuân đã làm ngược hoàn toàn so với những gì các bé tại đây cần. Chính những người không có chuyên môn về tâm lý, y tế được tuyển dụng vào làm bảo mẫu đã khiến sự bất hạnh vốn dĩ đã mang bên mình từ khi cất tiếng khóc chào đời của con trẻ bị đẩy lên đến tột cùng nỗi đau bằng đòn roi, bằng bạo lực.
Vân Sơn