1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vợ ở xa, Hoàng Sa ở gần

Vừa gặp vợ con, người yêu từ quê xa lặn lội đến thăm sau nhiều ngày xa cách, thì đột ngột có lệnh lên tàu. Thế là chạy một mạch về tàu, “vứt” lại vợ con, người yêu ngơ ngác giữa nơi xa lạ, dù khi đó đang giữa phố đêm rộn ràng ánh điện, giữa siêu thị với trò chơi cậu con trai đang chơi dở dang, hay buổi trưa với bạn gái trên đường phố xanh ngắt hàng cây. Những cuộc gặp gỡ, chia tay “không giống ai” nhiều màu sắc giữa thời bình như vậy đang diễn ra với những người lính Hoàng Sa …

Vợ ở xa, Hoàng Sa ở gần

Đôi bạn chiến đấu – Chính trị viên Hoàng Văn Thường (đội mũ) và Máy trưởng Nguyễn Văn Dũng - làm nhiệm vụ trên tàu CSB 4033 ở Hoàng Sa. Ảnh: Trần Tuấn

Hôm ấy, thấy tôi chuẩn bị chuyển sang tàu khác, Hoàng Phương Khánh, 28 tuổi, với mái tóc cua rắn chắc, nhân viên máy tàu, phụ trách xuồng máy của tàu CSB 4033 bấm nhỏ: “Khi nào về đất liền, nhờ anh gọi cho vợ em là Trần Thị Hiền Lương, nói rằng Ba Gấu vẫn khỏe. Để mẹ con nó yên tâm”.

Khánh quê thị trấn Quán Hàu, Quảng Ninh (Quảng Bình), ở nhờ nhà vợ tiểu khu 5 phường Bắc Lý, TP Đồng Hới. Vợ Khánh làm ban Văn xã của phường Bắc Lý, vừa lấy thêm bằng ĐH Luật. Cháu Hoàng Minh Khương, sinh năm 2012, ở nhà vẫn gọi là cu Gấu ngày mới chào đời, đã bị xuất huyết màng não. Từ Bệnh viện Cu Ba ở Đồng Hới, bé được chuyển vào Bệnh viện T.Ư Huế. May, cu Gấu đã phục hồi trở lại bình thường.

Rồi run rủi sao đó, giữa Hoàng Sa, dăm ngày sau, tôi lại được trở về tàu CSB 4033 thêm lần nữa. Lần trước ở mấy ngày. Còn lần này chỉ dừng chân mấy tiếng đồng hồ đợi hạ xuồng qua CSB 2013 để về đất liền. Gặp lại những gương mặt thân quen, thuyền trưởng Thành, chính trị viên Thường, máy trưởng Dũng, rồi những Khánh, Hưng, Tiệp…Ai nấy mừng mừng. Bùi ngùi đến lạ, như xa từ lâu lắm.

Gia đình nhỏ của CSB Hoàng Phương Khánh. Ảnh: Tư liệu gia
đình

Gia đình nhỏ của CSB Hoàng Phương Khánh. Ảnh: Tư liệu gia đình

Nhớ lần trước, tôi bảo Khánh lấy điện thoại vệ tinh của tôi mà gọi về cho gia đình, vợ con. Cu cậu mừng quýnh. Alô, alồ chập chờn mãi, cũng gặp được mẹ và vợ. Anh khăng khăng giục mẹ đi khám bệnh, rồi bắt vợ phải chở mẹ đi khám, mặc kệ bà “chống cự”. “Khổ, bà sợ con cái tốn tiền anh ạ, cứ chịu đau một mình”, anh nói.

Dịp lễ 30/4 vừa rồi, sau mấy tháng trời lênh đênh làm nhiệm vụ bảo vệ tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 cũng tại Hoàng Sa, tàu CSB 4033 về lại Đà Nẵng. Ai nấy hí hửng điện cho vợ con từ Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình vào chơi. Tưởng được cùng gia đình xả hơi mấy ngày. Một rưỡi chiều 30/4, vợ con Khánh vừa từ Quảng Bình đi xe vào đến Đà Nẵng, gặp nhau chưa kịp nắm tay thì đã có lệnh gọi về tàu cắm trại. Thế là bỏ vợ con lại giữa đường, anh tất tả chạy về đơn vị.

