Gần 200ha chỉ là một phần trong kế hoạch “cấu” rừng?
(Dân trí) - Khi được hỏi ý kiến về “Dự án khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2 và Tây Thiên”, ông Hà Công Khải - Phó giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo luôn né tránh bộc lộ quan điểm. Tuy nhiên, ông cũng cho biết: Vĩnh Phúc dự định sẽ “cấu” rừng để xây dựng khu du lịch này làm hai đợt với diện tích gần 1.000 ha…
>> Vĩnh Phúc: Quyết “cấu” rừng kiếm đô-la
BQL Vườn Quốc gia Tam Đảo bị qua mặt
Sau nhiều lần đăng ký gặp làm việc, chúng tôi đã gặp được Phó giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo…
Ông Khải cho biết: Ban quản lý Vườn chỉ được thông báo về dự án du lịch này nhưng không thấy lãnh đạo nào của tỉnh đề nghị tham gia góp ý về mặt chuyên môn hay quy mô của dự án. Trong khi đó, theo quy định của Nhà nước, Vườn Quốc gia Tam Đảo thuộc quyền quản lý của Bộ NN&PTNT và Bộ này mới là chủ rừng thực sự (Vĩnh Phúc là cơ quan quản lý hành chính).
Khi được hỏi ý kiến về Dự án khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2 và Tây Thiên, ông Khải tỏ ra khá né tránh bộc lộ quan điểm và chỉ cho biết: Khu du lịch này dự kiến “cấu” rừng để xây dựng làm hai đợt, cụ thể: Đợt 1 chuyển đổi mục đích 300ha (nay giảm xuống 190 ha) đất rừng từ khu Bảo vệ nghiêm ngặt thành khu Phục hồi sinh thái; Đợt 2 chuyển đổi mục đích tương tự 600ha nữa.
Sau khi có những thông tin này, Ban quản lý Vườn đã yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc phải có văn bản đồng ý từ phía Chính phủ.
Về cuộc khảo sát của các nhà khoa học thuộc trường ĐHKHTN, ông Khải cho rằng, đây chỉ là kiểu điều tra theo đơn đặt hàng. Từ trước tới nay, chưa có một cuộc khảo sát chính thức nào điều tra quy mô lớn và toàn diện về sự đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Tam Đảo. Nhưng từ nhiều tài liệu và thông qua các cuộc khảo sát của nhiều đoàn khoa học đã khẳng định, Tam Đảo có khoảng 2.000 loài động thực vật, trong đó có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Về thực vật có sam bông, pơmu…; Động vật có: hổ báo, khỉ, voọc đen má trắng, hươu, nai, gà lôi, chồn hương... Đặc biệt quý hiếm ở Tam Đảo là loài Sa Dông (Cá Cóc), gà so cổ đỏ. Sự phong phú về thảm động thực vật trong vườn Quốc gia giúp cho Tam Đảo được xác định là một trong 9 vùng có sự đa dạng sinh học của quốc gia.
Ông Khải cũng khẳng định, khu vực mà Vĩnh Phúc định quy hoạch thành khu du lịch đúng là khu vực rừng lùn nguyên sinh chứ không phải là những “bụi cây thấp” theo đánh giá của nhóm các nhà khoa học đã đi khảo sát thuộc trường ĐHKHTN và lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông cũng bày tỏ sự lo ngại trước những tác động môi trường rất lớn sẽ ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia Tam Đảo như: Khi khu du lịch được đưa vào khai thác, nghĩa là khách đã được vào đến tận vùng lõi của Vườn Quốc gia, đương nhiên sẽ không thể tránh khỏi tác động đối với môi trường thiên nhiên.
“Điều quan trọng nhất là để đến được khu du lịch Vĩnh Phúc sẽ phải mở hàng trăm km đường. Thế nhưng, dù mới mở 2,7 km đường đầu tiên đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, sạt lở liên tục xảy ra. Do độ dốc quá lớn nên vào những ngày mưa, đất đá trôi ào ạt về phía khu dân cư phía dưới thuộc xã Hồ Sơn và Tam Quan khiến nước ở những khu vực này hoàn toàn bị nhiễm bẩn. Những nguy cơ về lở đất, lũ quét khi mùa mưa đến là hoàn toàn có thể xảy ra” - ông Khải nói.
