ĐBSCL:
Vỡ hụi tiền tỷ, dân đi đòi như “mò kim đáy biển”
(Dân trí) - Thời gian qua, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên tục xảy ra những vụ vỡ hụi từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Người chơi hụi mỏi mòn đi đòi tiền như “mò kim đáy biển” vì chủ hụi đã tìm mọi cách tẩu tán hết tài sản.
Làng quê rúng động vì những vụ vỡ hụi “khủng”
Cuối năm 2015, các tiểu thương ở chợ gạo Bà Đắc (An Cư, Cái Bè, Tiền Giang) rúng động vì thông tin vỡ hụi hơn 50 tỷ đồng từ chủ hụi là bà Trần Thị Chuyện (tạm trú xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hộ khẩu huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước).
Bà Đoàn Thị Chính, thương lái mua bán gạo ở chợ gạo Bà Đắc cho biết: “Bà Chuyện từ thị xã Cai Lậy đến chợ gạo Bà Đắc làm chủ hụi hơn 10 năm rất có uy tín, những người nào là chủ vựa, thương lái mới được bà ta đồng ý cho chơi hụi. Tuy nhiên, trước Tết năm rồi bà ta tuyên bố vỡ hụi. Số tiền mà các hụi viên tự thống kê lên đến hơn 50 tỷ đồng. Hầu hết thương lái, chủ nhà máy xay xát ở đây đều bị “dính” hụi của bà Chuyện. Bản thân tôi cũng bị mất 380 triệu đồng là số tiền gom góp từ mua bán gạo trong nhiều năm liền”.
Còn bà Lê Thị Nga (ngụ Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đến chợ gạo Bà Đắc kinh doanh gạo cũng bị giật hụi gần 200 triệu đồng. Bà Nga cho biết: “Nhiều tháng liền tôi đòi hốt hụi nhưng bà ta nói đợi từ từ. Đến khoảng tháng 11/2015, ngày hôm trước người nhà đến gom tiền hụi thì ngày hôm sau bà ta đã tuyên bố vỡ hụi khiến nhiều người rất bức xúc”.
Trước đó, cuối năm 2013 các tiểu thương, ngư dân ở thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cũng rúng động khi vụ vỡ hụi gần 10 tỷ đồng do bà Nguyễn Thị Quyết (ngụ thị trấn Trần Đề) làm chủ hụi. Bà Quyết dùng thủ đoạn tung tin có người muốn bán hụi cho các hụi viên khác rồi lập danh sách khống hụi viên để hốt hụi nhằm chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng.
Bà Đặng Thị Điệp bức xúc: “Mẹ tôi là tiểu thương mua bán cá ở cảng Trần Đề, tích góp vô hụi để có vốn xoay sở làm ăn. Khi nghe tin vỡ hụi mẹ tôi đã suy sụp tinh thần rồi phát bệnh tai biến nằm luôn một chỗ từ đó cho đến nay”.
Bà Trần Thị Hiểu cũng bị mất hơn 1 tỷ đồng sau vụ vỡ hụi, cho biết: “Tôi gom góp tiền chơi hụi đợi tới ngày hốt lấy tiền cải tạo, sửa chữa chiếc tàu đánh cá nhưng giờ bị vỡ hụi không còn đồng nào”.
Ở các địa phương khác như: Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… gần đây cũng xảy ra nhiều vụ vỡ hụi từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng khiến làng quê rúng động. Hụi viên tích góp tiền chơi hụi giờ phải lâm vào cảnh trắng tay.
Đòi tiền hụi như “mò kim đáy biển”
Hầu hết những vụ vỡ hụi, chủ hụi đã tính toán từ trước và tẩu tán tài sản nên những hụi viên đòi tiền như “mò kim đáy biển”. Những hụi viên góp tiền cho chủ hụi đều bằng chữ tín, không có giấy tờ làm bằng chứng nên khi vỡ hụi cơ quan chức năng điều tra, thống kê thời gian rất lâu. Khi tòa án xử thì tài sản của chủ hụi không còn được bao nhiêu vì hầu hết đều do bà con, dòng họ đứng tên đất đai, nhà cửa.
Bà Lê Thị Chen, thương lái thu mua lúa gạo ở An Cư (Cái Bè, Tiền Giang) cho biết: “Từ khi bị giật hụi, mấy chị em hùn tiền lại đi thuê xe để tìm bà chủ hụi đòi tiền nhưng đến nay vẫn chưa được đồng nào. Trong khi đó, gần 1 năm đi thưa kiện chỉ được cơ quan công an mời lên 1 lần để hỏi số tiền bị giật là bao nhiêu rồi từ đó tới nay không có thông tin gì hết”.
Theo bà Chen, những hụi viên đi điều tra thì được biết bà Chuyện có 1 căn nhà lầu, thửa đất trồng nhãn ở xã Nhị Quý (thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) và mấy chục ha đất đang trồng điều ở tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, khi những hụi viên thuê xe lên tận tỉnh Bình Phước để đòi tiền thì bà Chuyện đã bỏ trốn mất, hỏi ra đất trồng điều cũng do dòng họ bà ta đứng tên nên không thể làm gì được.
Ông Nguyễn Văn Huy, Trưởng ấp Quí Chánh (xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết: “Hiện tại căn nhà của bà Chuyện ở địa phương thường xuyên đóng cửa, đất đai bà ta mua để trồng nhãn giờ rào xung quanh rồi bỏ luôn. Từ khi thông báo vỡ hụi gia đình đã lên Bình Phước sinh sống gần 1 năm nay. Ở địa phương, qua thống kê số tiền vỡ hụi khoảng 10 tỷ đồng. Trong đó ấp Phú Chánh có 5 người dính vô vụ vỡ hụi, 2 người đã gửi đơn lên chính quyền địa phương nhưng đến nay chẳng ai lấy được đồng nào. Bây giờ cơ quan chức năng vẫn trong quá trình điều tra để xử lý”.
Gần 3 năm qua, 25 hộ dân ở thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) phải bỏ công ăn việc làm vác đơn đi khắp nơi để đòi tiền hụi. Cũng chỉ vì hụi mà nhiều gia đình lục đục rồi cự cãi. Những lần tiếp xúc cử tri những hụi viên phản ứng rất quyết liệt thì được đại biểu hứa sẽ yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Luật sư Nguyễn Thanh Bình, Đoàn luật sư TP Cần Thơ cho biết: “Việc chơi hụi khá phổ biến ở các tỉnh miền Tây khi người dân gom tiền cho chủ hụi rồi sau đó hốt lại khi cần thiết phục vụ cho việc làm ăn, mua sắm. Khi chơi hụi người dân thường chọn những chủ hụi có uy tín để tránh rủi ro. Tuy nhiên, khi góp tiền những hụi viên không có giấy tờ làm chứng cứ pháp lý mà chỉ có cuốn sổ ghi chép nên những vụ vỡ hụi phải điều tra kéo dài, phức tạp. Vì vậy, sau vỡ hụi, những hụi viên đòi được tiền rất khó khăn”.
Liên quan đến vụ vỡ hụi ở huyện Trần Đề đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Vụ vỡ hụi ở huyện Trần Đề cơ quan chức năng chỉ đạo xử lý quyết liệt vì vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, thời gian điều tra, xử lý kéo dài. Ban đầu phía công an huyện Trần Đề điều tra không xong nên sau đó UBND tỉnh chỉ đạo giao cho công an tỉnh Sóc Trăng trực tiếp điều tra, xử lý. Qua kết quả điều tra, bà Quyết có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nên chuẩn bị khởi tố vụ án, đưa ra xét xử”.
Minh Giang