1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vĩnh Phúc: Quyết “cấu” rừng kiếm đô-la

(Dân trí) - Thời điểm này, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cùng nhà đầu tư nước ngoài đang ráo riết tiến hành những thủ tục tiếp theo để chuyển đổi gần 200 ha rừng của Vườn Quốc gia Tam Đảo cho một dự án du lịch. Lần đầu tiên tại Việt Nam, hàng trăm ha rừng thuộc diện được bảo vệ nghiêm ngặt có thể phải nhường đất cho khách sạn, sòng bài, sân gôn, chuồng ngựa…

Những hợp tác bạc tỷ…

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chúng tôi được biết, trước đó ít lâu lãnh đạo định “cấu” hẳn 300ha rừng được đánh giá là không phải nằm trong vùng lõi (vùng được bảo vệ nghiêm ngặt) và chỉ là cây bụi thấp để làm du lịch. Nhưng vì nhiều lý do nên đã quyết định lần giảm xuống còn 190ha. Tuy nhiên, quy mô của dự án vẫn được giữ nguyên. Nghĩa là, tỉnh đã chuẩn bị phương án phát triển khá chi tiết với có tên gọi: “Dự án khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2 và Tây Thiên”. Hiện đã có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng chi 235 triệu USD để biến kế hoạch này thành hiện thực trong thời gian nhanh nhất.

Để thể hiện quyết tâm, Vĩnh Phúc và nhà đầu tư đã bỏ gần 70.000USD chi phí cho các cuộc khảo sát và căn cứ vào bản đồ địa hình chụp từ vệ tinh để phác thảo các phương án xây dựng. Theo đó, sẽ có một con đường xẻ núi nối khu Tam Đảo cũ với Tam Đảo 2 cùng với một số con “đường mòn để ngắm cảnh” khác. Còn tại Tam Đảo 2 sẽ triển khai xây dựng các công trình như Villa, khách sạn, nhà nghỉ, sòng bài, trường đua ngựa...

Theo các phương án định hướng này thì gần như toàn bộ diện tích 190ha của Tam Đảo 2 sẽ được triển khai đồng loạt các công trình, hạng mục vui chơi dành cho người nước ngoài và khách là đối tượng cao cấp.

Chủ tịch tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Phi cho biết: Vĩnh Phúc đã công văn gửi  tới các bộ, ngành có liên quan như: Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Tổng Cục du lịch… Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa nhận được sự trả lời của một số Bộ, ngành trong đó có Tổng Cục du lịch. Giải thích về vấn đề này, ông Phi cho rằng: “Có lẽ tại tỉnh quan hệ chưa tốt (?). Nhưng chắc sau này các bộ, ngành đều sẽ đồng ý cả thôi!”.

Trong khi chờ đợi ý kiến chính thức bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan, Tỉnh đã thanh lý xong hợp đồng khảo sát và lập “Báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ dự án xây dựng khu du lịch sinh thái bền vững Tam Đảo 2” do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN - thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện. Đây sẽ là cơ sở khoa học phục vụ cho mục kế hoạch xin chuyển đổi mục đích sử dụng 190ha rừng từ Khu bảo vệ nghiêm ngặt thành Khu phục hồi sinh thái của Vĩnh Phúc.

Cán bộ trường ĐHKHTN cũng cho biết, để hoàn thành báo cáo này, Vĩnh Phúc phải chi trả cho trường gần 2 tỷ đồng.

Về phía đơn vị làm dịch vụ, trường ĐHKHTN đã cử gần 20 nhà khoa học (người già nhất gần 70 tuổi - trẻ nhất trên 40) đi khảo sát thực tế trong gần 1 tuần (riêng thời gian ra vào khu vực này đã mất hơn 3 ngày) với sự hỗ trợ, giám sát của một số cán bộ địa phương.

Và trên thực tế, dù chưa có ý kiến của Chính phủ và các cơ quan bộ ngành có liên quan, Vĩnh Phúc đã bắt đầu tiến hành mở 2,7 km đường đầu tiên nhằm bắt đầu thực hiện dự án du lịch mà theo ông Phi đánh giá: “rất có lợi!”.

