1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Dương:

Vợ nạn nhân chết thảm vì bị làm ngơ: "Tôi đau lắm nhưng trách ai bây giờ!"

Trung Kiên

(Dân trí) - "Xem đoạn clip chồng tôi bị tai nạn ngã xuống đường, lúc đó có 4-5 xe máy đi qua thấy anh ấy nhưng mọi người không dừng lại cứu giúp. Tôi đau lắm nhưng trách ai bây giờ", vợ nạn nhân nghẹn ngào.

Vợ nạn nhân chết thảm vì bị làm ngơ: Tôi đau lắm nhưng trách ai bây giờ! - 1

Lực lượng CSGT khám nghệm hiện trường xảy ra vào đêm 11/12 khiến anh P. tử vong.

Sáng 16/12, chị Trương Thị Nhi (ngụ xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) cho biết gia đình đã lo xong hậu sự cho anh P.H.P. (chồng chị Nhi). Mấy ngày qua, chị Nhi cố nén đau thương để lo việc gia đình cho trọn vẹn.

Nhắc đến cái chết thương tâm của chồng, chị Nhi bật khóc: "Xem đoạn clip chồng tôi bị tai nạn ngã xuống đường, lúc đó có 4-5 xe máy đi qua thấy anh ấy nhưng mọi người không dừng lại. Tôi đau đớn quá vì không ai cứu giúp chồng mình đang nằm giữa đường cả".

Chị Nhi kể: "Đêm 11/12 anh P. điều khiển xe máy đi chơi với bạn, hơn 21h thì tôi được người dân gọi báo chồng mình bị tai nạn trên đường ĐT 741, đoạn qua xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo nên lập tức chạy ra. Đến nơi, tôi thấy người dân tập trung rất đông, tôi nghĩ chồng chắc bị tai nạn nặng lắm chứ không nghĩ anh ấy chết rồi".

"Nếu được giúp sau khi tự ngã, chắc chồng tôi sẽ không bị xe khách cuốn vào gầm rồi ra đi bỏ lại vợ con như vậy. Tôi đau lắm nhưng không biết trách ai bây giờ", chị Nhi nghẹn ngào.

Theo chị Nhi, anh P. là lao động chính trong gia đình, anh làm thợ mộc, lương tháng gần 20 triệu nên đủ lo cho gia đình. Thường ngày, anh P. rất quan tâm vợ con, sống hòa nhã với hàng xóm nên ai cũng quý mến. Vợ chồng anh P. có 2 con gái, tuy nhiên bé lớn 8 tuổi sức khỏe không tốt, còn đứa nhỏ mới 3 tuổi.

"Ngoài việc lo cho gia đình, chồng con thì tôi có làm thêm tiệm tóc nhưng chỉ đủ tiền chợ, giờ anh P. ra đi tôi phải gồng gánh, khó khăn chồng chất", chị Nhi chia sẻ.

Về chiếc xe khách cuốn anh P. vào gầm, chị Nhi cho biết, đây là xe đời mới, đèn rất sáng nhưng không hiểu sao tài xế lại không quan sát thấy anh P. nằm giữa đường. Sau vụ tai nạn, phía công ty xe khách đã đến nhà thăm hỏi gia đình và chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng. 

Sau khi anh P. tử vong, chị Nhi đã đăng tâm trạng lên mạng xã hội khiến nhiều người xúc động với nội dung: "Đau em rất đau, nhớ em rất nhớ, anh yên nghỉ nhé anh, vĩnh biệt anh mãi mãi...".

Vợ nạn nhân chết thảm vì bị làm ngơ: Tôi đau lắm nhưng trách ai bây giờ! - 2
Anh P. nằm quằn quại trên đường, dù có nhiều người đi ngang phát hiện nhưng không ai dừng lại hỗ trợ nạn nhân.

Như Dân trí đưa tin, khoảng 21h11 đêm 11/12, anh P.H.P. điều khiển xe máy lưu thông trên đường ĐT 741, khi đến trước một cây xăng ở ấp Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Hòa) thì tự ngã. Anh P. nằm quằn quại trên mặt đường không thể ngồi dậy, chiếc xe máy trượt về phía trước khoảng 5m.

Sau sự cố, có khoảng 4 - 5 chiếc xe máy đi ngang qua vị trí nạn nhân gặp nạn nhưng tất cả chỉ nhìn lướt qua rồi "làm ngơ" bỏ đi. Sau đó không lâu, một chiếc xe khách chạy đến không phát hiện anh P. dưới đường nên đã tông trúng anh P., kéo đi hơn chục mét làm nạn nhân tử vong tại chỗ.

Diễn biến vụ việc đã được camera của cây xăng ghi lại, sau đó đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội khiến dư luận xôn xao về sự vô cảm giữa người với người. 

Nói về việc không ai dừng lại cứu giúp người gặp nạn, luật sư Trương Văn Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, qua vụ tai nạn thương tâm của anh P., chúng ta thấy rõ sự vô cảm của một số người tham gia giao thông khi gặp người bị tai nạn. Có thể do tâm lý của những người này sợ cơ quan chức năng gây phiền hà, khi điều tra vụ án có thể bị triệu tập nhiều lần với tư cách người làm chứng nên họ có thái độ né tránh, làm ngơ và không cứu giúp người bị nạn. 

"Khi gặp các trường hợp người tham gia giao thông bị nạn, cách tốt nhất để cứu được người bị nạn là gọi ngay đến tổng đài 115 hoặc 113 để nhận được sự trợ giúp, hô hoán mọi người xung quanh giúp đỡ và có thể dùng điện thoại quay lại cảnh cứu giúp người bị nạn để cung cấp cho cơ quan chức năng. Đây là cách vừa cứu giúp được người bị tai nạn đang gặp nguy hiểm đến tính mạng, vừa không bị cơ quan chức năng mời làm việc nhiều lần với tư cách người làm chứng",luật sư Tuấn chia sẻ.