Còn theo đánh giá của nhiều chuyên gia môi trường Việt Nam cũng như quốc tế: Vĩnh Phúc đang “nổi tiếng” không chỉ vì quy mô hoành tráng của khu du lịch mà còn là tỉnh đi tiên phong trong việc dám “cấu” hẳn một diện tích lớn trong khu vực Vườn Quốc gia đang được bảo vệ nghiêm ngặt ra khỏi rừng để xây dựng công trình vui chơi. Và đây cũng là là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc “nổ phát súng” cho phong trào “triệt” rừng làm kinh tế.
Nhà khoa học lên tiếng
Chúng tôi đã nhiều lần điện thoại đề nghị được gặp GS Trần Đình Nghi, Phó hiệu trưởng trường ĐHKHTN, kiêm trưởng đoàn khoa học thực hiện cuộc khảo sát và lập “Báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ dự án xây dựng khu du lịch sinh thái bền vững Tam Đảo 2”. Tuy nhiên, ông Nghi từ chối không gặp mặt và cho biết: Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã gọi điện yêu cầu thành viên trong đoàn không được có ý kiến gì xung quanh dự án Tam Đảo 2 này, mọi thắc mắc sẽ có người của tỉnh giải quyết!
Ông Nghi cũng nói rõ quan điểm: Tỉnh Vĩnh Phúc đã kết thúc hợp đồng khoa học này nên đoàn khoa học coi như đã xong trách nhiệm. Hơn nữa, đây là cuộc khảo sát mang tính chất dịch vụ, định hướng nên ông không muốn tham gia và trả lời bất cứ vấn đề gì sau đó!
Còn GS Võ Quý, Trung tâm Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho biết: Lúc đầu, Trung tâm của ông đề nghị thực hiện nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường phục vụ dự án du lịch sinh thái Tam Đảo 2 của Vĩnh Phúc nhưng sau đó Trung tâm này đã từ chối hợp tác do nhận thấy Vĩnh Phúc không thực hiện đúng nghĩa của việc phát triển khu du lịch sinh thái.
“Nếu vì kinh tế mà làm môi trường thiên nhiên suy giảm, cạn kiệt, khó có cơ hội phục hồi thì lương tri của nhà khoa học không cho phép. Khu bảo tồn Nhà nước đã xác định, cần phải giữ nguyên vẹn. Nếu nơi nào cũng làm như Vĩnh Phúc thì nhiều khu bảo tồn sẽ biến mất” - ông Quý nhấn mạnh.
Về phía tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trần Ngọc Phi cho rằng: Tỉnh vẫn sẽ theo đuổi dự án du lịch này. Tuy Vườn Quốc gia Tam Đảo là tài sản Quốc gia nhưng lại nằm trên địa bàn hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc nên tỉnh cũng có quyền lãnh đạo song trùng Bộ NN&PTNT với Vườn Quốc gia này (!). Vả lại, trước đây phạm vi nghiên cứu, khảo sát đánh giá tác động môi trường cho Dự án Tam Đảo 2 trên 1.000 ha nhưng nay rút xuống còn dưới 200ha (như vậy sẽ không cần trình Chính phủ mà chỉ cần thông qua Bộ NN&PTNT - PV). Theo đó, dự án sẽ tiếp tục “trình” những nơi có yêu cầu!
Chủ rừng phải có thái độ dứt khoát
Ông Nguyễn Tuấn Phú - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp (Văn phòng Chính phủ): Thủ tướng đã giao Vườn Quốc gia Tam Đảo cho Bộ NN&PTNT quản lý nên Bộ này, trong tư cách là chủ rừng, cần phải có trách nhiệm đầy đủ và có ý kiến dứt khoát với việc tỉnh Vĩnh Phúc triển khai dự án khu du lịch Tam đảo 2.
Về chuyện chuyển đổi mục đích sử dụng vùng lõi Vườn Quốc gia, Vĩnh Phúc có “lách luật” kiểu gì thì cũng phải báo cáo Thủ tướng và trình Quốc hội xem xét. Tôi tin việc này, nếu dư luận báo chí lên tiếng mạnh mẽ, Thủ tướng sẽ có quyết định đình chỉ. Tôi sẽ căn cứ vào phản ứng của các nhà khoa học và dư luận báo chí để khởi thảo Văn bản báo cáo Thủ tướng, xác định rõ vai trò của Bộ NN&PTNT trong việc quản lý Vườn Quốc gia Tam Đảo. |
Thanh Trầm