1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ 14 ngư dân mất tích: Người trở về tố bị bóc lột, lừa đảo

(Dân trí) - Sau gần 2 tháng mất tích, một số ngư dân ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu bất ngờ trở về với hai bàn tay trắng.

Sống trong đói khổ, về tay trắng

Mấy ngày qua, xóm ngư phủ ở ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình trở nên ồn ào khi một số ngư dân được cho là mất tích trước đó bất ngờ trở về. Chiều 2/10, PV Dân trí đến nhà ngư dân Phạm Thành Được, bà Trần Thị Thương (61 tuổi, mẹ anh Được) cho biết, con trai bà về nhà lúc 4h sáng ngày 1/10. “Lúc thằng Được nó đi rồi không liên lạc được với nó, tui khóc mấy ngày liền. Cứ tưởng là sẽ không gặp lại con nó nữa, nhưng giờ nó về rồi, cảm ơn trời đất đã cho mẹ con tui được đoàn tụ”, bà Thương nói trong sự vui mừng khôn xiết.

Ngư dân Phạm Thành Được kể lại những ngày lao động cực khổ ở Vũng Tàu.
Ngư dân Phạm Thành Được kể lại những ngày lao động cực khổ ở Vũng Tàu.

Tiếp chuyện phóng viên, tâm trạng anh Phạm Thành Được vẫn còn nhiều hoang mang khi nhớ về những tháng ngày đi tàu cá ở Vũng Tàu. Anh Được kể, khi từ Bạc Liêu ra tới Vũng Tàu, chỉ 2 tiếng đồng hồ sau, anh và một số ngư dân đã được đưa ngay ra tàu cá cách đất liền gần 10km. Tàu của anh Được đi (anh Được cho biết là có chữ BD nhưng không rõ số) có tất cả 10 người do một người tên Ngọc làm tài công.

Trước khi lên tàu, anh và các ngư dân được chủ tàu hứa sẽ mua cho điện thoại để liên lạc với gia đình nhưng cuối cùng là không ai có. Lúc lên tàu, các ngư dân chỉ được mang theo quần áo chứ không được mang thứ gì khác. “Lúc này, anh em chúng tôi biết chắc là mình đã bị lừa nhưng không dám lên tiếng vì chủ tàu đã cho người canh giữ nên khó mà không nghe theo”, anh Được nhớ lại.

Trong quá trình đi tàu, anh Được cho biết, công việc hàng ngày rất cực khổ. Ngoài nhiệm vụ chính là cào cá tôm thì các ngư dân kiêm luôn những công việc khác như nấu ăn, rửa chén, phục vụ dọn dẹp trên tàu. Cực nhất là lúc lưới cào rách, các ngư dân phải thức khuya để vá, nhiều lúc thức cho đến sáng. “Chủ tàu có nói với anh em chúng tôi là làm phục vụ thì sẽ được cho thêm tiền nhưng cuối cùng cũng chẳng thấy đồng nào hết”, anh Được nói. Không chỉ bị bóc lột sức lao động, các ngư dân còn bị chửi bới, dọa dẫm nếu làm điều gì không vừa ý chủ tàu.

Anh Được cho hay, thức ăn và nước uống dưới tàu không nhiều nên phải dùng rất dè sẻn. “Ngư dân tụi tôi khổ lắm. Mì gói để giành ăn sáng thì mấy anh em chủ tàu nó lấy hết, tụi tôi chỉ có thể dằn bụng bằng nước trà, lâu lâu được pha thêm ít đường cầm cự đến chiều mới có cơm ăn”, anh Được kể lại.

Cũng theo anh Được, tàu của anh đi có 9 hầm cá nhưng thường chỉ cào được 3- 4 hầm, mỗi hầm từ 10 đến 12 tấn và chừng hơn 20 ngày là vào bờ. Nhưng chuyến đi vừa rồi chủ tàu không cho vao bờ mà ghé đảo lấy đồ dùng rồi sau đó đi tiếp hơn 20 ngày nữa mới về đất liền. “Lúc tàu vô thì theo tôi biết là kiếm được cả tỷ đồng nhưng chúng tôi mỗi người chỉ được cho 1,5 triệu đồng gọi là tiền lộ phí, còn tiền công thì trắng tay, không được chia gì nữa hết”, anh Được chua xót nói.


