1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bình Định:

Vụ 4.000 hồ sơ bị “ngâm”: Do cán bộ chưa quen phần mềm!

(Dân trí) - Gần 4.000 hồ sơ trễ hạn, thế nhưng các địa phương cho rằng một phần do phần mềm một cửa điện tử rắc rối, dù được tập huấn nhưng nhiều cán bộ vẫn chưa quen công việc…

Phần mềm rắc rối... muốn tập huấn thêm

Theo UBND tỉnh Bình Định, có 51 UBND cấp xã ở tỉnh này đã được đầu tư xây dựng, hoàn thành phần mềm một cửa điện tử (phần mềm VNPT - IGate) nhưng không thực hiện để giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Tuy nhiên, các địa phương đưa ra lý do phần mềm rắc rối, dù được tập huấn nhưng cán bộ vẫn chưa quen công việc.

Bình Định: Vụ 4.000 hồ sơ bị “ngâm”: Do cán bộ chưa quen phần mềm!

Người dân đến làm thủ tục hành chính bằng hệ thống phần mền một cửa điện tử liên thông tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định

Là xã được đầu tư xây dựng, hoàn thành hệ thống phần mềm điện tử một cửa nhưng vẫn chưa chính thức đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Tấn Đức, Chủ tịch UBND xã Nhơn An (thị xã Nhơn An, Bình Định) chia sẻ: “Thực tế, chúng tôi không hề gây phiền hà, hồ sơ của người dân đưa lên chính quyền đều xử lý nhanh chóng. Thế nhưng, đối với phần mềm này, cán bộ tại xã vẫn đang tập làm cho quen việc nên chưa thể đưa vào sử dụng chính thức”.

Theo một cán bộ Văn phòng UBND xã Nhơn An, mặc dù đã được tập huấn nhưng đa số cán bộ có trách nhiệm xử lý công việc tại xã vẫn chưa thực hiện thành thạo phần mềm VNPT - IGate.

“Cấp xã thì anh em trình độ tin học còn hạn chế, trong khi phần mềm mới nhiều thao tác xử lý rắc rối nên anh em đang gặp nhiều khó khăn, sử dụng chưa rành. Tuy nhiên, hệ thống phần mềm được triển khai thực hiện đồng bộ cả tỉnh nên chắc chắn phải làm được. Vì vậy, chúng tôi mong muốn cơ quan chuyên môn tạo điều kiện tập huấn thêm, giúp cán bộ xã tiếp cận thành thạo công việc”, vị cán bộ Văn phòng UBND xã Nhơn An, kiến nghị.

Trong khi đó, huyện Hoài Ân là địa phương đầu tiên trong tỉnh đưa vào sử dụng phần mềm sử dụng một cửa điện tử liên thông. Tuy nhiên, công văn do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ký mới đây cho thấy, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hạn của huyện Hoài Ân vẫn còn ở mức cao 23%.

Về việc này, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Hoàng Phi Long khẳng định: Ngay sau khi nhận được công văn của Chủ tịch UBND tỉnh, chính quyền huyện Hoài Ân đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm và tìm phương án giải quyết. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại thì con số theo thống kê này chưa chính xác do phần mềm bị lỗi, cập nhật không kịp thời.

“Thực tế cấp huyện, cấp xã đều hoàn thành công việc đúng hạn trên 95% nhưng khi trả hồ sơ, máy không cập nhật được do phần mềm bị hư, gặp trục trặc nên thời điểm đó cán bộ chưa vô được phần mềm”, ông Hoàng Phi Long lý giải.

Vụ 4.000 hồ sơ bị “ngâm”: Do cán bộ chưa quen phần mềm! - 2
51 UBND cấp xã ở Bình Định được đầu tư xây dựng, hoàn thành phần mềm VNPT - IGate nhưng không thực hiện vì phần mềm rắc rối!

Theo ông Long, huyện Hoài Ân thực hiện trả hồ sơ theo đúng hạn theo quy định, chứ không giống như con số thống kê của tỉnh. Hiện, huyện đã họp kiểm tra, chỉnh sửa lại trục trặc phần mềm và một số thao tác cán bộ chưa nắm rõ kỹ thuật, chúng tôi đã phối hợp đơn vị chuyên môn khắc phục.

Xử lý cán bộ tắc trách, người đứng đầu

Trước đó, Dân trí đã thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có công văn cầu Thủ trưởng các sở ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND địa phương nhanh chóng vào cuộc chấn chỉnh, giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn, quá hạn.

Theo đó, sau khi đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm một cửa điện tử (phần mềm VNPT - IGate) liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã, để phục vụ luân chuyển và theo dõi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã tiết kiệm được thời gian, chi phí hành chính.

Thế nhưng, số lượng hồ sơ giải quyết trễ hạn tại các địa phương cấp huyện xã còn tồn đọng rất nhiều, chiếm tỷ lệ rất cao với gần 4.000/24.390 hồ sơ, tỷ lệ bình quân 16%. Trong đó, huyện có hồ sơ giải quyết trễ hạn trên 5% như: Phù Cát (54%), Tây Sơn (38%), Tuy Phước (30%), Vân Canh (29%)…

Đặc biệt, có 51 UBND cấp xã mặc dù đã được đầu tư xây dựng, hoàn thành phần mềm VNPT - IGate nhưng không thực hiện để giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.

Kết quả chậm trễ này dẫn đến số liệu hồ sơ thủ tục hành chính quyết đúng hạn được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh thấp dưới mức tối thiểu do Bộ Nội vụ quy định (dưới 95%), ảnh hưởng đến vị trí xếp hạng cải cách hành chính của tỉnh Bình Định, tác động tiêu cực đến những nỗ lực chung của cả tỉnh trong việc cải cách hành chính.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân tắc trách, thiếu trách nhiệm để xảy ra trường hợp hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trễ hạn, quá hạn và thực hiện nghiêm túc việc gửi thư xin lỗi tổ chức, công dân đúng theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm