1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ án Hoa hậu quý bà Tuyết Nga: Có đủ căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm?

(Dân trí) - Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho rằng, TAND Tối cao phải sớm làm rõ trong vụ án Hoa hậu quý bà Trương Thị Tuyết Nga có đủ căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm hay không?

Như Dân trí đã thông tin, TAND Tối cao đang tiến hành rà soát, xem xét việc giải quyết khiếu nại về bản án của Hoa hậu quý bà Trương Thị Tuyết Nga (TPHCM) đang gây ồn ào dư luận.

Đây là vụ việc mà Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã có văn bản đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền, đúng pháp luật nhưng 2 năm qua, ông Vũ Văn Hải (chồng bà Tuyết Nga) khẳng định vẫn chưa nhận được trả lời.

Vụ án Hoa hậu quý bà Tuyết Nga: Có đủ căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm? - 1

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM cho biết, năm 2010 Viện trưởng VKSND Tối cao ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Cục Điều tra VKSND Tối cao, trong đó quy định: “Cơ quan điều tra VKSND Tối cao có thẩm quyền điều tra các tội phạm sau đây: 1. Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp quy định tại Chương XXII của Bộ luật Hình sự mà người phạm tội là cán bộ của các cơ quan tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND; 2. Các tội phạm có nguồn gốc phát sinh từ việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ các cơ quan tư pháp hoặc liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ các cơ quan tư pháp trong quá trình tiến hành tố tụng (hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động...) ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; 3. Hành vi phạm tội hoặc người thực hiện hành vỉ phạm tội có liên quan đến vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đang khởi tố, điều tra.”

Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp nên Viện kiểm sát tham gia vào toàn bộ quá trình tố tụng hình sự, từ giai đoạn phát hiện tội phạm, khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, điều tra vụ án hình sự, đến khi kết thúc quá trình tố tụng (bản án có hiệu lực pháp luật) và chấm dứt khi thi hành xong bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (công tác kiểm sát thi hành án).

Bên cạnh đó, Viện kiểm sát các cấp có phạm vi kiểm sát rất rộng, bao gồm công tác kiểm sát việc giải quyết các loại án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh tế và những việc khác theo quy định của pháp luật.

Thông qua các công tác này mà phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì Viện kiểm sát chuyển cho Cơ quan điều tra VKSND Tối cao để khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Vì thế, luật sư Hậu cho rằng, VKSND Tối cao cũng cần phải làm rõ xung quanh phản ảnh của ông Vũ Văn Hải về việc Cơ quan điều tra VKSND Tối cao bắt tạm giam và điều tra bà Trương Thị Tuyết Nga có dấu hiệu vi phạm tố tụng hay không, vì hoa hậu quý bà Tuyết Nga chỉ là bác sỹ.

Hơn nữa, từ những phản ánh, tố cáo của ông Vũ Văn Hải gửi tới các cơ quan có thẩm quyền, TAND Tối cao phải làm rõ có đủ căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này hay không?

Trong khi đó, luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng văn phòng luật An Phát Phạm (Hà Nội) dẫn ra quy định tại Điều 371 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phải có một trong những căn cứ: Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Vì thế, TAND Tối cao phải rà soát kỹ lưỡng vụ án trên. Nếu phát hiện một trong những căn cứ kháng cáo theo thủ tục giám đốc thẩm thì Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND Cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Vụ án Hoa hậu quý bà Tuyết Nga: Có đủ căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm? - 2

Cuối tháng 1/2017, TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên y án sơ thẩm đối với bà Trương Thị Tuyết Nga - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Vũ Lan, 15 năm tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền 3,1 triệu USD.

Ngay sau đó, vợ chồng ông Hải đã có nhiều đơn thư yêu cầu làm rõ việc xác định số tiền trong vụ án. Theo vợ chồng ông, tổng số tiền bà Nga nhận của bà Dương Mỹ Linh là 1,5 triệu USD chứ không phải 3,1 triệu USD như cáo buộc. Tòa phúc thẩm cũng không cho bà Nga đi giám định tâm thần như đơn đề nghị của gia đình và luật sự.

Trong thời gian từ năm 2017-2018, Ủy ban Tư pháp Quốc hội và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã có ý kiến đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền, đúng pháp luật nhưng 2 năm qua, ông Hải không nhận được bất kỳ văn bản giải quyết nào.

Lãnh đạo TAND Tối cao khẳng định, đến nay bản án đối với bà Trương Thị Tuyết Nga đang có hiệu lực pháp luật nên TAND Tối cao sẽ xem xét lại quá trình giải quyết đơn của ông Vũ Văn Hải.

Thế Kha