(Thực hiện: Huỳnh Hải)

Cùng chung số phận với anh Được là các ngư dân The, Thương, Đá. Hàng xóm cho biết, khi trở về thân thể của anh The có nhiều vết thương. Chị Hà Thị Vương (vợ anh The) chỉ nói vài lời với PV rằng, chồng chị được trở về là mừng lắm rồi.

Các ngư dân Hoàng Văn Nô, Phạm Văn Chính, Dương Văn Toản cũng trở về trước đó nhưng hầu như đều tay trắng. Các ngư dân cho biết, về tới đất liền, trong tay họ không có một đồng, còn chủ tàu thì biến mất. Số tiền công 7 triệu đồng mà họ được hứa trả trước khi đi tàu cũng không thấy.

Trong khi đó, bà Lâm Thị Còn (vợ ông Danh Nhung - người môi giới) cho biết, con trai bà là Danh Hồng Phương vẫn chưa trở về. Theo bà Còn, lúc con trai bà đi, sau 20 ngày tàu có vào bờ một chuyến nhưng sau đó lại đi tiếp cho đến nay vẫn chưa có tung tích gì. "Tôi đang lo lắm, không biết bao giờ mới thấy được mặt nó nữa", bà Còn bùi ngùi.

Bà Lâm Thị Còn lo lắng cho đứa con trai chưa trở về.
Bà Lâm Thị Còn lo lắng cho đứa con trai chưa trở về.

Dấu hiệu một vụ lừa đảo có tổ chức

Theo anh Được, người đàn ông có tên Út Hoàng còn có thêm một cái tên khác nữa là Mười Thẹo. Lúc trước khi ra tàu, anh Được cho biết, anh có nghe được cuộc điện thoại giữa chủ tàu và ông Út Hoàng, trong đó chủ tàu có nói là đã đưa tiền cho ông Út Hoàng, còn đưa bao nhiêu thì anh không rõ.

Cũng theo anh Được, số tiền công 7 triệu đồng mà các ngư dân được hứa trả, lúc ra Vũng Tàu, giữa ông Út Hoàng, ông Danh Nhung và các ngư dân có ký một bản cam kết trả tiền. “Chính tôi ký tên Được để nhận 7 triệu đồng nhờ chuyển về cho gia đình tôi. Tôi cứ tưởng 2 tháng qua, vợ con tôi có đồng vô đồng ra, có ai ngờ đâu lại ra cớ sự này, không biết số tiền đó đi đâu nữa”, anh Được chua xót.

Chia sẻ với PV, anh Được cho biết, khuya 2/10, anh sẽ tiếp tục đi tàu cá ở địa phương để kiếm tiền trả nợ và nuôi vợ con. "Có đứa con trai 7 tuổi vô học rồi mà chưa có tiền lo cho nó nữa, hy vọng lần đi này kiếm được chút đỉnh".

Trong khi đó, theo bà Trần Thị Thương (mẹ anh Được), sau khi tìm hiểu qua nhiều người, bà biết được tung tích của ông Út Hoàng là có nhà ở Sông Đốc, Cà Mau. “Tui có người quen ở dưới đó nên nhờ tìm dùm thì họ nói có nhà ông Út Hoàng, ông này chuyên kêu công đi biển nhưng rất ít khi có mặt ở nhà, việc này tôi thấy rất trùng hợp và có gì đó không được bình thường”, bà Thương nói.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Hồng Khánh - Trưởng Công an xã Vĩnh Thịnh - cho biết, cho đến nay chỉ có ngư dân Dương Văn Toản về là có trình báo với địa phương, còn những ngư dân khác không báo cáo gì. “Trong vụ việc này, một số ngư dân trong 14 người đã trở về thì sự việc cũng không quá phức tạp vì trước mắt là không có chuyện mất tích”, ông Khánh nhận định.

Cũng theo ông Khánh, việc tiền bạc giữa ông Danh Nhung và ông Út Hoàng, do không gặp được ông Út Hoàng mà chỉ có số điện thoại không liên lạc được nên cũng chưa xác định được gì.

                                                                                                Huỳnh Hải