1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vỡ đập thủy điện Đakrông 3: Không thể đổ lỗi cho thiên tai!

(Dân trí) - Chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân vỡ đập Đakrông 3, nhưng các chuyên gia đều cho rằng, cần xem xét kỹ nguyên nhân gây vỡ đập chứ không thể đổ lỗi ngay cho thiên tai. Cùng đó là nỗi lo về sự an toàn của hàng loạt thủy điện khác.

Phía chủ đầu tư xây dựng đập thủy điện Đakrông 3 cho rằng nguyên nhân gây vỡ đập là do thiên tai bất thường. Chủ đầu tư lý giải công trình thi công chưa xong, mưa lũ bất thường đã khiến tường chắn không đủ lực dẫn đến vỡ đập. Tuy nhiên theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cần phải xem lại thiết kế của Đakrông 3. Về nguyên tắc, các công trình thủy điện khi xây dựng đều phải tính toán tới yếu tố thủy văn, chế độ dòng chảy...

Hơn nữa, theo đúng quy trình, trước khi tích nước phải có kết luận của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá công trình đã đảm bảo yêu cầu tích nước phát điện. Bởi phía trên thượng lưu của Đakrông 3 có tới 3 - 4 bậc thang thủy điện khác đang vận hành, thậm chí có hồ đang xả lũ. GS. Hồng nhận định, thủy điện Đakrông 3 đã tích nước không đúng thời điểm. Thông thường, các đập không được phép tích nước trong mùa lũ bởi có thể xảy ra nguy cơ lũ tràn, vỡ đập. Đakrông 3 tích nước đúng thời điểm giữa tháng 9, tức là cao điểm mùa lũ ở miền Trung. Các đập ở miền Bắc thường tích nước vào cuối tháng 10, còn miền Trung thường vào cuối tháng 11, khi đã vào cuối mùa lũ.

Vỡ đập thủy điện Đakrông 3: Không thể đổ lỗi cho thiên tai!
Đập thủy điện Đakrông 3 bị vỡ là cảnh báo đối với sự an toàn của hệ thống thủy điện miền Trung. (Ảnh: Lao động)

Cùng quan điểm, kỹ sư cao cấp Hoàng Xuân Hồng- Trưởng ban Khoa học công nghệ (Hội Đập lớn Việt Nam) - cho rằng, với sựcố tại Đakrông 3, cần phải lập Hội đồng khoa học xác minh lại có yếu tố thiên tai bất thường hay không. Ngay cả trong trường hợp có yếu tố thiên tai bất thường, chủ đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm bởi trong khâu thiết kế đã không tính toán hết những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra. Khi xây dựng đập, ngay trong thiết kế, hệ số an toàn với lũ thường rất lớn. Sự cố chỉ xảy ra khi tính toán không đúng.

Sau những rắc rối ở Sông Tranh 2, sự cố vỡ đập Đakrông 3 (Quảng Trị) đang khiến dư luận cũng như các nhà khoa học lo lắng về độ an toàn của hệ thống thủy điện. TS. Đào Trọng Tứ - nguyên Phó Tổng thư kí Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, thành viên Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam - cũng nhận xét, trường hợp của thủy điện Đakrông 3, sự cố vỡ đập chỉ sau 15 ngày hòa lưới điện quốc gia là điều không thể chấp nhận. TS. Tứ lo ngại, Đakrông 3 sẽ là tín hiệu đầu tiên cảnh báo nguy cơ mất an toàn từ những thủy điện nhỏ. Trong khi đó, hiện cả nước có gần 300 đập vừa và nhỏ, gần 1.000 đập thủy lợi. Nếu gặp thời tiết bất lợi, mưa lũ kéo dài sẽ rất nguy hiểm.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, thiệt hại từ sự cố vỡ đập Đakrông 3 tuy chưa lớn nhưng rõ ràng đó là tín hiệu đầu tiên cho thấy sự trả giá cho những quyết tâm phát triển thủy điện ồ ạt, bằng mọi giá ở các địa phương.

Phạm Thanh - L. Lan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm