Kon Tum:
Vô tư đốt, phá rừng ngay cạnh biển cấm
(Dân trí) - Mặc dù nhiều diện tích rừng nằm ngay cạnh đường lớn, có điểm nằm cạnh biển cấm đốt, phá rừng, nhưng nhiều nơi ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) rừng vẫn bị đốt, phá với quy mô lớn trước sự thờ ơ của các cơ quan chức năng.
Điều đáng nói, những diện tích rừng bị đốt, phá không phải nằm ở nơi xa xôi, khó phát hiện… mà nằm ngay cạnh các đường giao thông lớn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc 2 bên đường lớn đi qua các xã như Đăk Trăm, Văn Xuôi, đặc biệt là Ngọc Yêu… của huyện Tu Mơ Rông, những khoảnh rừng còn sót lại cây to bị chặt phá, xẻ thành gỗ; những cây gỗ nhỏ hơn thì bị đốt cháy nằm ngổn ngang không thương xót.
Tại xã Ngọc Yêu, bước vào cửa rừng do xã quản lý, đập vào mắt chúng tôi là một tấm biển lớn nằm ngay bên đường của Ban quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông, với nội dung “nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng”. Nhưng cách tấm biển này chưa đầy 10m là cảnh rừng bị tàn phá không thương tiếc. Tất cả cây rừng từ nhỏ đến lớn đều bị đốt phá trơ gốc, thân cây cháy không hết nằm ngổn ngang dưới đất.
Từ tấm biển “cấm” trên, đi dọc vào tuyến đường Ngọc Hoàng đang thi công đâm xuyên qua rừng phòng hộ Tu Mơ Rông, tình trạng phá rừng diễn ra tràn lan. Con đường được thiết kế từ xã Ngọc Yêu đâm qua rừng phòng hộ đến xã Măng Bút (huyện Kon Plong) mới thi công được vài km nhưng đã có nhiều cây gỗ bị chặt phá, cưa xẻ thành từng phách nằm cạnh đường giao thông.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Duy Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu cho biết, tổng diện tích rừng nằm trên địa bàn xã Ngọc Yêu là 8.000ha, UBND xã quản lý 1.000ha còn lại 7.000ha do Ban quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông quản lý. Việc rừng bị “xẻ thịt” ở khu vực trên ông sẽ cho kiểm tra lại và báo cáo sau.
Còn ông A Đua- Bí thư Đảng ủy xã cho biết, có biết việc phá rừng trên, nhưng đây là dân phá rừng để lấy gỗ làm nhà và cũng có thể là khu vực trên thuộc rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông.
Còn việc nhiều diện tích rừng bị đốt trọc trụi thì được 2 cán bộ xã giải thích, bà con nơi đây có tập tục du canh, sau khi làm rẫy ở khu vực này được vài ba năm, bà con sẽ bỏ đám rẫy đó đi để tìm đám rẫy khác. Khu vực rừng bị đốt phá thực chất là rẫy của người dân họ đã bỏ trước đó 3, 4 năm và bây giờ họ quay lại phát đốt, phát cây để làm rẫy chứ không phải là rừng (?!).
Ông Lê Viết Bảy- Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông khẳng định, khu vực rừng bị đốt, chặt phá không thuộc lâm phần đơn vị quản lý. Còn khu vực rừng được Ban quản lý thì theo báo cáo của cán bộ, nhân viên trong Ban là rừng không hề bị chặt phá.
Những người được nhà nước trả lương để giữ rừng vẫn thờ ơ trước "số phận" của những cánh rừng. Vậy ai sẽ cứu rừng đây?
Thiên Thư