Vỡ cái ao 100m2 có thể gây hiệu ứng domino “cuốn trôi cả bản làng”
(Dân trí) - “Với các tỉnh miền núi thì các công trình thủy lợi từ thủy lợi thấp đến thủy lợi cao, khi có sự cố về lũ lụt thì có hiệu ứng domino, chỉ cần một cái ao 100m2 vỡ kèm theo ao 200, 300m2... từ đó các đập dồn xuống, trở thành trận lũ bùn, lũ cuốn trôi đi cả bản, làng” - đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nói khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủy lợi.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Thủy lợi ngày 14/11, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị làm rõ thêm việc quản lý vận hành các công trình thủy lợi đa mục tiêu như thủy điện, giao thông thủy.
Ông Sinh lấy ví dụ thủy điện Hòa Bình phải xác định đầu tiên là thủy lợi, trong đó có cấp nước cho vùng Đồng bằng sông Hồng, cắt lũ cho vùng Thủ đô Hà Nội và Đồng bằng sông Hồng, có giao thông thủy và mục tiêu thứ yếu mới là phát triển thương mại.
Chính vì thế, vị đại biểu tỉnh Hòa Bình cho rằng quản lý, vận hành công trình thủy lợi cần xác định chủ sở hữu công trình thủy lợi, vùng và liên vùng; những tác nhân tiêu cực tới đời sống nhân dân của vùng chịu ảnh hưởng khi xây dựng các công trình thủy lợi. Đồng thời xác định rõ thẩm quyền của Trung ương và địa phương trong việc quản lý và vận hành các công trình thủy lợi trong trường hợp tình huống khác nhau ví dụ lũ lụt, hạn hán.
“Nếu chúng ta không có quy trình và giao mạnh cho thẩm quyền của địa phương để xử lý các tình huống như vậy thì rất khó, đặc biệt với các tỉnh miền núi thì các công trình thủy lợi từ thủy lợi thấp đến thủy lợi cao, khi có sự cố về lũ lụt thì có hiệu ứng domino, chỉ cần một cái ao 100m2 vỡ kèm theo ao 200, 300m2 từ đó các đập dồn xuống, trở thành trận lũ bùn, lũ cuốn trôi đi cả bản, làng”- ông Sinh minh họa.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đánh giá, một trong các yêu cầu phát triển thủy lợi nhỏ là phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch thủy lợi, quy hoạch liên quan, bảo đảm cấp nước và tiêu nước chủ động. Tuy nhiên, nhiều công trình thủy lợi nhỏ trên cùng một hệ thống lại không có quy trình vận hành liên hồ chứa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cấp, tiêu nước.
“Tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, tuy là thủy điện công trình thủy lợi nhỏ nhưng cùng trên một hệ thống kênh rạch thì chỉ cần một công trình thủy lợi nhỏ mà xảy ra sự cố thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả một hệ thống cũng như hệ thống thủy lợi nói chung. Do đó, tôi đề nghị công trình thủy lợi nhỏ cần có vai trò quản lý nhà nước và đặc biệt quy trình vận hành các hồ chứa trên các công trình thủy điện nhỏ cùng hệ thống”- ông Giang bày tỏ.
Đề phòng những rủi ro, bất ngờ
Với quan điểm phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng tiềm lực quốc phòng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) đề nghị luật này nên bổ sung thêm một điều, có nội hàm các công trình quy mô lớn, trọng điểm về quốc phòng, an ninh, các công trình ở ven biển, vùng biên giới, hải đảo phải có tính lưỡng dụng kết hợp chặt chẽ, phục vụ sản xuất nông nghiệp với xây dựng khu vực phòng thủ.
Theo ông Hội, nếu có thêm điều này, trong tương lai các công trình quy mô lớn hoặc các công trình ở vùng ven biển, bãi ngang, các quần đảo, các đảo tiền tiêu của tổ quốc, vùng biên giới, vùng ATK, vùng đồng bằng sông nước, quá trình quy hoạch, đầu tư các công trình dân sinh nói chung, thủy lợi nói riêng được ưu tiên, quan tâm đúng mức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
“Hiện nay đất nước đang khó khăn ở mức độ nào đó nhưng trong tương lai, đến năm 2030 con cháu chúng ta chắc phải nghĩ đến những việc lớn hơn. Ví dụ, các công trình thủy lợi dọc tuyến biển để bảo đảm an ninh quốc gia, quốc phòng lưỡng dụng, như vậy cũng rất tốt”- ông nói.
Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đồng tình phải làm sâu sắc hơn trong luật điểm này.
“Chúng ta có trên 2.000 đảo, có 11 huyện đảo, có 2.600km bờ biển, do đó chỗ này phải làm thật sâu sắc. Cộng với đó chúng ta có trên 2.000 hồ lớn có dung tích 10.000.000 trở lên, có những hồ hàng chục tỷ m3 mà công tác an ninh, quốc phòng không được đặt ra trong luật này thì chắc chắn sau này có những sự cố xảy ra, đặc biệt là an ninh nguồn nước hiện nay”- ông Cường nói.
Theo ông Cường, Việt Nam có hai hệ thống sông lớn là sông Hồng ở phía Bắc và Mê Kông ở phía Nam nhưng lệ thuộc 65% nước từ nước ngoài nên rất dễ dẫn đến hệ lụy.
“Sông Hồng cách đây 10 ngày có một đợt xả ở thượng nguồn khiến cho Lào Cai, Yến Bái vừa rồi dềnh lên trên số 1, rất bất ngờ. Do đó, chúng tôi hoàn toàn đồng tình chỗ này phải làm sâu sắc, cụ thể hơn để chúng ta đề phòng những vấn đề rủi ro, những vấn đề bất ngờ sau này” - ông Cường nói.
Đầu tư cho nông nghiệp rất ít
Đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) đánh giá hiện nay việc đầu tư quy hoạch còn dàn trải của các khu công nghiệp gây tắc nghẽn các công trình kênh, mương, máng, tưới tiêu nước bị hạn chế, gây ngập, úng, lụt. Nhiều hệ thống thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng do việc xả thải, ô nhiễm môi trường gây nên. Việc cải tạo, nạo vét kênh, mương chưa được thường xuyên dẫn đến hạn chế cho công tác cấp thoát nước.
Trong khi đó, đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài cũng như trong nước cho nông nghiệp còn ít mà nguyên nhân xuất phát từ những rủi ro về thời tiết, khí hậu, điều kiện địa hình, có nhiều hệ thống sông ngòi, ao hồ phức tạp... Việc đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp rất hạn chế, dẫn đến việc đầu tư cho thủy lợi rất tốn kém, diện tích các kênh, mương, máng gây nhiều lãng phí cho nước và đất nông nghiệp.
Thế Kha