Tối ấy, thủ trưởng “chiếu cố” cho Khánh chạy ra thăm vợ con. Chỉ kịp dẫn hai mẹ con ra đường Bạch Đằng ăn que kem. Sáng ngày Quốc tế lao động, lại được phép tranh thủ chạy ra ngoài. Cả nhà vào siêu thị, cu Gấu đang chơi dở mấy trò chơi, thì điện thoại của bố nó lại réo. Về tàu! Lần này thì về hẳn. Sáng mai đơn vị nhận nhiệm vụ đặc biệt. Sau mới biết là ra Hoàng Sa đẩy đuổi giàn khoan 981 của Trung Quốc. Khánh kể: Em ứa nước mắt khi hình dung cảnh mẹ con nó lủi thủi giữa chốn xa lạ, bắt taxi về khách sạn dọn đồ rồi đưa nhau về quê…

Một lần hiếm
hoi Hoàng Phương Khánh được gọi điện về gia đình từ Hoàng Sa. Ảnh: Trần Tuấn

Một lần hiếm hoi Hoàng Phương Khánh được gọi điện về gia đình từ Hoàng Sa. Ảnh: Trần Tuấn

Trung úy Hoàng Văn Thường, 28 tuổi, tàu CSB 4033 là người ghi lại những hình ảnh đầu tiên các tàu Trung Quốc hung hãn đâm húc, phun vòi rồng vào các tàu của Việt Nam. Những thước phim được công bố tại cuộc họp báo quốc tế đầu tiên của Bộ Ngoại giao, người dân cả nước và thế giới sững sờ trước sự bạo ngược của Trung Quốc. Dịp 30/4, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ tàu Bình Minh 02 về, Thường điện bảo cô người yêu Nguyễn Thị Hồng Luyến - sinh viên ĐH Luật Huế - vào Đà Nẵng chơi. Thế rồi cũng như vợ con Khánh, Luyến bị “bỏ rơi” nơi đất lạ. Khi ra Hoàng Sa, chàng chỉ dám nói là tàu nhận “nhiệm vụ đặc biệt”.

Sau chuyến đầu tiên trở về từ Hoàng Sa, tàu có tới 7 chiến sĩ bị sốt siêu vi, riêng Thường sốt trên 40 độ. Nằm ở Viện Quân y 17 (Đà Nẵng) mấy ngày. Luyến tất tả vào chăm sóc, cũng chỉ quanh quẩn bên giường bệnh. Được 3 ngày, vừa đỡ sốt, dù bác sĩ không đồng ý, Thường nằng nặc viết giấy cam đoan xin ra viện để trở lại tàu. Đêm ấy, tàu lại nhổ neo…

Sáng 19/6, tàu cập cảng Đà Nẵng để sửa chữa, thì buổi trưa Thường được phép nhảy xe ra Huế thăm Luyến. Hôm còn ngoài biển, Thường cứ thủ thỉ với tôi, rằng ngày 19/6 tới đây Luyến sẽ nhận bằng tốt nghiệp. Thủ khoa, bằng xuất sắc hẳn hoi. Cô nói: “Người em muốn nhận lời chúc mừng đầu tiên là anh. Nhiều sự kiện quan trọng khác của em anh đã không có mặt, em chỉ ước được gặp anh đúng ngày hôm ấy…”. Cả tôi và Thường cùng im lặng, nhìn xuống mặt biển đậm đen đang cuộn sóng. Trong tình huống này, ước muốn đó là xa vời. Thế nhưng, như có phép màu, tàu lại về đúng dịp. Có điều ra tới Huế, lễ nhận bằng tốt nghiệp vừa kết thúc trước đó mấy tiếng. Tranh thủ bên nhau ít tiếng đồng hồ trên đường phố Huế rợp cây xanh, chiều tối đã lại nhảy xe về lại tàu.

Gặp Luyến ôm hồ sơ vào Đà Nẵng xin việc. Bằng tốt nghiệp xuất sắc thuộc diện được giữ lại trường, nhưng Luyến bảo em phải vào đây, làm việc gì cũng được, để được gần anh ấy hơn. Nhàn, vợ chưa cưới của máy trưởng Nguyễn Văn Dũng mấy hôm nữa cũng vào Đà Nẵng nhận việc ở Tổng Cty công trình giao thông 5. Quyết định đã ký rồi. Hôm ấy may mắn nhờ sự mau mắn của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong chuyến ông đi công tác Đà Nẵng mà tôi đã kể trong bài trước. Ông Bộ trưởng này đến lạ, chuyện “cỏn con” gặp giữa đường ấy mà vẫn chu đáo lưu tâm đến cùng. Mấy hôm sau về Hà Nội rồi, ông còn nhắn tôi nếu có gì trục trặc thì gửi hồ sơ của Nhàn ra cho ông...

Dũng và Thường cùng là sĩ quan một tàu, nên Nhàn và Luyến trở thành chị em thân thiết. Những lần tàu vào bờ, hai chị em từ quê vào thăm người yêu, nhưng thời gian chủ yếu vẫn cách các chàng trai một bờ sông, bến cảng... Phút chia tay không có cảnh lãng mạn cùng dạo bước “biển một bên và em một bên”. Hoàng Sa những ngày này nhiều gió, mà bến cảng Đà Nẵng gió cũng dàn dạt không nguôi. Đón những con tàu thương tích về dưỡng thương, để rồi ngay ngày mai lại bùi ngùi vẫy tay nhau lên đường.

Tôi nhớ máy trưởng Trịnh Văn Duy của tàu CSB 4032. Nhớ buổi trưa Hoàng Sa, chàng trai quê Thái Bình ấy lụi hụi đội nắng tiếp dầu cho xuồng máy để chuẩn bị đưa mấy nhà báo chúng tôi sang tàu 4033. Hằng - vợ Duy, cô cựu sinh viên Đại học Duy Tân vừa ra trường, chưa có việc làm, nhà cũng đang ở Đà Nẵng, mà vợ chồng cứ biền biệt. Cưới nhau tháng 10 năm ngoái, nhưng thời gian vợ chồng bên nhau cho đến giờ cộng lại chỉ được chừng 3 tháng.

Hằng vượt cạn sinh đứa con đầu lòng phải mổ, từ 30/5, Duy chưa hề thấy mặt con. Lại nhớ chàng trai Thanh Hoá – pháo thủ Nguyễn Xuân Hưng. Vợ ở Hải Phòng, bị hư thai đứa con đầu khi anh đang làm nhiệm vụ bảo vệ tàu Bình Minh 02. Phải đến 127 ngày sau, khi kết thúc đợt công tác, về đến bờ anh mới hay tin dữ. Rồi tiếp tục ra Hoàng Sa, biền biệt. Hôm cánh nhà báo chúng tôi từ đất liền theo tàu CSB 2016 ra thực địa, khi chuẩn bị xuống xuồng máy để chuyển sang tàu 4033, một người lính trên tàu vội nhờ chúng tôi sang bên ấy tìm gặp người tên Hưng, để báo cho anh biết ở nhà vợ anh đã sinh con trai, nặng 3,1 ký. Người lính nhờ chuyển tin ấy là Hoàng Văn Sáu, cũng chính là anh ruột của Tuyết - vợ Hưng!

… Về đất liền, tôi gọi điện cho Hiền Lương – vợ Khánh, báo tin rằng ba Gấu vẫn khỏe. Rồi lẩn mẩn vào facebook của hai người. Sống mũi chợt cay xè khi đọc những dòng Khánh viết vội cho con trai trong một lần tàu cập cảng: “Cu Gấu ơi, nghe con nói qua điện thoại “Ba ơi, em nhớ ba” mà ba vừa vui lại vừa buồn con à. Nghĩ mà thương Gấu vô cùng. Gấu của ba đau mấy ngày rồi, ba ở xa lo lắm. Thương con đau ốm mà không có ba chăm sóc, ba chỉ biết mong sao cho con trai ba nhanh khỏe để ba yên tâm làm nhiệm vụ con nghe…”.

Những status gửi lời thương yêu cho vợ con của người lính biển Hoàng Phương Khánh, cũng là con trai của một người lính Hải quân ấy, cứ cách quãng, vài ba tháng mới xuất hiện một lần…

Theo Trần Tuấn
Tiền Phong