1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Vợ cũ của Anh Hùng Núp và cổ tích tình yêu thời hiện đại

(Dân trí) - “Sơn ca” H’Ben một thời là vợ của người anh hùng nổi tiếng trong lịch sử đại ngàn Tây Nguyên - Đinh Núp. Còn bây giờ, bà và người chồng nghệ sĩ violon gốc Hà Thành đang sống trong tình yêu thơ mộng, cùng gìn giữ nét văn hóa của người Tây Nguyên.

Anh hùng - mỹ nhân

 

Hẳn rằng với mỗi chúng ta, cái tên Anh Hùng Núp không hề xa lạ, đó là nhân vật chính trong tác phẩm “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc, cũng chính tác phẩm này sau đó đã được dựng thành phim. Chàng Đam San Đinh Núp là một trong những vị anh hùng có thật trong lịch sử Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp - Mĩ của núi rừng Tây Nguyên.
 
Vợ cũ của Anh Hùng Núp và cổ tích tình yêu thời hiện đại  - 1

Bà H’Ben lúc còn trẻ đang đeo huy chương cho 1 người lính cộng sản Liên Xô khi đi lưu diễn ở Liên Xô

 

Lẽ thường anh hùng thì phải có mỹ nhân, vợ hai của Anh Hùng Núp - bà H’Ben - không chỉ là mỹ nhân mà còn là một “sơn ca” có giọng hát đầy mê hoặc của núi rừng Tây Nguyên, là người phụ nữ tài giỏi biết nói các tiếng của dân tộc khác như J’rai, Ê Đê... Nhưng chuyện tình của họ lại quá ngắn ngủi.

 

Cả hai đều chung dòng máu Barhna, tại huyện An Khê, Gia Lai lúc bấy giờ. H’Ben vốn nổi tiếng xinh đẹp như hoa lan rừng, giọng hát đầy mê hoặc khiến bao chàng trai say đắm. Nhưng nàng sơn nữ lại bướng bỉnh, kén chọn. Gần 23 tuổi mà chẳng có chàng trai nào lọt được vào mắt nàng. Gia đình phải ép gả H’Ben cho một chàng trai trong làng đã mê nàng từ lâu, rồi họ làm lễ Kết Jâng (đăng kí kết hôn).

 

Không bằng lòng về sống chung với người mình không yêu, H’Ben bỏ trốn vào rừng, bụng đói, nàng ngủ quên trên một thân cây đổ bên bờ suối. Sáng hôm sau nàng về nhà, quyết định đi tập kết ra Bắc (năm 1955), gia nhập đoàn diễn viên của đoàn ca múa nhân dân Tây Nguyên.
 
Vợ cũ của Anh Hùng Núp và cổ tích tình yêu thời hiện đại  - 2

Người con trai của bà H’Ben với Anh Hùng Núp được ông Thịnh thương như con đẻ

 

Tại Thủ đô Hà Nội, H’Ben và người anh hùng trẻ tuổi Đinh Núp gặp nhau. Trước sắc đẹp và giọng hát của nàng sơn ca xinh đẹp, trái tim của Núp đã “đổ gục”, còn nàng sơn nữ bướng bỉnh lại chỉ kính nể, quý mến Núp như một vị anh hùng chứ không hề yêu. Đến năm 1959, được sự “giúp sức” của toàn đơn vị, Núp đã cưới được H’Ben sau 4 năm yêu đơn phương. Họ có với nhau 1 cậu con trai tên Đinh Trung Kiên, không may bị khèo chân và ngọng bẩm sinh.

 

Sau 1 năm chung sống, H’Ben nhận được lá thư của những người trong làng Núp cho biết Chrơ - người vợ nối dây của Núp - vẫn còn sống và đang chờ đợi Núp. “Tôi không thể lấy chồng của người phụ nữ khác được, họ sẽ rất đau khổ khi bị mất chồng. Tôi cũng sẽ rất đau khổ khi bị người phụ nữ khác lấy chồng của mình”, H’Ben nói với Núp  lý do chia tay.

 

Cổ tích tình yêu

 

Một mình nuôi con nhỏ tàn tật, nhưng với ý chí của người con núi rừng, năm 1963, H’Ben tham gia lớp học tại trường Nhạc viện Hà Nội. Tại đây, một tình yêu cổ tích giữa chàng nghệ sĩ violon Lê Đức Thịnh với sơn nữ H’Ben đã bùng cháy. Nhưng họ không dám thổ lộ với nhau. Cá tính là vậy nhưng trước chàng nghệ sĩ H’Ben lại rụt rè, tỏ ra lạnh nhạt. Bởi nàng là người phụ nữ đã một đời chồng, lại đang nuôi con nhỏ, thêm cái mặc cảm là người dân tộc thiểu số. Trong khi đó Thịnh kém H’Ben 2 tuổi, trắng trẻo đẹp trai, chưa vợ, nhiều thiếu nữ xinh đẹp vây quanh.
 
