Vụ 27 lao động bơ vơ ở Singapore: Công ty XKLĐ đã… biến mất
(Dân trí) - Ngày 10/6, một số lao động trước đó đã có đơn kêu cứu vì bị công ty XKLĐ <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2007/5/180748.vip">bỏ rơi trên đất Singapore</a> tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng cho biết: Các đối tượng tổ chức đường dây đưa lao động đi xuất khẩu này đã… biến mất.
“Muốn đi XKLĐ tại Singapore, NLĐ phải đặt cọc trước 100 triệu đồng với giấy cam kết bảo lãnh (chỉ có chữ ký, không có dấu - PV) của người môi giới tên là Nguyễn Đức Quyền, xưng là đại diện cho Công ty XKLĐ nước ngoài thuộc Tổng Công ty Vận tải biển, phòng XKLĐ số II ở Khu đô thị mới Đại Kim - Hoàng Mai - Hà Nội.
Tuy nhiên, số tiền vay mượn để được đi làm việc tại nước ngoài đã trở thành cát bụi khi chúng tôi bay sang đất nước Singapore đến 2 lần mà vẫn phải tay không trở về Việt Nam mới biết mình đã bị lừa”.
Đó là phản ánh của anh Trần Văn Nam, ở khối 10, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An gửi đến Phòng cảnh sát điều tra - Công an Hà Nội.
100 triệu, 2 lần du lịch “bất đắc dĩ”
Anh Nam cho biết, ngày 1/1/2007, ông Nguyễn Hồng Phong, cư trú tại khối 10 phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An đến nhà anh Nam ngỏ ý nếu gia đình anh muốn cho con đi XKLĐ ở Singapore thì đặt cọc trước 45 triệu đồng để lo giấy tờ, số tiền còn lại thì nộp cho công ty sau.
Ngày 22/1/2007, ông Phong đưa anh Nam đến gặp ông Nguyễn Đức Quyền. Gia đình anh Nam thỏa thuận với ông Quyền là sẽ đưa cho ông này 100 triệu đồng, viết giấy nhận tiền viết tay. Đồng thời ông Quyền cũng lập một Giấy cam kết bảo lãnh với nội dung: "Hợp đồng lao động phải đủ 2 năm và có thể gia hạn 3 năm theo sự đồng ý của chủ sử dụng lao động"; "Lương cơ bản từ 10h trên ngày và 6 ngày trên tuần"; "Lương cơ bản từ 800 đến 1.100 đô la Singapore trên tháng"….
Ông Quyền cũng cam kết trong 4-6 tuần nếu không có công ăn việc làm thì ông Quyền sẽ hoàn trả lại số tiền đã nộp và gia đình anh Nam không chịu một khoản chi phí nào.
Ngày 23/1/2007, bà Hà Phương Thảo, nhận là trợ lý của Nguyễn Đức Quyền đã đưa anh Nam sang Singapore để làm việc theo như hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, sau 20 ngày ăn ngủ tạm bợ trên đất Singapore nhưng Trần Văn Nam cùng hàng chục lao động có cùng cảnh ngộ khác vẫn trong cảnh “ăn chực nằm chờ” vì không có việc làm.
Visa hết hạn, buộc những người này phải đi Malaysia để gia hạn hoặc trở về Việt Nam. Trước khi trở về nước, anh Trần Văn Nam yêu cầu ông Nguyễn Đức Quyền viết cam kết chịu mọi trách nhiệm nếu xảy ra rủi ro.
Trở về nhà được một thời gian, Nguyễn Đức Quyền lại điện thoại cho anh Nam nói đã tìm được việc làm và yêu cầu bay sang Singapore. Người lao động lại tiếp tục một chuỗi ngày dài chờ đợi có được việc làm để đổi đời. Lần này, Trần Văn Nam và Nguyễn Đức Quyền đã làm một bản cam kết khác, dĩ nhiên, chỉ ký tay, với nội dung: Anh Nam không làm việc tại Singapore nữa mà sẽ đi du lịch tại Hàn Quốc và làm việc ở đó.
Nhưng rồi, hy vọng nhanh chóng biến thành tuyệt vọng, anh Nam cùng hơn 20 lao động khác tiếp tục “sống dở chết dở” nơi đất khách gần 2 tháng. Vì quá thất vọng và sống khổ sở nơi đất khách quê người, lại không có công ăn việc làm nên anh Nam yêu cầu ông Quyền mua vé cho anh trở về nước. Từ đó, Nguyễn Đức Quyền cũng bặt vô âm tín.
Vì đâu nên nỗi?
Trong tờ Giấy cam kết bảo lãnh do ông Nguyễn Đức Quyền lập ngày 23/1/2007 với anh Trần Văn Nam cũng như với những lao động khác đều nêu rõ: "Trong thời gian 6 tuần mà lao động không nhận được thẻ định cư hoặc giấy bảo lãnh từ chủ sử dụng lao động, khi đó lao động bất khả kháng phải về nước. Tôi cùng Công ty có trách nhiệm thanh toán lại toàn bộ mọi khoản tiền mà người lao động đã gửi cho Công ty chúng tôi và không bị trừ bất cứ một khoản tiền nào khác"; "… Thời gian thanh toán cho lao động không quá 3 tháng kể từ khi lao động phải về nước, thủ tục thanh toán phải nhanh gọn không gây phiền hà cho người lao động".
Với những cam kết nêu trên thì đương nhiên, người lao động phải được nhận lại tiền họ đã nộp cho ông Quyền. Tuy nhiên, những khuất tất trong hành động của ông Quyền cùng một số người có liên quan, cũng như sự nhẹ dạ cả tin của người lao động về một bản cam kết không có con dấu chứng minh cơ sở pháp lý của đơn vị XKLĐ đã cho một kết quả không mấy bất ngờ. Người lao động bị lừa một cách nhẹ nhàng là điều hoàn toàn… dễ hiểu.
Chiều ngày 10/6, chúng tôi đã có cuộc gặp với những lao động vừa trở về từ Singapore tại số nhà 240 ngõ 110 phố Trần Duy Hưng. Nơi này vốn trước đây là trụ sở làm việc và là nơi dừng chân của lao động từ khắp nơi được “công ty” XKLĐ của Nguyễn Đức Quyền dồn về trước khi xuất ngoại. Và một phần sự thật về Công ty xuất khẩu lao động thuộc Tổng công ty vận tải biển đã được hé lộ qua câu chuyện về những tháng ngày khổ ải trên đất Singapore.
Kỳ sau: Đi tìm sự thật về công ty XKLĐ
Phúc Hưng