Voi rừng Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng
Voi rừng nước ta chủ yếu tập trung ở phía Nam Trường Sơn, tỉnh Đăk Lăk, song đến nay chúng đang dần vắng bóng. Năm 1975, Đăk Lăk có khoảng 400 con voi rừng và voi nhà, thì cuối năm nay chỉ còn trên dưới 60 con.
Voi Việt Nam thuộc loài voi châu Á, chỉ có voi đực có ngà và không cao to như voi châu Phi. Động vật quý hiếm này được ghi trong Sách đỏ thế giới và Sách đỏ Việt Nam năm 1992 ở cấp độ bảo vệ cao nhất.
Chúng sinh sống chủ yếu ở cao nguyên Đăk Lăk, tại vùng rừng nguyên sinh dọc dãy núi lớn Chư Yang Sin (huyện Lăk và Krông Bông) và vùng rừng trải dài từ huyện Ea Súp đến Buôn Đôn giáp biên giới Campuchia, thuộc Vườn quốc gia Yôk Đôn.
Đăk Lăk cũng là nơi nổi tiếng từ lâu đời với địa danh Bản Đôn của đồng bào M'Nông - Lào chuyên săn bắt và thuần dưỡng voi. Nơi đây từng có nhiều người chuyên săn bắt voi rừng và 2 người được vinh danh là vua voi, như Ama Thu, Ama Kông đã săn bắt hàng trăm con voi từ rừng núi Yôk Đôn bên kia dòng sông lớn Sêrêpôk.
Để bảo tồn loài voi quý hiếm của núi rừng Tây Nguyên - Việt Nam, từ vài năm trước, Nhà nước đã không cho phép săn bắt voi rừng. Trong cuộc sống mới có sự giao lưu rộng hơn, chính đồng bào bản địa cũng giảm bớt nhu cầu thuần hóa và dùng voi vận chuyển hằng ngày, từ bỏ truyền thống săn bắt voi. Tuy nhiên, hiện tượng săn voi trộm vẫn diễn ra cùng việc thu hẹp nơi cư trú tự nhiên của chúng, khiến số lượng loài vật quý hiếm này giảm rõ rệt qua từng năm.
Năm 1997, cả tỉnh Đăk Lăk còn 115 voi nhà, voi rừng lại càng ít hơn, chỉ trên dưới 30 con. Vùng rừng núi lớn Chư Yang Sin hầu như không còn thấy dấu vết hiện diện của voi rừng nữa. Đến năm 2000, voi nhà giảm xuống còn 84 con và năm 2004, chỉ còn 62. Cùng thời gian này, voi rừng suy giảm chỉ còn khoảng 10-15 con, xê dịch qua lại không an toàn quanh khu vực rừng đã thưa thớt dần dọc biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc các huyện Ea Súp, Buôn Đôn và các huyện Chư Jút, Đắk Mil của tỉnh mới Đắk Nông.
Đến cuối năm 2005, đàn voi của tỉnh Đăk Lăk chỉ còn không quá 50 con voi nhà, đồng thời voi rừng còn ít ỏi quá, nhất là voi đực có ngà đang bị những họng súng đêm ngày rập rình săn bắn.
Nhiều biện pháp bảo vệ và bảo tồn voi nghiêm ngặt được đưa ra từ đầu năm 1992, trong đó có Chỉ thị cấp bách của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm, Chương trình hành động bảo tồn voi do Tổ chức quốc tế FFI, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai, Hội thảo bảo tồn voi châu Á tại Đông Dương, tạo sinh cảnh sống cho voi rừng tại Vườn quốc gia Yôk Đôn, ban hành nhiều văn bản cấm săn voi.
Song nguy cơ vắng bóng hoàn toàn loài voi trên cao nguyên này vào những năm tới đã hiện rõ. Các chuyên gia cho biết nếu không có những biện pháp bảo tồn và phát triển rừng tự nhiên, trả lại môi trường sống thích nghi yên lành và đầy đủ cho loài voi, thì chúng khó có cơ phục hồi, sinh sản.
Theo Thanh Niên