Đắk Lắk:
Voi hoang dã “gầm rú” kêu cứu giữa đại ngàn
(Dân trí) - “Tốc độ mất rừng tăng cấp số nhân với sự suy giảm của đàn voi rừng. Cộng với việc săn bắn của nhóm người xấu, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, nguy cơ voi rừng Đắk Lắk trong tương lai sẽ không còn…” - PGS.TS Bảo Huy - Trường ĐH Tây Nguyên - nhận định.
Theo kết quả khảo sát và kiểm định thống kê sinh học của nhóm tác giả nghiên cứu Trường ĐH Tây Nguyên, năm 2009, số lượng voi hoang dã tại Đắk Lắk có khoảng 80-110 cá thể đang sinh sống. Phạm vi phân bố gồm: huyện Buôn Đôn (VQG Yok Đôn, Ban quản lý phòng hộ Buôn Đôn); huyện Ea Súp (Ya Lốp, Ea H’Mơ); huyện Ea H’Leo (Chư Păh).
Tuy nhiên, trong những năm qua, số lượng voi hoang dã tại Đắk Lắk sụt giảm báo động khi năm nào tỉnh này cũng có trung bình 2 - 3 con voi rừng chết. Đặc biệt, 8 tháng đầu năm 2012, có gần 10 con voi rừng chết khiến các nhà chuyên môn cũng như dư luận cả nước không khỏi bàng hoàng.
Theo PGS.TS Bảo Huy - Khoa Nông lâm nghiệp - Trường ĐH Tây Nguyên - người có nhiều năm nghiên cứu về voi tại Đắk Lắk, yếu tố khiến voi hoang dã Đắk Lắk sụt giảm báo động trong những năm qua là do không bảo vệ được sinh cảnh cư trú của voi. Về điều này, PGS.TS Bảo Huy cho rằng trong quá trình phát triển kinh tế, con người hoàn toàn không có sự tính toán cân bằng giữa phát triển kinh tế và sự bền vững đa dạng sinh học. Cụ thể, những khu rừng khộp có voi sinh sống được chuyển đổi chóng mặt sang trồng điều, trồng keo, trồng cao su… khiến sinh cảnh voi bị thu hẹp, voi mất nơi cư trú, nguy cơ voi bị xâm hại hiện hữu.
Từ yếu tố đó, PGS. TS Bảo Huy nêu bản chất việc voi chết là do không có quy hoạch khu bảo tồn voi tự nhiên, do đó, theo PGS. TS Bảo Huy, việc làm ngay lúc là tiến hành quy hoạch ngay khu bảo tồn voi tự nhiên, bên cạnh khu vực VQG Yok Đôn, khu ngoài VQG Yok Đôn gồm các vùng: Ya Lốp, Ea H’Mơ - phía Bắc huyện Ea Súp - hành lang nối với VQG Yok Đôn; một phần xã Ea Bung (huyện Ea Súp) giáp với VQG Yok Đôn cũng cần được quy hoạch.
“Tốc độ mất rừng cấp số nhân với với sự suy giảm của đàn voi rừng tại Đắk Lắk, cộng với nạn săn bắn của một nhóm người xấu, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời nguy cơ voi rừng Đắk Lắk trong tương lai sẽ không còn. Hoặc voi sẽ tìm nơi cư trú khác, di chuyển sang các nước bạn như Lào, Campuchia… hoặc xảy ra xung đột, mâu thuẫn giữa voi - người khu vực Ea Súp càng gay gắt”, PGS. TS Bảo Huy dự báo.
Nói về vấn đề này, ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung bảo tồn voi Đắk Lắk - cũng nhìn nhận rằng việc săn bắn voi trong thời gian qua là hệ quả của việc diện tích sinh cảnh của voi bị thu hẹp. Vị Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã có đề nghị trong quá trình quy hoạch, phát triển KT-XH tại Ea Súp, chính quyền địa phương cần chú trọng đến sinh cảnh cho đàn voi hoang dã phát triển.
Để bảo tồn voi hoang dã, bên cạnh quy hoạch khu bảo tồn voi tự nhiên, một việc khác vô cùng quan trọng là ngăn chặn quyết liệt nạn săn bắn. Về vấn đề này, theo ông Trần Văn Thành - quyền Giám đốc VQG Yok Đôn - cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Cần thiết hỗ trợ, tạo công ăn việc làm nâng cao đời sống cho người dân thì đó mới là việc bảo vệ cơ bản, bền vững.
“Tôi nghĩ rằng, hiện nay việc xử lý vi phạm lâm luật ở nước ta chưa thực sự đủ sức răn đe, chưa mang tính khả thi cao. Hiện nay tất cả động vật rừng ở nước ta đều quý hiếm chứ không phải một số con quy định trong sách đỏ của nghị định 32. Theo tôi nghĩ, nếu người dân vào rừng săn bắn thú rừng nghĩa là đã đủ yếu tố khởi tố vụ án, người dân vào rừng cưa gỗ không nên phải đủ số lượng, khối lượng mới có thể xử lý. Ngoài việc phạt bằng tiền nên có cách xử lý khác như lao động công ích bởi người vi phạm phần lớn là người dân nghèo, trong khi mức vi phạm của họ chưa đủ để khởi tố…”, ông Thành nói.
Trước nguy cơ đàn voi rừng ở Đắk Lắk bị “tuyệt chủng”, năm 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Dự án Bảo tồn Voi tại Đắk Lắk giai đoạn 2010-2015 với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng. Dự án hướng đến việc quản lý bền vững quần thể voi hoang dã, phát triển đàn voi nhà, bảo tồn bản sắc văn hoá bản địa, tuyên truyền giáo dục về môi trường sinh thái. Từ đó đến nay, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk “tuổi đời quá trẻ”, nguồn nhân lực chưa có chuyên môn cao, cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có quỹ đất xây dựng trung tâm…
Trong khi công tác bảo tồn voi đang “ngổn ngang trăm thứ”, thì những con voi rừng ít ỏi còn lại cuối cùng tại Đắk Lắk vẫn thường xuyên bị săn bắn, giết hại tàn nhẫn để lấy ngà, răng, lông đuôi… khiến voi hoang dã tại tỉnh này đang “gầm rú” kêu cứu giữa đại ngàn.
Viết Hảo