Vợ cũ của Anh Hùng Núp và cổ tích tình yêu thời hiện đại  - 3
Gần 40 tuổi, bà H’Ben vẫn rất xinh đẹp bên chồng và 2 con

 

Yêu nhau 3 năm, không ai dám nói với ai một lời. Năm 1966, H’Ben sắp phải đi lưu diễn khắp 12 nước Xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ trong vòng 8 tháng. Trước khi lên đường, ngọn lửa tình yêu trong họ trỗi dậy. Trong một lần đi hát về, H’Ben vờ mệt mỏi không đi được, ông Thịnh liền cõng H’Ben suốt cả mấy km đường về.

 

Họ đã hiểu tình cảm của nhau nhưng gia đình ông Thịnh ra sức phản đối. Với quyết tâm của tình yêu, cuối cùng họ cũng được danh chính ngôn thuận về bên nhau. Mọi việc xong xuôi, H’Ben lên đường đi biểu diễn nơi xứ người, một mình ông Thịnh ở nhà vò võ nuôi người con tật nguyền của vợ.

 

Mãi đến năm 1970, H’Ben mới sinh cho ông Thịnh độc nhất 1 người con trai. Giữa chốn thị thành tấp nập, “chất rừng” trong H’Ben vẫn cháy, nó luôn thôi thúc bà với nỗi nhớ khôn nguôi, như bà nói: “mình sinh ra từ rừng, là người rừng thì phải sống với rừng”.

 

Khi đất nước giải phóng, nỗi nhớ rừng trong bà càng thống thiết hơn. Quá yêu vợ, ông Thịnh đã bỏ lại nơi phồn hoa đô thị, người thân và bằng hữu ở đất Thủ đô, cùng vợ về sống với đại ngàn. Trong nhiều năm liền, vào dịp Tết, vì chữ hiếu, một mình ông đạp xe từ Gia Lai về Hà Nội thăm gia đình rồi lại trở lại với vợ con. Khi Anh Hùng Núp mất, ông cùng vợ con đến làm đáng tang và đeo tang 3 ngày.

 

Những năm này, H’Ben là Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng của trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên. Ông Thịnh là Giám Đốc Sở Văn hóa tỉnh Gia Lai - Kon Tum.

 

Ngày ngày họ đắm chìm trong tình yêu, ông kéo đàn, bà véo von hát như họa mi. Khi về hưu, bà lại kéo ông về mảnh đất nghèo nàn, lạc hậu và hoang sơ chỉ núi với rừng - nơi sinh ra bà (thị trấn Kông Chro, Kông Chro - trước đây là An Khê, Gia Lai), sống trong ngôi nhà sàn nhỏ tí tị. Một lần nữa, ông lại bán nhà nơi phố thị đi theo người bạn đời yêu dấu.

 

Nơi đây, đôi vợ chồng già cùng người con tật nguyền của Anh Hùng Núp sống như những thước phim. Hàng ngày, ông chở bà trên chiếc xe máy cà tàng, băng đèo, lội suối, ngủ trong rừng, đi sưu tầm văn hóa dân ca đang bị mai một của người Tây Nguyên về lưu giữ. Khi ở nhà, họ đeo gùi làm rẫy, mỗi buổi chiều êm đềm bên dòng sông Ba thơ mộng, bà lại cất tiếng hát véo von, còn ông kéo những dây đàn mềm mại đệm cho bà, cậu con trai dị tật tựa cột lắng nghe.
 
Vợ cũ của Anh Hùng Núp và cổ tích tình yêu thời hiện đại  - 4

Dù sắp bước sang tuổi 80, tình yêu của bà H’Ben và ông Thịnh vẫn nồng cháy đầy lãng mạn

 

Hạnh phúc của họ sẽ như mộng đến hết đời nếu như cách đây vài năm ông Thịnh không bị tai biến mạch máu não, chân tay cử động khó khăn. Không thể đàn cho vợ hát song tình yêu của họ vẫn nồng cháy. Khi bà đã ở cái tuổi 79, ông 77, họ vẫn gọi nhau là “mình ơi” êm ái như thuở ban đầu.

 

Thiên Thư