Đắk Lắk:
Quần thể voi rừng VQG Yok Đôn sẽ không còn bền vững
(Dân trí) - “Sự việc hai con voi rừng mới chết tại tiểu khu 257 là rất nghiêm trọng. Trong đó có con voi đực trưởng thành duy nhất còn lại trong đàn. Cấu trúc quần thể voi tại VQG Yok Đôn sẽ không còn bền vững...”.
Toàn cảnh hiện trường 2 con voi rừng chết tại tiểu khu 257 - VQG Yok Đôn.
Xin ông cho biết sau khi phát hiện 2 con voi rừng chết tại tiểu khu 257 - VQG Yok Đôn, Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk đã có những việc làm cụ thể nào?
Sau khi nhận được thông tin 2 con voi rừng chết tại tại tiểu khu 257 - VQG Yok Đôn, Trung tâm đã cử cán bộ vào hiện trường xác minh thực tế nguồn thông tin. Thực tế kiểm chứng có 2 con voi rừng bị chết như nguồn tin thông báo. Vị trí phát hiện 2 con voi chết tại khoảnh 7 - tiểu khu 257 - trạm kiểm lâm số 11 - thuộc VQG Yok Đôn. Cụ thể, 2 con voi rừng gồm một đực và một cái tuổi trưởng thành khoảng từ 22 đến 25 năm tuổi. Tại hiện trường chúng tôi đo đạc voi đực có kích thước chiều dài thân 3,7m; chiều cao vai 2,5m; đầu bị đục tung để lấy ngà, hàm, vòi bị cắt rời. Voi cái có kích thước chiều dài thân 3,2m; chiều cao vai 2,42m; thân thể còn nguyên vẹn.
Bước đầu khẳng định nguyên nhân voi chết do tác động từ bên ngoài, không phải chết tự nhiên. Ngay sau đó chúng tôi đã báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng tiến hành giám định hiện trường, điều tra nguyên nhân voi chết.
Theo nhận định của chúng tôi, đàn voi có 2 con voi chết thường xuyên xuất hiện tại VQG Yok Đôn. Đầu tháng 8 chúng tôi đã giám sát và đếm được 29 con, trong đó có một con voi đực có ngà. Từ giữa tháng 7, đầu tháng 8, đàn voi này thường tập trung tại tiểu khu 257 - VQG Yok Đôn để ban đêm tiến ra vùng đệm các tiểu khu 439, 444 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn tìm kiếm thức ăn. Sau khi phát hiện, chúng tôi đã có văn bản gửi 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp để phối hợp bảo vệ đàn voi này.
Theo nhận định, 2 con voi rừng chết phát hiện ngày 25/8 tại tiểu khu 257 và trước đó tháng 3/2012 tại xã Ea Bung (Ea Súp) con voi đực bị chết tại tiểu khu 238 là cùng một đàn. Trong 8 tháng đầu năm 2012, tại Đắk Lắk có 5 con voi rừng bị chết, trong đó có 3 con trưởng thành chết do bị giết và 2 con voi con chết chưa rõ nguyên nhân. Đặc biệt, 2 con voi rừng chết tại tiểu khu 257 rất nghiêm trọng. Trong đó có con voi đực trưởng thành duy nhất còn lại trong đàn, bởi thế cấu trúc quần thể voi tại VQG Yok Đôn sẽ không còn bền vững.
Hiện nay đàn voi này đang trong tình trạng hoản loạn, vô cùng hung dữ do bị xua đuổi, nếu không giám sát, tuyên truyền, điều tra nguyên nhân tìm ra thủ phạm xử lý trước pháp luật thì trong tương lai sẽ còn nhiều vụ việc tương tự và xung đột giữa voi - người sẽ ngày càng nghiêm trọng tại khu vực Ea Súp.
Theo ông Huỳnh Trung Luân, việc con voi đực trưởng thành duy nhất trong đàn bị chết sẽ khiến cấu trúc quần thể voi tại VQG Yok Đôn không còn bền vững.
Qua vụ việc 2 con voi rừng bị chết tại tiểu khu 257 - VQG Yok Đôn, ông nhận thấy điều kiện sống của voi hoang dã đang bị đe dọa như thế nào?
Trong quá trình phát triển KT-XH, một số diện tích rừng và sinh cảnh được chuyển qua phục vụ phát triển quốc phòng an ninh, phục vụ phát triển cây công nghiệp, làm gián đoạn hành lang di chuyển của voi, tạo ra những quần thể voi nhỏ, khi đó sự giao lưu, trao đổi giữa các đàn voi bị hạn chế. Đó cũng là nguy cơ làm cho đàn voi ngày càng mong manh. Bởi khi sinh cảnh bị thu hẹp, rừng bị nghèo đi, đàn voi ngày càng tiếp cận dần với khu dân cư. Do đó, một số đối tượng dễ dàng tiếp cận voi thực hiện hành vi giết hại để lấy ngà, răng... phục vụ mục đích cá nhân. Qua đó cũng thấy rằng, việc săn bắn voi trong thời gian qua cũng là hệ quả của việc diện tích sinh cảnh của voi bị thu hẹp.
Cho nên trong tương lai, nhiệm vụ đầu tiên phải bảo vệ được sinh cảnh và hành lang di chuyển của voi hoang dã. Việc này, về phía cơ quan chuyên môn, chúng tôi đã đề nghị trong quá trình quy hoạch, phát triển KT-XH tại Ea Súp nên chú trọng đến sinh cảnh để cho đàn voi hoang dã tại Ea Súp phát triển.
Theo cơ quan chức năng, bước đầu khẳng định nguyên nhân voi chết do tác động từ bên ngoài, không phải chết tự nhiên.
Ông có thể cho biết về quy luật di trú của đàn voi rừng tại Đắk Lắk?
Theo quy luật, trong các tháng mùa khô, voi rừng thường tập trung đầu nguồn các con sông, con suối nằm sâu trong vùng lõi VQG Yok Đôn. Thời điểm này đầu nguồn có nước, các vùng sình lầy có thức ăn phong phú để voi sinh sống. Thời gian này kéo dài đến giữa năm, tập trung vào các tháng 7, 8, 9 - là thời gian thu hoạch hoa màu của bà con canh tác tại các vùng rừng đệm - voi kéo về tìm kiếm thức ăn. Sau đó, đàn voi di chuyển dần lên các vùng Ea H’leo, đến đầu mùa mưa lại quay trở lại VQG Yok Đôn.
Tại Đắk Lắk, theo thống kê sơ bộ của Trung tâm, có khoảng 3 đàn voi rừng, dao động từ 80 đến 110 cá thể. Voi rừng sống chủ yếu dọc theo các khu vực Ea Súp, VQG Yok Đôn, Ea Hleo.
Xin ông cho biết những công tác bảo tồn voi của Trung tâm từ khi thành lập đến nay?
Từ khi thành lập đến nay đã được một năm, chúng tôi đã bắt tay ngay vào việc theo dõi, giám sát, thống kê đàn voi hoang dã ở Đắk Lắk để từ đó có kế hoạch cụ thể hướng đến việc bảo tồn.
Đối với đàn voi nhà, chúng tôi tổ chức việc thăm khám, lấy số liệu cụ thể về từng con voi như: tình hình sức khỏe, như cầu ăn uống, chăm sóc y tế… Tham mưu cho Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành chính sách bảo tồn voi ở Đắk Lắk. Hiện chúng tôi đã dự thảo xong và đã trình UBND tỉnh Đắk Lắk. Nội dung chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: bảo vệ sinh cảnh của voi hoang dã; vấn đề sinh sản cho voi; vấn đề về một số khu chăn thả; hành lang di chuyển của voi hoang dã...
Xin chân thành cảm ơn ông!
Viết Hảo (thực hiện)