Và những thảm hoạ khó lường…

Di chân trên đám đất bùn đã khô khốc thuộc lòng hồ Hú Cóc (thuộc khu vực Tam Đảo 2), ông Trần Minh Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Trù nằm cho biết: Nước hồ từ nhiều năm nay cứ cạn dần do rừng đầu nguồn bị phá. Còn suối Bạc, cũng bắt nguồn từ Tam Đảo 2 vốn là dòng suối chính cung cấp nước canh tác cho người dân Đạo Trù, cũng đang ít dần đi.

Vĩnh Phúc: Quyết “cấu” rừng kiếm đô-la - 1
 Hồ Hú Cóc xã Đạo Trù, Tam Đảo sẽ có thể không còn là nơi cung cấp nước tưới cho dân cư quanh chân núi do các dòng chảy bị đất đá mở đường lên khu du lịch vùi lấp.

Trong cả 2 xã đang chờ Bộ NN&PTNT phê duyệt, hỗ trợ kinh phí đắp đập chứa nước hồ Hú Cóc và Thai Léc nhằm ổn định nước tưới mỗi năm 2 vụ thì lại biết được thông tin: con đường chính dẫn lên Tam Đảo 2 được mở sẽ đi qua cả hai xã này. Con đường xẻ ngang sườn núi, sẽ cắt ngang mọi dòng chảy từ Tam Đảo 2 xuống ruộng đồng của nông dân. Hơn nữa, phía trên đỉnh người ta sẽ cho xây đập chắn để giữ nước lại phục vụ cho khu du lịch Tam Đảo. Như vậy, chắc chắn việc sản xuất của họ sẽ lâm vào bế tắc.

Ông Đỗ Xuân Thông, cán bộ thuỷ lợi xã Đạo Trù thì lại có thêm nỗi lo lắng khác: Chẳng có đập nước nào tồn tại được với độ dốc gần như dựng đứng của đỉnh Tam Đảo. Người dân sinh sống ở phía dưới phải đối mặt với nguy cơ vỡ đập và lở đất.

Trong “Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với Dự án khu du lịch sinh thái bền vững Tam Đảo 2”, các nhà khoa học của trường ĐHKHTN cũng đã đưa ra những cảnh báo: “Đất đá khi mở đường sẽ tràn xuống phá huỷ thảm thực vật rừng... Vào mùa mưa, những khối đất đá thải khổng lồ sẽ đổ xuống vùng chân núi Tam Đảo thuộc các xã Đạo Trù, Đại Đình vùi lấp ruộng vườn, nhà cửa... Do sườn Tây Nam của dãy Tam Đảo quá dốc, khi mở đường phải bạt rộng ta-luy, chiếm dụng diện tích rừng rất lớn...”

TS Nguyễn Bá Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Vườn Quốc gia (VQG) và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam cũng cảnh báo: Tuyến đường Đạo Trù - Tam Đảo 2 vắt ngang sườn Tây Nam dãy Tam Đảo (từ chân lên đến đỉnh), vô hình trung chia VQG thành 2 phần Tây Bắc và Đông Nam. Với hoạt động giao thông thường xuyên, toàn tuyến đường sẽ là chiếc ba-ri-e chia cắt hệ động vật của VQG, ngăn cản sự di chuyển của động vật khi đi tìm thức ăn và sinh sống bình thường.

Vùng đệm VQG Tam Đảo với trên 200.000 dân cư thuộc 27 xã, thị trấn trong tương lai sẽ phải gánh chịu những thảm hoạ khó lường do rừng bị tàn phá. Thêm vào đó, là một VQG với hệ động thực vật đa dạng, phong phú với chức năng là lá phổi điều hoà khí hậu cho cả miền Bắc sẽ bị xẻ làm đôi chỉ vì lợi ích của không nhiều người.

“19 km đường được mở dẫn đến Tam Đảo 2 sẽ gây ra thảm hoạ vô cùng lớn cho cộng đồng dân cư vùng đệm. Sẽ có những trận lũ bùn, lũ quét kinh hoàng xảy ra và không thể tránh khỏi cảnh những người dân bị đất đá vùi lấp!”- TS Thụ nói.

Kỳ 2: Gần 200ha chỉ là một phần trong kế hoạch “cấu” rừng?

Thanh Trầm

Dòng sự kiện: Dự án Tam Đảo 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm