Vợ liệt sĩ tái giá vẫn được xét công nhận “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”
(Dân trí) - Đây là quy định trong Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH mới được Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ LĐ-TB&XH ban hành. Thông tư có hiệu lực từ ngày 25/11.
Một trong những điểm mới nhất của Thông tư là việc quy định đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo Nghị định 56/2013/NĐ-CP là vợ liệt sĩ tái giá hoặc bà mẹ là mẹ liệt sĩ tái giá thuộc một trong 2 trường hợp sau:
Xét tặng hoặc truy tặng cho bà mẹ là vợ liệt sĩ tái giá nhưng vẫn có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ của liệt sĩ và nuôi con của liệt sĩ tới tuổi trưởng thành hoặc vì thực hiện nhiệm vụ cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc con hoặc bố, mẹ của liệt sĩ. Các trường hợp này phải được chính quyền cấp xã nơi lập hồ sơ xác nhận.
Xét tặng hoặc truy tặng cho bà mẹ là mẹ liệt sĩ tái giá mà con của mẹ là liệt sĩ bao gồm con của chồng trước và con của chồng sau.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định thêm một số trường hợp khác cũng được xét công nhân danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, gồm: Bà mẹ có con đẻ hoặc con nuôi là liệt sĩ; bà mẹ có nhiều con nhưng đều đã chết, người con là liệt sĩ được coi là người con duy nhất…
Thông tư cũng quy định trường hợp bà mẹ đã từ trần, việc đề nghị truy tặng do người được gia đình, họ tộc ủy quyền thực hiện. Nếu người đó không ở nơi bà mẹ cư trú khi còn sống thì hồ sơ phải có xác nhận của Sở LĐ-TB&XH nơi quản lý hồ sơ thương binh, liệt sĩ; văn bản của chính quyền địa phương nơi bà mẹ cư trú khi còn sống xác nhận về việc chưa lập hồ sơ đề nghị truy tặng và tình trạng thân nhân của bà mẹ.
Trường hợp bà mẹ được truy tặng Danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", khoản tiền trợ cấp một lần và hiện vật sẽ được trao cho người chồng. Nếu người chồng đã mất thì trao cho con hoặc vợ liệt sĩ thường xuyên giữ trách nhiệm thờ cúng bà mẹ.
Trong trường hợp bà mẹ không còn chồng con thì trao cho người thân gần nhất chịu trách nhiệm thờ cúng, chăm sóc phần mộ của bà mẹ, theo đề nghị bằng văn bản của chính quyền cấp xã nơi bà mẹ cư trú khi còn sống.
Hoàng Mạnh