1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vĩnh Phúc yêu cầu phát hiện sớm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng

Thế Kha

(Dân trí) - Các chủ rừng phải chịu trách nhiệm về các vụ việc cháy rừng, phá rừng, mất rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng trái quy định pháp luật thuộc phạm vi địa bàn quản lý.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa yêu cầu các chủ rừng là tổ chức (Vườn Quốc gia Tam Đảo; Công ty Lâm nghiệp Lập Thạch; Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc bộ; Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh; Trung tâm Phát triển Lâm nông nghiệp Vĩnh Phúc) tăng cường tuần tra, kiểm soát  nhằm phát hiện sớm các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, xây dựng trên đất rừng trái pháp luật.

Các chủ rừng phải kịp thời ngăn chặn, báo cáo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý nghiêm các vi phạm.

"Chủ rừng chịu trách nhiệm về các vụ việc cháy rừng, phá rừng, mất rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng trái quy định pháp luật thuộc phạm vi địa bàn quản lý", UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ.

Vĩnh Phúc yêu cầu phát hiện sớm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng - 1

Một nhóm đối tượng mang dao, cưa vào chặt phá cây tái sinh dưới tán rừng bạch đàn và vùng lân cận thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vào tháng 12/2023 (Ảnh: Công Lý).

Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc được giao giám sát chặt chẽ các khu vực trọng điểm phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái pháp luật. Đặc biệt phải đấu tranh, truy quét các "đầu nậu" mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng (đặc biệt các loài động vật nguy cấp, quý hiếm), các loại lâm sản trái pháp luật.

Các cơ sở chế biến gỗ, sử dụng gỗ rừng tự nhiên được Vĩnh Phúc yêu cầu kiểm tra, quản lý chặt chẽ. Kiên quyết xử nghiêm, đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Vĩnh Phúc chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố có rừng bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; không để xảy ra cháy lớn, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Khi xảy ra cháy rừng, Công an tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo công an các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với chủ rừng, chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng để xử lý nghiêm.

2 dự án đề xuất lấy diện tích lớn ở Vườn quốc gia Tam Đảo

Như Dân trí thông tin, 2 dự án sinh thái đề xuất lấy diện tích lớn tại Vườn quốc gia Tam Đảo đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trong đó, Dự án Khu du lịch sinh thái số 2 (Vườn quốc gia Tam Đảo) của Công ty cổ phần Nam Tam Đảo (ông Lê Xuân Trường, Tổng giám đốc, người đại diện) có diện tích khoảng 68ha thuộc Tiểu khu 102, 105A tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Chủ đầu tư dự kiến xây dựng nhiều nhà nghỉ ngơi, Bulgalow (nhà gỗ), nhà hàng - dịch vụ (trung tâm ẩm thực, nhà dịch vụ sinh hoạt cộng đồng), quảng trường - sân lễ hội, khu cây xanh dịch vụ (khu vườn thực vật - vườn Nhật; khu vực thể thao - dã ngoại, cắm trại, công viên nước)

Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13 - Vườn quốc gia Tam Đảo do Liên danh Công ty cổ phần Sông Hồng Tam Đảo và Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô làm chủ đầu tư, dự kiến thuê 35,73ha thuộc địa phận huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chủ đầu tư dự kiến xây dựng một khách sạn 225 phòng cao 3 tầng (không quá 12m) và 2 tầng hầm; xây các biệt thự nghỉ dưỡng Bungalow (nhà gỗ) thiết kế đạt tiêu chuẩn 4 sao (tối đa 2 tầng, cao không quá 8m), cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ kèm theo.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng dự định xây một đài quan sát trên diện tích 4.333m2 để phục vụ nhu cầu quan sát toàn cảnh vườn quốc gia từ trên cao.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của 2 dự án nêu trên đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường tham vấn ý kiến cộng đồng.