1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vô cảm, tiêu cực dẫn đến sai sót trong giải quyết khiếu nại đất đai

(Dân trí) - “Sai sót trong việc giải quyết khiếu nại các quyết định hành chính về đất đai, ngoài chuyện thiếu trách nhiệm, còn có nguyên nhân cán bộ vô cảm, thờ ơ. Không ít quyết định ban hành sai do tiêu cực, bao che” - chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh của QH nhận xét.

Thực trạng giải quyết khiếu nại các quyết định hành chính về đất đai là một nội dung giám sát tối cao của QH trong năm 2012 đã được đoàn giám sát hoàn thành báo cáo, đưa ra xin ý kiến Thường vụ QH ngày 18/9.

Báo cáo giám sát cho thấy, trong quản lý đất đai, nội dung khiếu nại tố cáo đối với các quyết định hành chính chủ yếu tập trung vào khiếu nại tố cáo các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chiếm 70%). Khiếu nại các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20%. Khiếu nại các quyết định hành chính về cấp, thu hồi Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%.
 
Vô cảm, tiêu cực dẫn đến sai sót trong giải quyết khiếu nại đất đai
Vụ cưỡng chế đầm tôm tại Tiên Lãng, Hải Phòng là bài học lớn cho công tác giải quyết khiếu nại về đất đai.

Thời gian qua, các cơ quan hành chính đã công nhận khiếu nại đúng và đúng một phần chiếm 47,8% tổng số khiếu nại tố cáo. Tòa án hai cấp xử thì có thêm 19,5% đúng nữa; nghĩa là người dân khiếu nại đúng tới 67,5%, đồng nghĩa với việc các quyết định hành chính về đất đai sai tương đương mức đó. Ít có lĩnh vực hành chính nào sai nhiều đến thế.

Đoàn giám sát chỉ ra nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại tố cáo về đất đai có nhiều nhưng chủ yếu là do sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai; những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành các quyết định hành chính; sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ công chức.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nói thẳng, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực này chưa tốt, bởi có đến gần 70% quyết định bị khiếu nại là “có vấn đề”.

Đề cập trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trong quản lý hành chính nhà nước về đất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị chỉ rõ cấp độ, phạm vi sai phạm và phải xác định rõ trách nhiệm của những người có hành vi sai phạm, và việc xử lý những cá nhân, tổ chức này.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa nêu thực tế, không ít quyết định ban hành sai là do tiêu cực, tham nhũng, trên bao che cho dưới… Ông Khoa dẫn chứng một vụ việc ở Phú Thọ, qua 2 đời Tổng Thanh tra Chính phủ không giải quyết được, đến giờ cũng chưa ổn. Có trường hợp chỉ trong 1-2 ngày mà cùng một ông Chủ tịch tỉnh ký ban hành hai quyết định về cùng một vụ việc với ý kiến trái ngược nhau.

“Ngoài chuyện thiếu trách nhiệm, còn có nguyên nhân quan trọng là sự vô cảm, thờ ơ” – ông Khoa dẫn lại chuyện người dân khiếu kiện vì khi chỉ một tuần nữa là lúa chín, người dân có thể thu hoạch mà chính quyền nhất quyết cho xe ủi đổ đất san lấp mặt bằng

Đề cập vụ cưỡng chế đầm tôm tại Tiên Lãng (Hải Phòng) Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh đặt câu hỏi: “Tại sao các vụ cướp tiệm vàng, chỉ sau 24 – 48 giờ là điều tra ra ngay được, mà cưỡng chế phá nhà dân trái phép thì hàng tuần lễ liền không xác định được trách nhiệm ở đâu?”.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu báo cáo giám sát phải thẳng thắn nhìn nhận tình hình khiếu nại tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai đến nay là rất nghiêm trọng. Về số lượng thì chiếm đến 69%, còn các quyết định hành chính tỷ lệ sai đến một nửa. Ngay cả ở các vụ việc công dân khiếu nại tố cáo có đúng có sai, thì tức là nhà nước vẫn sai.

Còn trường hợp quyết định của cơ quan quản lý không sai mà nhân dân vẫn khiếu kiện, ông Hùng phán đoán, do chính sách pháp luật về đất đai chưa chuẩn, giáo dục pháp luật chưa tốt. Điều quan trọng, theo Chủ tịch QH, sau giám sát cần yêu cầu các cơ quan liên quan rà lại tất cả các quyết định sai để xử lý, với dân thì phải đền bù, với cán bộ thì phải tìm ra địa chỉ sai ở đâu, đã giải quyết thế nào…
 

Số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ thể hiện, từ năm 2003 - 2010 các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý gần 1,3 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo (trong đó đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bình quân hàng năm chiếm 69,79%). Trong 3 năm 2008-2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 670.000 đơn thư với gần 500.000 vụ việc.

Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt 84%, trong đó số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%, có đúng có sai chiếm 28%, số khiếu nại sai chiếm 52,2%; số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai chiếm 29,6% và số đơn tố cáo sai chiếm 54,2%. Các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài đạt 66,7%, hiện còn lại 528 vụ việc đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.

P.Thảo